Trong một clip được đăng tải vào tháng 2/2024 trên mạng xã hội TikTok, nữ doanh nhân H.H tươi cười ném tiền từ trên cầu thang xuống rồi tung lên không trung. Đáng nói, dưới sàn nhà, rất nhiều tờ tiền các mệnh giá cũng được rải sẵn. Cô đi xuống, trực tiếp dẫm lên chúng rồi tiếp tục ném tiền khắp sàn.
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút hơn 17 triệu lượt xem. Nhiều bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ về sự giàu có với “nữ đại gia” này. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng bức xúc, cho đó là một màn khoe giàu sang lố bịch.
Những năm qua, hàng loạt nhân vật bỗng trở thành hiện tượng trên thế giới ảo. Thứ giúp họ câu view chỉ là các clip khoe tiền, khoe cuộc sống sang chảnh, giàu có… Không ít người sau đó đã bị “bóc mẽ” rằng họ không giàu có như cách họ tỏ ra, thế nhưng lượng video đó vẫn gia tăng mỗi ngày, với sự xuất hiện của nhiều nhân vật mới.
Năm 2022, Nguyễn Xuân Tùng (SN 1970, cư trú tại tổ 13, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang), thường được gọi là Tùng “vâu” bị khởi tố. Trước đó, người này từng rất nổi tiếng trên mạng xã hội vì sở thích đeo vàng khắp người. Tùng “vâu” cho biết, số lượng vàng đeo trên người không tính bằng cây mà tính bằng cân. Mỗi bộ trang sức gồm dây chuyền, vòng tay, nhẫn… khoảng 2kg, tính cả mặt đá thì giá trị mỗi bộ này khoảng 5 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng, nguồn tiền mà Tùng “vâu” dùng để mua vàng là từ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, đại gia Phúc XO cũng nổi tiếng trên mạng xã hội khi nhiều YouTuber đăng tải, phản ánh đây là người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam. Để thu hút công chubngs, Phúc XO còn sắm theo nhiều vật dụng bằng vàng khủng như: siêu xe mạ vàng, mũ vàng..
Tuy nhiên, sau khi Công an tạm giữ để điều tra về điều tra việc tổ chức sử dụng ma túy ở quán karaoke của mình, Phúc XO thừa nhận dây chuyền, lắc, nhẫn và nón trên người đều là vàng giả (gần 20kg). Phúc XO cũng khai nhận, do thấy người dân hiếu kỳ nên Phúc XO đeo vàng làm màu để thu hút sự chú ý.
Cần nghiên cứu việc “phong sát” tài khoản khoe tiền lố bịch
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Xu hướng khoe của, khoe cuộc sống thượng lưu và làm những trò lố “rẻ tiền” trên mạng xã hội nở rộ do cuộc sống con người ngày càng khá giả. Cũng bởi vậy, những nhu cầu cơ bản liên quan đến ăn, mặc, ở đã được đáp ứng. Họ ngày càng có nhu cầu được thể hiện ở bậc cao hơn.
Nhu cầu được thể hiện, tạo sự ảnh hưởng và dẫn dắt người khác là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện để có thể được người khác tôn trọng, tạo dấu ấn trong xã hội. Họ phải có vị trí, quyền lực và uy tín thực trong cộng đồng”.
Ông Trần Thành Nam nhận định, môi trường mạng khiến điều này trở nên dễ dàng hơn. Họ có thể được ủng hộ, khen ngợi và tạo ra sức ảnh hưởng dù chẳng cần tài năng gì, đôi khi chỉ thông qua việc làm những thứ mới lạ, thu hút sự chú ý của người khác. Một ưu điểm khác của mạng xã hội là bất kỳ ai cũng có thể giả vờ giàu sang mà khó bị phát hiện. Cũng bởi vậy, nhiều người đã quyết định thử nghiệm.
Các trò lố được quan tâm, mang về số lượng view, bình luận, theo dõi kênh khổng lồ khiến các clip này ngày càng xuất hiện “nhan nhản”. Nguồn lợi tài chính đến từ việc các nhãn hàng “nhảy vào” cũng khiến nhiều Tiktoker, YouTuber ham lời, bất chấp tạo nội dung gây chú ý.
“Hội chứng “ánh đèn sân khấu” rất mạnh và khi đã nghiện việc đó, chỉ cần sự chú ý của cộng đồng dành cho mình giảm đi, nhiều người đã bồn chồn, lo lắng, bất an. Họ tiếp tục nghĩ ra những trò lố hơn, các “sáng tạo” vô thưởng vô phạt. Không ít người đi quá giới hạn, làm phiền hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo tôi, không ít Tiktoker, YouTuber trở nên quá đà bởi họ “đeo mặt nạ” quá lâu rồi. Sự ảo tưởng đó gây tác hại cho chính họ, bởi con đường sự nghiệp của mỗi người cần học thật, làm thật. Với những người trẻ, đây là điều đáng lo ngại khi chỉ 5, 10 năm nữa thôi, lúc mọi người đã nhàm chán hoặc biết hết chiêu trò, họ đã tiêu tốn thời gian “make-up” cho bộ da của con sư tử, trong khi kiến thức, vốn sống, kỹ năng của họ chỉ như một “con thỏ” – ông Nam khẳng định.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng biện pháp phong sát các tài khoản mạng xã hội độc hại cần được nghiên cứu và vận hành một cách hệ thống. “Thực ra, hiện nay đã có những ý tưởng về việc xếp hạng năng lực công dân số, thậm chí là cấp phép hành nghề cho người làm sáng tạo nội dung. Tùy theo mức độ nội dung mà người đó đăng, nếu họ vi phạm sẽ bị trừ dần điểm và khi hết điểm, họ sẽ hết quyền sáng tạo nội dung trên thế giới ảo”.
Chúng ta cũng cần xây dựng một quy ước là văn hóa ứng xử trên không gian mạng để tất cả mọi người đồng tâm nhất trí trong việc nhận diện, phát hiện và bày tỏ thái độ. Tại đó, chính các nhãn hàng cần quan tâm tới nội dung của những KOLs mà mình làm việc. Họ nên có cách tiếp cận khác, có thể là không hợp tác với những người có lùm xùm. Công chúng báo cáo khi có nội dung phản cảm, để chúng không xuất hiện khi lướt mạng. Những thói quen đó sẽ góp phần hình thành được bộ quy tắc, làm cho không gian mạng trong lành và an toàn hơn” – PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định.
Mới đây, Trung Quốc xóa hàng loạt tài khoản có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng như khoe của, phô trương cuộc sống thượng lưu. Theo Weibo, họ đã “dọn dẹp” hơn 1.110 bài đăng phô trương sự giàu có và cấm đăng hoặc đình chỉ hoạt động hơn 27 tài khoản, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia về mạng xã hội Lâm Minh Châu cũng cho rằng, sự bùng nổ của các video khoe tiền tới từ lợi ích lớn mà người đăng tải nhận được: “Nhiều người làm video nhảm nhí kiếm hàng trăm triệu đồng, hoặc dễ dàng bán hàng/ quảng cáo cho doanh nghiệp của họ. Trong khi đó, những video chia sẻ kiến thức, kỹ năng có giá trị lại ít được quan tâm hơn. Sự dễ dãi của người xem khiến các kênh video nhảm này ngày càng phổ cập”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn