V-League không kiểm tra doping?
Sự việc 5 cầu thủ đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giữ do sử dụng ma túy gây rúng động làng bóng đá Việt Nam. Ngoài trách nhiệm của CLB chủ quản của cầu thủ, không thể không nói đến công tác chỉ đạo, tổ chức của VFF, VPF.
Trong điều lệ giải đấu hằng năm đều có nhắc đến công tác phòng chống doping (chất cấm, trong đó có chất gây nghiện). VPF phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Ban Y học (VFF) và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra y tế, chất gây nghiện, doping đối với các cầu thủ của các CLB tham dự.
Ngoài ra, VPF còn thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc ngẫu nhiên tại một số CLB. Tuy nhiên, công tác này ít được ghi nhận. Khảo sát một số đội bóng V-League, đại diện các đội đều cho biết hiếm khi và ít thấy có kiểm tra doping.
Ông Võ Đình Tân – cựu HLV CLB Khánh Hòa – thừa nhận: “Tôi thấy ít khi có đoàn kiểm tra của VPF về doping, thậm chí không để ý là có kiểm tra hay không. Vì vậy sau sự việc 5 cầu thủ Hà Tĩnh, ban tổ chức nên xem lại công tác này để đề phòng rủi ro”.
Còn HLV Văn Sỹ Sơn của CLB Quảng Nam nêu ý kiến: “V-League vẫn chưa thực hiện công tác kiểm tra doping cho cầu thủ. Tôi nghĩ VFF, ban tổ chức giải cần làm ngay để ngăn ngừa tình trạng cầu thủ sử dụng chất cấm. Nếu đưa ra quy chế rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm”.
V-League cần cứng rắn
Ông Sỹ Sơn nói thêm: “Kiểm tra doping là giải pháp tốt nhất vì lãnh đạo CLB, ban huấn luyện không phải lúc nào cũng kè kè theo sát cầu thủ để điểm danh được. Do đó, nếu có những biện pháp cứng rắn, chắc chắn cầu thủ sẽ sợ, môi trường sẽ khác”.
Còn nhà cầm quân Đình Tân nêu giải pháp thêm: “Đội ngũ huấn luyện viên trẻ, ở các đội cũng cần chú trọng và giáo dục cầu thủ trẻ về chất cấm cũng như tiêu cực trong thi đấu. Cầu thủ trẻ đã dính vào một lần rồi là nó sẽ theo họ cho đến khi lên đội lớn, thậm chí cả khi cầu thủ thành ngôi sao”.
Cựu tiền vệ Phan Văn Tài Em nhấn mạnh vào bản lĩnh của cầu thủ trong môi trường nhiều cám dỗ.
Anh nói: “Nếu mình biết mà không báo cáo với lãnh đạo thì dần dần những dấu hiệu tiêu cực cũng thâm nhập vào đội bóng và cuốn mình theo. Cầu thủ hãy mạnh dạn báo cáo với người có trách nhiệm để loại trừ những con người tiêu cực. Mình phải có lập trường và giữ vững nó”.
Tiêu cực trong thể thao luôn rình rập vận động viên. Không chỉ 5 cầu thủ Hà Tĩnh mới đây bị cơ quan công an tạm giữ vì sử dụng chất gây nghiện, trước đó 5 cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu cũng bị khởi tố vì cá cược và dàn xếp tỉ số.
Tuổi Trẻ Online – Thể thao – RSS Feed