Tặng sách cho trẻ em cũng là tập thói quen quý trọng sách
Nhà văn Tống Phước Bảo (TP.HCM) nêu quan điểm với Dân Việt rằng: “Nếu có dịp tham quan Đường sách TP.HCM vào những ngày hè hoặc những ngày cuối tuần thì sẽ thấy rất nhiều phụ huynh dẫn con mình đến tham quan và chọn mua sách cho con như một phần quà tặng khích lệ các con.
Tôi từng chứng kiến các bé cầm lên, rồi đặt xuống một tập sách trong sự tiếc nuối vì phụ huynh chỉ cho mua 5 cuốn sách. Kể câu chuyện này để thấy lấy sách làm quà tặng cho các con trong những dịp đặc biệt hiện vẫn chưa được lan tỏa rộng rãi.
Tôi cho rằng, chúng ta nói về văn hóa đọc đang có sự dịch chuyển và bị thay thế bởi sự phát triển của mạng xã hội, các trò chơi điện tử thì hơn ai hết, chính chúng ta phải tập thói quen đọc sách ngay từ bây giờ cho con em mình.
“Dưới khung trời ngát xanh” là tập truyện dài từ khi còn ở dạng bản thảo đã đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5, năm 2024 do Báo Thể thao và Văn hóa – Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.
Sách có dung lượng 140 trang, chia thành 14 chương tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của một đám trẻ ở thôn quê – ký ức tuổi thơ của thế hệ cuối 8x, đầu 9x tuy thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn tràn ngập tình yêu thương, nên thơ và đẹp đẽ.
Bằng hình thức tặng sách cho con trẻ vào các dịp quan trọng cũng là tập thói quen quý trọng sách. Ngày nay, với công nghệ in ấn cũng như thiết kế bắt kịp xu thế cũng như sở thích của trẻ, rất nhiều cuốn sách đẹp. Riêng nội dung đã có các nhà văn chăm chút cũng như luôn đổi mới sáng tạo, họ nắm bắt nhu cầu đọc của trẻ khá tốt”.
Nhà văn Tống Phước Bảo cũng cho rằng, gần đây anh thấy có một số cuốn sách đã gây chú ý cho độc giả nhí như “Dưới khung trời ngát xanh” của Lữ Mai, tác phẩm này khi còn là bản thảo đã đoạt Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn; hay như “Cà nóng chu du Trường Sa” của Bùi Tiểu Quyên, tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia; hoặc bộ sách tranh “Những thiên thần của người gác rừng” của Phương Huyền đã tái bản với gần 10.000 bản.
Một số cây bút thành danh khi viết cho thiếu nhi ngay lập tức tạo nên cơn sốt như Nguyễn Xuân Thủy với tập truyện “Đại náo nhà ông ngoại”, tạo ngay “hot trend” mùa hè vừa rồi; Nguyễn Phong Điệp với tập truyện “Nhẩy lên và hét” hiện vẫn đang “sốt rần rần”.
“Quả thật sách bây giờ rất dễ dàng làm quà tặng cho trẻ bởi chất lượng và nội dung hoàn toàn có thể cuốn hút trẻ. Và nếu chúng ta không tạo thành nếp quen thì không thể có một sự thay đổi về văn hóa đọc nếu cứ hô hào mãi”, nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ.
Theo Thượng tá, nhà văn Nguyễn Phú – Giảng viên Học viện Biên phòng, tặng một cuốn sách cho trẻ em không chỉ thể hiện sự quan tâm, tình cảm của người lớn mà đó còn là cách trao truyền tri thức, bồi dưỡng tâm hồn và hình thành thói quen lành mạnh cho trẻ.
Vài năm trở lại đây, đã có một số người chú ý đến việc tặng sách cho trẻ. Nét đẹp thúc đẩy văn hóa đọc này đang dần được lan tỏa. Hy vọng trong thời gian tới trở thành thói quen phổ biến trong xã hội.
“Một cuốn sách hay chứa đựng nhiều tri thức, giàu giá trị nhân văn, trình bày đẹp, phù hợp độ tuổi… hẳn là thật ý nghĩa đối với các em. Sách như người bạn để các em bước vào năm học với những hứng khởi của tuổi hoa. Ngoài nguồn sách dịch, các tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi của các thế hệ nhà văn đi trước thì các tác phẩm mới của lứa nhà văn 8x, 9x viết cho thiếu nhi hiện nay cũng rất đáng được đón đọc”, nhà văn Nguyễn Phú nhấn mạnh.
Cần phải khơi lại tình yêu với sách trong các em nhỏ
Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng, so với lứa trẻ em sinh ra và lớn lên cách đây 20 năm, trẻ em ngày nay đã có một đời sống khác xa rất nhiều bởi các tiện ích công nghệ với sự hỗ trợ đắc lực của internet. Từ đời sống sinh hoạt hàng ngày đến học tập, vui chơi, giải trí, nhiều khi chỉ còn xoay quanh màn hình máy tính hoặc smartphone (điện thoại thông minh).
Những bất cập thái quá của việc hưởng thụ này dẫn đến sự phát triển mất cân bằng cả về thể chất và cảm xúc của các em. Trẻ em giảm đi rất nhiều sự hòa mình vào thiên nhiên, giảm đi việc tìm hiểu thế giới sống động quanh mình, giảm đi các hoạt động rèn luyện sức khỏe như: thể thao, bơi lội… Và đặc biệt là giảm đi hoạt động đọc sách, một thói quen thân thuộc, lành mạnh, tích cực của biết bao thế hệ cha anh. Quà tặng cho trẻ em, tự bao giờ đã vắng bóng đi những cuốn sách.
Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, cần phải khơi lại tình yêu với sách, niềm đam mê đọc sách trong các em nhỏ bằng những tác phẩm tích cực, vừa bồi đắp tâm hồn, vừa giúp các em mở rộng tri thức, có thêm vốn từ vựng phong phú, tạo nền tảng để học tập tốt môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông.
“Ông bà, bố mẹ, người thân có thể giới thiệu cho các em những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Việt Nam và thế giới, lại cũng có thể giới thiệu những tác phẩm mới của các cây bút đương đại. Tôi thấy hiện có cuốn sách “Dưới khung trời ngát xanh” của nhà thơ Lữ Mai có thể trở thành món quà tặng thú vị cho các em học sinh.
Các em sẽ cảm nhận được những ký ức tuổi thơ trong trẻo của tác giả, gắn với một vùng quê yên bình, nơi mỗi đứa trẻ lớn lên được làm bạn với thiên nhiên hiền hòa, được tham gia hoặc chứng kiến những hoạt động tăng gia sản xuất, hoạt động nông nghiệp như: nuôi ngan, bơm nước vào ruộng… Hình bóng những người thân yêu, những trò chơi tuổi nhỏ sẽ thành kỷ niệm thiêng liêng theo ta suốt cả cuộc đời…”, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ bày tỏ.