Hàng loạt nghệ sĩ ứng xử thiếu ý thức với di sản
Mới đây, hình ảnh ca sĩ Đức Tuấn đứng và ngồi trên mái nhà phố cổ ở Hội An để chụp ảnh đã làm dấy lên một “cơn thịnh nộ”. Phố cổ Hội An vốn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Bao đời qua, người dân và chính quyền TP. Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung đã hết sức gìn giữ và bảo tồn di sản này. Vì thế, nhiều người đã xem việc Đức Tuấn vô tư đứng trên mái nhà phố cổ để chụp ảnh là một sự xâm hại di sản. Bản thân Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh cũng cho hành vi của ca sĩ Đức Tuấn là khó chấp nhận, là vi phạm luật di sản.
Hình ảnh ca sĩ Đức Tuấn đứng trên mái nhà cổ Hội An chụp ảnh gây phản cảm. Ảnh: FBNV
Thực tế, đây không phải là lần đầu có một người của công chúng ứng xử thiếu ý thức, thiếu văn hóa với di sản, di tích, danh lam thắng cảnh. Nói rõ hơn là không ít nghệ sĩ có những hành vi xâm phạm di sản hoặc không có ý thức bảo vệ di sản, di tích. Điều này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về phông văn hóa và trách nhiệm công dân của những người nổi tiếng đối với việc bảo vệ di sản, di tích.
Trước đó, năm 2019, người dân Hội An đã vô cùng bức xúc khi một người tên Trần Mai Hương được cho là người mẫu, diễn viên hoạt động tại một sân khấu kịch ở TP.HCM tung clip quay cảnh cô đang “khoe thân” trên nóc nhà trong khu phố cổ Hội An. Những hình ảnh này không chỉ gây phản cảm mà còn xâm hại nghiêm trọng phố cổ Hội An và gây xấu xí hình ảnh chiếc nón lá Việt.
Vào năm 2022, Hoa hậu Giáng My cũng đăng bộ ảnh chụp ở phố cổ Hội An, trong số đó có ảnh cô ngồi tạo dáng ngay trên mái ngói nhà cổ, trong khu vực 1 – khu vực bảo tồn nghiêm ngặt. Vị trí chụp ảnh của Giáng My được cho là gây mất an toàn, thiếu tôn trọng di sản, gây bức xúc cho dư luận. Sau đó, UBND TP. Hội An đã yêu cầu đơn vị thực hiện loạt ảnh chụp Hoa hậu Giáng My tại phố cổ Hội An gỡ bỏ bức ảnh cô ngồi trên mái nhà cổ.
Năm 2011, ca sĩ Thủy Tiên cũng khiến cộng đồng một phen dậy sóng khi thực hiện một số cảnh quay phản cảm, thiếu thẩm mỹ… trong MV “Em đã quên” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Trong đó có cảnh Thủy Tiên đứng giữa hai bức tượng thể hiện tình quân dân với những động tác vũ đạo gợi cảm, mặc đồ cắt xẻ. Cô đã bị nhiều khán giả chỉ trích, bức xúc… vì cho ý tưởng đưa hình ảnh ca sĩ gợi cảm vào một nơi tôn nghiêm như bảo tàng là thiếu hiểu biết, coi thường khán giả. Trước sự phản đối của dư luận, Thủy Tiên đã phải lên tiếng nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm và mong được khán giả thông cảm.
Làm văn hóa mà không có ý thức bảo vệ văn hóa
NSND Quốc Chiêm cho rằng, những người nổi tiếng luôn tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Ứng xử của họ dù đẹp hay chưa đẹp cũng đều tạo ra những tác động tới công chúng. Vì thế, làm thế nào để nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, xây dựng niềm tin của công chúng với nghệ sĩ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Ðể nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, bên cạnh kêu gọi họ tự xây dựng những “rào chắn” cho riêng mình để luôn cẩn trọng, thận trọng trong hành xử, phát ngôn thì cũng cần phải có những chế tài cần thiết để xử lý những vi phạm theo các cấp độ. Hình phạt lớn nhất cho sự phóng túng, cẩu thả trong lối sống, ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ chính là sự quay lưng của công chúng.
NSND Vương Duy Biên – Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, ông cảm thấy rất đáng tiếc khi nhiều nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật nhưng lại thiếu ý thức trong việc bảo vệ di sản. Di sản là một phần của văn hóa. Đó là những gì ông cha để lại cho con cháu đời sau. Vì thế, bảo vệ và giữ gìn di sản cũng là bảo vệ và giữ gìn văn hóa, vốn cổ của ông cha.
“Điều đáng nói là dù đã xảy ra rất nhiều việc ồn ào liên quan đến những ứng xử thiếu ý thức, thiếu văn hóa… của người nổi tiếng với di sản, di tích nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào được làm nghiêm, chưa có những chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi này. Bởi thế, ý thức về việc bảo vệ di sản, ứng xử có văn hóa với di sản ở những người nổi tiếng đang rất báo động. Người bình thường mà xâm hại di tích, di sản… đã không thể chấp nhận được rồi, huống hồ nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng, nó sẽ tác động rất tiêu cực đến công chúng.
Tôi cho rằng, nhất thiết phải có những chế tài xử phạt thật nghiêm những vụ xâm hại di sản. Tuy theo mức độ của từng vi phạm mà xử lý. Nhưng người nổi tiếng sẽ phải bị phạt nặng hơn người bình thường. Anh làm văn hóa mà anh không có ý thức bảo vệ văn hóa là không được rồi.
Phải có các chiến dịch tuyên truyền về nâng cao văn hóa ứng xử với di tích, di sản. Phải có những cam kết cụ thể trong hoạt động làm nghề của những người tham gia biểu diễn nghệ thuật. Ở nước ngoài, dân thường mà xâm hại di sản, có hành vi làm tổn hại đến di sản là bị xử phạt rất nặng chứ chưa nói đến nghệ sĩ. Vì thế, chúng ta cần phải mạnh tay với điều này. Phải xử phạt thật nghiêm một số vụ để làm gương. Công chúng cũng không nên tha thứ cho những hành vi làm tổn hại đến di sản, phải lên tiếng mạnh mẽ hơn”, NSND Vương Duy Biên nói.
Theo Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, Điểm b Khoản 3 Điều 5; Điểm c Khoản 3 Điều 5 Nghị định 129/2021/NĐ-CP và Điểm d Khoản 2 Điều 2 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương;
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trừ trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật bảo vệ môi trường;
+ Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trừ trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật bảo vệ môi trường;
+ Sử dụng trái phép di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
+ Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
+ Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
+ Làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.