Phá đường dây rửa tiền gần 30.000 tỷ đồng
Chiều 22/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03), Công an TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị này vừa triệt xóa đường dây tội phạm rửa tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, qua kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2022 đến năm 2024, T.Q.T (36 tuổi, trú tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã làm giả căn cước công dân để thành lập 187 doanh nghiệp, làm giả nhiều con dấu của các ngân hàng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực căn cước công dân giả, giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp được thành lập…
Trên cơ sở này, đối tượng đăng ký mở hơn 600 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp đăng ký từ 2 đến 3 tài khoản và bán lại cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích luân chuyển, hợp thức hóa dòng tiền có nguồn gốc phạm tội (lừa đảo, đánh bạc…) từ nước ngoài về Việt Nam để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra PC03 Công an TP.Đà Nẵng xác định tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng nêu trên gần 30 ngàn tỷ đồng, trong đó ngoại hối ước tính hơn 300 tỷ đồng.
Theo PC03 Công an TP.Đà Nẵng, đường dây phạm tội của T.Q.T liên quan đến N.H.M (23 tuổi, trú huyện Hòa Vang) và H.N (25 tuổi) và N.T (29 tuổi, cùng trú quận Hải Châu), M.D (26 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).
Trong đó, N.H.M là đối tượng câu kết với T.Q.T trong việc làm giả căn cước công dân để thành lập doanh nghiệp nhằm mở và mua bán trái phép tài khoản ngân hàng.
Làm rõ thêm, Phòng PC03 chỉ rõ, H.N có hành vi lập và bán tài khoản ngân hàng cho M.D và N.H.M. Ngoài ra, N và D còn hỗ trợ các đối tượng lừa đảo thu hồi số tiền 780 triệu đồng có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội được chuyển vào tài khoản mà các đối tượng lập trước đây. Đặc biệt, N.T là nhân viên ngân hàng đã câu kết với T.Q.T mở nhiều tài khoản ngân hàng và bán lại cho các đối tượng để thực hiện giao dịch chuyển tiền, đồng thời cung cấp thông tin tài khoản cho T.Q.T để rút số tiền 900 triệu đồng có nguồn gốc từ hoạt động phạm tội từ tài khoản doanh nghiệp mà T đã lập.
Từ kết quả đấu tranh ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra PC3 Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng về tội “Rửa tiền”, “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 324, 291 và 341 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, tiến hành khám xét đồng loạt nhiều địa điểm là chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng, Phòng PC03 phát hiện, thu giữ 122 con dấu giả, 40 bản gốc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 5 máy in, 1 bàn cắt giấy, 1 máy khắc dấu công nghệ đổ keo, 1 máy khắc dấu hộp gỗ, 1 bộ linh kiện máy khắc dấu laser, 1 máy ép plastic và nhiều công cụ, phương tiện phục vụ hoạt động làm giả tài liệu khác.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.Đà Nẵng đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thu hồi tối đa tài sản bị lừa đảo nhằm trả lại cho các bị hại.
Tạm giữ 3 nghi can trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
Theo lời kể của người nhà nạn nhân, khoảng 23 giờ ngày 17/1, anh Trần Thành (SN 1994, trú thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) từ thôn Giáng Nam 2 (xã Hòa Phước) trở về nhà.
Bộ dạng mệt mỏi, quần áo xộc xệch, lúc này, anh chỉ kịp nói với vợ “anh đi đòi tiền giao hàng mà người ta đánh anh”, sau đó thì nằm luôn xuống giường. Một lúc sau, thấy chồng lịm dần, người vợ mới tá hỏa phát hiện trên thân thể nạn nhân xuất hiện rất nhiều vết bầm tím. Lúc này, nạn nhân đã tử vong, không kịp cấp cứu.
Ông Trần Viết Thông, bố anh Thành chia sẻ thêm, Thành là con ngoan hiền, biết chịu thương, chịu khó đi làm ăn, kiếm tiền về chăm lo cho vợ con. Trước đây, anh Thành đi làm phụ hồ hoặc ai thuê gì làm đó. Hai năm trở lại đây thì anh Thành mới đi làm shipper.
Ông Thông cho hay, người nhà sau đó được Công an huyện Hòa Vang hướng dẫn khám nghiệm tử thi thì mới được biết nguyên nhân tử vong là chấn thương sọ não.
Thượng tá Mai Chiến Thắng, Trưởng Công an huyện Hoà Vang cho biết, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc nam shipper tử vong bất thường. Hiện cơ quan công an đã tạm giữ hình sự 3 nghi can liên quan.
Nhận được tin nam shipper tử vong có hoàn cảnh khó khăn, sáng 22/1, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang cùng đoàn công tác đã đến động viên, thăm hỏi gia đình trước nỗi đau mất mát.
Được biết, vợ anh Thành là người dân tộc Cơ Tu tại huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và sinh được một cháu gái, hiện cháu đang đi học mẫu giáo.
Hàng ngày anh Thành chạy shipper, còn vợ đi làm thuê với công việc nhặt lông tổ yến; thu nhập không được ổn định và hiện đang sống nhờ tại ngôi nhà thờ của dòng họ.
Sau khi nghe về hoàn cảnh của gia đình anh Thành, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, đề nghị xã Hòa Phước tạo điều kiện, động viên hai mẹ con tiếp tục sinh sống tại địa phương.
Trước mắt, sẽ đưa gia đình anh Thành vào diện hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách an sinh. Về lâu dài, Bí thư huyện cho biết địa phương sẽ hỗ trợ cho vợ anh Thành có công việc ổn định, gần nhà để trang trải đời sống.
“Cố gắng hỗ trợ cho cháu gái học hành đàng hoàng. Không thể để cha mất mà con phải nghỉ học”, ông Tô Văn Hùng bày tỏ.
Tạm giữ đối tượng đâm chết người trong đêm
Ngày 22/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Phạm Văn Triều (SN 1999, trú thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi giết người.
Thông tin ban đầu, khoảng 1h30 cùng ngày, sau khi nhậu xong, nhớ lại mâu thuẫn trước đó với Triều nên Phạm Văn S (SN 2002, trú xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) nhờ người gọi điện cho Triều đến nhà ông Phạm Văn Đ (trú xã Ba Bích, huyện Ba Tơ) để nói chuyện.
Vừa gặp nhau, Triều tháo mũ bảo hiểm đập mạnh xuống nền nhà rồi dùng dao nhọn đâm thẳng vào vùng ngực của S.
Mặc dù được mọi người đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cấp cứu, song do vết thương quá nặng, S đã tử vong ngoại viện; còn Triều bị bắt giữ ngay sau đó.
Triệt phá đường dây lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng trên mạng
Ngày 22/1, một lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng một số đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Cục An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.
Theo lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện trên địa bàn huyện xuất hiện một nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với quy mô lớn nên đã vào cuộc điều tra.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an đã xác minh, truy vết, điều tra, làm rõ, xử lý 57 đối tượng liên quan. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 45 máy tính các loại, 63 điện thoại, 41 xe máy, 180GB dữ liệu cùng nhiều tang vật chứng liên quan của các đối tượng sử dụng để hoạt động lừa đảo.
Công an đã xác định 4 đối tượng có vai trò chính trong đường dây gồm: H’Nguyên Niê Kdăm (SN 1984), Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1998), Nguyễn Trần Trung Hiếu (SN 2000, cùng trú tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) và Nguyễn Thị Bích Ngọc (1989, trú tại TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Bước đầu các đối tượng khai nhận, vào đầu năm 2024, thông qua ứng dụng Telegram, H’Nguyên Niê Kdăm đã liên hệ với một đối tượng (không rõ lai lịch) để nhận công việc cầm đầu nhóm này tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Sau đó, H’Nguyên Niê Kdăm đã lên mạng xã hội tuyển nhiều nhân viên để thực hiện hành vi phạm tội. H’Nguyên Niê Kdăm đã phân chia nhiệm vụ quản lý và thanh toán tiền cho 3 đối tượng Nhàn, Hiếu và Ngọc. Với mỗi cuộc gọi thành công, mỗi nhân viên sẽ được trả công 30.000 đồng. Trung bình mỗi ngày một nhân viên được trả khoảng 300.000 đến 600.000 đồng.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng đầu trên sẽ gửi cho H’Nguyên Niê Kdăm các trang chứa thông tin của người dân như họ tên, số điện thoại và địa chỉ để đối tượng này chuyển cho các nhân viên tư vấn Telesale. H’Nguyên Niê Kdăm yêu cầu các nhân viên Telesale chuẩn bị điện thoại di động, máy tính, cài đặt một phần mềm gọi điện qua giao thức Internet nhằm tránh sự truy vết của cơ quan chức năng và lắp đặt 3 đường truyền Internet tốc độ cao.
Hàng ngày, các nhân viên Telesale gọi điện cho khách hàng với kịch bản do H’Nguyên Niê Kdăm cung cấp. Đó là giả danh nhân viên của Công ty TNHH công nghệ TikTok gọi điện cho khách hàng với nội dung “khách hàng may mắn trúng thưởng phần quà từ TikTik” và đề nghị cung cấp thông tin cá nhân để nhận quà tri ân 0 đồng. Sau khi khách hàng đồng ý, chúng yêu cầu nạn nhân kết bạn Zalo với tài khoản của “Công ty” để gửi địa chỉ nhận quà. Bên cạnh đó, nạn nhân còn có thể tham gia làm việc tại nhà bằng cách xem video, like tăng tương tác để nhận tiền thưởng từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng cho mỗi lần thực hiện.
Sau khi đã tạo được lòng tin, các đối tượng sẽ đưa các nhiệm vụ gọi là “thương mại điện tử” cho các nạn nhân với hứa hẹn khách hàng sẽ được nhận tiền hoa hồng khi mua các sản phẩm của “Công ty” cung cấp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, “Công ty” sẽ trả lại số tiền ban đầu và trả thêm từ 20-30% tiền hoa hồng. Với các giao dịch có số tiền nhỏ, khách hàng sẽ được nhận lại đầy đủ như thỏa thuận để tạo lòng tin. Nhưng khi khách hàng thực hiện các giao dịch với số tiền lớn thì các đối tượng này lại đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp, sai lệnh… để khóa tài khoản của khách hàng và chiếm đoạt tiền.
Hàng ngày, các đối tượng trong đường dây lừa đảo này đã sử dụng thông tin trái phép của khoảng 50.000 người dân, thực hiện trên 100.000 cuộc gọi để thực hiện hành vi lừa đảo. Qua đó, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng của các nạn nhân trên cả nước. Riêng nhóm đối tượng tại tỉnh Đắk Lắk, đã được trả công trên 200 tỷ đồng. Nhiều người dân đã bị nhóm lừa đảo này dụ dỗ, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, theo quy định, cứ sau 15 ngày, nhóm Telesale sẽ xoá toàn bộ dữ liệu trên trang tính để tiêu huỷ chứng cứ. Điều đáng nói là trong nhóm các nhân viên này, có những đối tượng mới hơn 16 tuổi và có trường hợp đã hơn 50 tuổi, nhưng chỉ vì thấy “việc nhẹ, lương cao” mà không biết hành vi của mình đang tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 đối tượng H’Nguyên Niê Kdăm, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Trần Trung Hiếu và Nguyễn Thị Bích Ngọc để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo và đề nghị những ai là nạn nhân của nhóm đối tượng nêu trên cần liên hệ ngay đến điều tra viên Phạm Tú Anh (số điện thoại 0966.639.569) hoặc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, địa chỉ số 58 Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (số điện thoại 0694.389.131 hoặc 0694.389.133) để trình báo. Trường hợp không đến trình báo, Cơ quan An ninh điều tra sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lãnh án
Ngày 22/1, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm tại TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam – Đặng Việt Hà (bên trái) và Trần Kỳ Hình được giảm án.
Phiên tòa bước vào phần tuyên án. Bị cáo Trần Kỳ Hình bị tuyên phạt 17 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hợp hình phạt là 22 năm tù (giảm 3 năm so với sơ thẩm).
Bị cáo Đặng Việt Hà bị tuyên phạt 17 năm tù (giảm 2 năm) về tội Nhận hối lộ. HĐXX cấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho 125/144 bị cáo.
12 bị cáo bị HĐXX bác kháng cáo. Theo HĐXX, đủ cơ sở để kết luận tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội danh và khung hình phạt là phù hợp, đúng với quy định của pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo không kháng cáo về tội danh, VKS không kháng nghị nên HĐXX không xem xét xét về phần tội danh.
Đối với các bị cáo khác, Viện Kiểm sát đề nghị giảm từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong đó, 5 bị cáo được đề nghị hưởng án treo, bao gồm Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Công Tùng, Nguyễn Đình Khoa, Lê Ngọc Lợi, và Bùi Quốc Hưng.
Theo quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là những người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm.
Tuy nhiên, các bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát; đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn; để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước.
Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các đơn vị trực thuộc xảy sai phạm kéo dài. Khi phát hiện xảy ra tiêu cực, bị cáo Hình không xử lý mà còn nhận tiền hối lộ bỏ qua vi phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vụ lợi cá nhân, bị cáo đã nhận tiền hối lộ 7,1 tỷ đồng để bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, các sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, thẩm định hồ sơ thiết kế phương tiện đăng kiểm.
Ngoài ra, bị cáo còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác làm trái pháp luật, duyệt cấp đủ năng lực cho 63 hồ sơ của các cơ sở đóng tàu (phương tiện thủy nội địa) trái quy định pháp luật,
Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, sau khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng, bị cáo Hà tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo nâng mức hưởng lợi của mình đối với số tiền nhận hối lộ. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền nhận hối lộ là 40,2 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân số tiền 8,55 tỷ đồng…
Nguồn: Sưu tầm