Tháng 5/2024, niềm vui liên tục đến với nghệ sĩ Ngô Hương Diệp khi cô liên tiếp giành hai giải thưởng Âm nhạc Quốc tế trong lĩnh vực opera. Đó là chiến thắng chung cuộc tại cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Georges Bizet, giải Nhất tại cuộc thi Golden Classical Music Awards – International Competition. Những thành tựu này là kết quả của một quá trình dài theo đuổi đam mê, với đầy sự kiên nhẫn và khổ luyện.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Ngô Hương Diệp.
Giành giải cao tại hai cuộc thi âm nhạc quốc tế lớn về opera, cảm xúc của chị thế nào?
– Tôi hạnh phúc khi giọng ca của mình được ghi nhận bởi giới chuyên môn trên thế giới. Đó cũng đều là những cuộc thi uy tín đã được tổ chức lâu năm. Lúc gửi bài tham dự, tôi không dám chờ đợi nhiều về thành tích.
Với cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Georges Bizet, tôi biết tin khi đã sắp hết hạn đăng ký. Trước đó, vào tháng 3/2024, tôi hóa thân vào vai Carmen – nhân vật trong vở diễn cùng tên của nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới Georges Bizet, do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng. Cũng bởi vậy, tôi liền sử dụng đoạn video trình diễn 3 ca khúc gửi tới tham dự.
Hai tháng sau, tôi nhận thông báo mình chiến thắng trong cuộc thi này cùng với một nghệ sĩ opera Trung Quốc. Mới đây, BTC cuộc thi Golden Classical Music Awards – International Competition cũng thông báo tôi giành giải Nhất chung cuộc. Với thành tích này, tôi được mời biểu diễn một ca khúc tại Nhà hát Walt Disney, Los Angeles, Mỹ. Tuy nhiên, vì con mới 10 tháng tuổi nên tôi chưa thể tham dự dù tiếc nuối.
Điều gì ở dòng nhạc opera khiến chị đam mê và gắn bó?
– Ngay từ khi còn là học viên Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, mỗi lần xem cô giáo mình – cố NSƯT Nguyễn Phương Lan biểu diễn tại Nhà hát Lớn, tôi đều đắm chìm vào giọng hát của cô, khao khát có một ngày được đứng trước một dàn nhạc lớn và cất tiếng hát như vậy.
Càng học opera, tôi càng nhận thấy đây là một môn nghệ thuật khó, đòi hỏi nhạc cảm tốt, sự chăm chỉ, kiên trì. Mỗi ngày, tôi lắng nghe và ám ảnh với tiếng hát và giai điệu của những nghệ sĩ nổi tiếng, sung sướng khi cách hát của mình có tiến bộ. Với tôi, opera quyến rũ bởi dường như nó không có điểm dừng, không có giới hạn, kích thích sự sáng tạo và lao động của người nghệ sĩ.
Thật ra, làm nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như một vận động viên thể thao, mỗi ngày đều phải rèn luyện, chỉ cần bỏ bê một thời gian, bạn sẽ thụt lùi và thất bại.
Opera là loại hình nghệ thuật cổ điển, sang trọng nhưng cũng rất kén khán giả. Chị đã đến với opera như thế nào?
– Cha tôi làm văn công ở đoàn nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ nhỏ, tôi đã thừa hưởng từ ông nhạc cảm, chất giọng, cả tình yêu với những giai điệu. Đương nhiên, như rất nhiều người trẻ khác, tôi không nghe opera, cũng hoàn toàn xa lạ với những dàn nhạc với đủ loại nhạc cụ trên sân khấu.
Năm 18 tuổi, tôi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia lần đầu tiên, nhưng… trượt. Trượt bởi không được ôn luyện, trượt cũng bởi sự tự ti và phân vân có theo đuổi âm nhạc do ngoại hình tròn trịa, thấp bé. Thế rồi, tôi bỏ đi học ngành khác 2 năm, cho đến khi chính mẹ tôi mở lời: “Mẹ thấy con hợp với việc hát nhất đấy, đừng đi học linh tinh nữa!”.
Nghe lời mẹ, tôi quay lại Học viện Âm nhạc Quốc gia, nghiêm túc ôn luyện và thi đậu. Người hướng dẫn tôi khi ấy chính là cô NSƯT Nguyễn Phương Lan. Cô bảo tôi: “Con có chất giọng, có đam mê, cứ tự tin lên để chinh phục dòng nhạc này”. Chính cô cũng là người định hướng tôi trở thành nghệ sĩ của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam sau đó.
Câu chuyện năm ấy đôi khi tôi vẫn kể với học sinh, bạn bè của mình, nhằm lan tỏa những điều tích cực. Đôi khi, trong cuộc sống, điều tốt đẹp sẽ không đến ngay với chúng ta. Tôi từng không nghĩ sau đó mình có thể được chọn đi du học, trở thành solist tại nhà hát, sau đó lại có thể chinh phục được những giải thưởng quốc tế như hiện tại.
Chặng đường tới thành công không chỉ trải hoa hồng. Đã thời điểm nào chị chán nản hoặc nghĩ mình không hợp với opera?
– Đôi khi tôi vẫn nhớ hình ảnh mình khi còn du học tại Rumani, đất nước có nhiều nghệ sĩ opera nổi tiếng thế giới. Đó là những ngày mùa đông giá lạnh, tuyết ngập dưới đường, tới thời điểm tối muộn, tôi mới rời trường nhạc trở về.
Khổ mấy cũng chịu được, cô đơn với tôi không vấn đề gì, nhưng điều khiến tôi thất vọng nhất là mình học một thời gian nhưng không tiến bộ được. Tập mãi, tập mãi, tôi bật khóc vì nghĩ tại sao mình lại dốt thế.
Chìm đắm trong chuyện đó một thời gian, tôi mới nhận ra có thể phương pháp của người giáo viên đó không phù hợp với mình. Tôi tìm tòi lớp học thêm, nỗ lực trau dồi, sau đó không lâu cũng đạt được những bước tiến mới.
Cũng như thể thao, trong nghệ thuật luôn có sự cạnh tranh. Là một solist, có khi nào chị nghĩ mình luôn phải đảm nhận vai chính?
– Đương nhiên, mỗi khi có một dự án, bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều nỗ lực. Chúng tôi không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn cạnh tranh với chính mình của ngày hôm qua, sự cạnh tranh ấy khiến nền nghệ thuật luôn phát triển.
Tôi không cho rằng mình luôn phải đảm nhận vai chính. Có điều, trước khi nhận bất kỳ vai nào, tôi luôn đặt mục tiêu rõ rệt: Không để ai có thể vượt qua những gì tôi thể hiện trên sân khấu.
Nếu là vai chính thì mình sẽ phải thể hiện cảm xúc thế nào? Nếu là vai phụ thì cần làm gì để mình không nổi hơn vai chính, vừa có thể ghi dấu ấn trên sân khấu? Tất nhiên, sau đó người ta có thể vẫn vượt qua thôi, nhưng mục tiêu là thứ để mình “cháy hết mình”, hừng hực ngọn lửa với nghề, dù vai lớn hay vai nhỏ.
Khán giả Việt Nam đã cởi mở với opera hơn chưa, theo chị?
– Opera kén khán giả là một thực tế không thể phủ nhận. Bản thân tôi nghĩ, cũng không thể đòi hỏi một dòng nhạc khó được hát ở khắp mọi nơi, đặc biệt khi Việt Nam không phải cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Tại Rumani, tôi từng chứng kiến người ta hát opera ở công viên, ga tàu, tương tự như những bài dân ca. Khán giả nước ta lại khác.
Những năm gần đây, tôi đã thấy những tín hiệu vui khi ngày càng nhiều khán giả quan tâm tới opera. Trong số đó có nhiều bạn thuộc gen Z, những người được đi du học hoặc được học thanh nhạc từ bé… Cũng có những khán giả đã ngoài 60 tuổi nhưng không bỏ lỡ chương trình nào, luôn kiên nhẫn và động viên nghệ sĩ chúng tôi, kể cả những hôm do điều kiện chất lượng âm thanh không quá tốt…
Ngoài 30 tuổi chị mới kết hôn. Liệu ông xã có phải là một trong những người hâm mộ chị?
– Chồng tôi hát hay, yêu âm nhạc nhưng khác nghề, cũng không có nhiều dịp đi nghe vợ hát opera. Những năm qua, tôi may mắn khi luôn được anh ủng hộ làm những gì mình mong muốn, tạo điều kiện cho tôi đi diễn, giảng dạy.
Không ít lần, anh góp ý cho tôi về cách hát các ca khúc Việt Nam khi nghe tôi tập luyện, với tư cách của một khán giả. Những nhận xét của anh thường khá chính xác, cũng bởi vậy từ khi kết hôn, tôi rất hay hỏi ý kiến chồng.
Tôi còn may mắn có mẹ chồng tâm lý. Bà luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi chăm sóc con, giúp tôi có thể sớm trở lại với công việc, với đam mê nghệ thuật.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn