Người quê giữ “hồn quê”
Nhìn lại chặng đường 35 năm khôi phục hát Dô, bà Lan cũng phần nào mãn nguyện bởi đã gầy dựng lại được cái vốn quý của cha ông. Bà Lan cho biết, kể từ những lớp truyền dạy đầu tiên năm 1990 tới nay tại xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), đã có khoảng hơn 1500 người tham gia tập luyện và biểu diễn. Hát Dô quay trở lại là một trong những nét sinh hoạt đậm hồn quê nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Hát Dô cũng được giới thiệu trên nhiều sân khấu, hội diễn lớn ở Thủ đô như Văn miếu – Quốc Tử Giám hay tại tượng đài vua Lý Thái Tổ ở hồ Hoàn Kiếm… và một số địa phương.
CLB hát Dô xã Liệp Tuyết cũng đã được công nhận là “Địa chỉ văn nghệ dân gian”. Bản thân bà Lan cũng được Nhà nước phong tặng các danh hiệu từ Nghệ nhân Ưu tú tới Nghệ nhân Nhân dân.
“Thi thoảng tôi cũng hỏi các cháu rằng “các con có thích hát Dô thật không?”. Các cháu bảo “Có” mà tôi cũng chưa thật sự tin lắm. Phải tới lúc các cháu nói thích câu nào, ngấm nội dung câu hát đó thế nào tôi yên tâm. Ở tuổi mới lớn, mấy đứa hình như cũng bắt đầu biết yêu, mà trong hát Dô cũng có các nội dung ca ngợi tình yêu nam nữ nên chắc vì thế mà những lời ca ấy cũng ngấm vào”, NNND Nguyễn Thị Lan tâm sự.
“Bạn nàng hỡi lấy quạt cầm tay/ Ngày nắng cả thay lấy quạt cầm tay ơ hơ che đầu…/ Có nắng thì che lên đầu/ Có nực thì quạt đi đâu thì cầm/ Ra đường gặp khách tri âm/ Lấy quạt che miệng nói thầm cùng nhau…”, NNND Nguyễn Thị Lan hát trích đoạn của thể loại hát Chúc trong hát Dô.
Ca nương trẻ Kiều Minh Tâm (16 tuổi, CLB hát Dô xã Liệp Tuyết) chia sẻ: “Khi em mới bắt đầu được bà Lan dạy tập hát Dô, em cảm thấy rất khó. Ví dụ như cùng một giai điệu nhưng rất nhiều lời bài hát, rất nhiều những tầng sâu của ý nghĩa của lời bài hát mà em không thể hiểu được. Nhưng sau khi được bà giảng dạy, chúng em hiểu hơn về ý nghĩa, cảm thấy yêu hơn làn điệu của quê hương mình”.
Hiện nay, cứ mỗi cuối tuần hay lúc nào rảnh rỗi, bà Lan cùng các thành viên của CLB hát Hô xã Liệp Tuyết đều tranh thủ tập luyện duy trì hoặc sẵn sàng đi biểu diễn nếu được chính quyền xã hoặc huyện yêu cầu.
“Mai này ai còn nhớ hát Dô”
Hát Dô Liệp Tuyết hiện nay có thể được xem là đang “sống khỏe” nhưng là “sống khỏe” dưới đôi bàn tay và công sức, tâm huyết của NNND Nguyễn Thị Lan. Cũng như các loại hình diễn xướng dân gian khác, hát Dô Liệp Tuyết cũng luôn gặp phải những vấn đề về tìm thế hệ kế cận, hay vấn đề không đủ kinh phí để hồi sinh nguyên vẹn và duy trì các hoạt động một cách bền vững.
Chưa kể, mỗi năm, CLB hát Dô xã Liệp Tuyết sẽ có những người “bỏ cuộc chơi”. Đó là khi thế hệ được đào tạo trưởng thành, đi làm ăn xa hoặc lập gia đình, không còn đủ thời gian để tham gia các hoạt động. Việc tìm người thay thế hiện nay không phải quá khó khăn bởi “lời nguyền” như xưa, nhưng trông chờ vào sự tự nguyện và đam mê của các em nhỏ là rất khó.
Vậy nên, bao năm qua, NNND Nguyễn Thị Lan vẫn chờ đợi một chính sách cụ thể, một kế hoạch bảo tồn lâu dài, nghiêm túc từ phía chính quyền. Bà Lan chia sẻ, những nỗ lực của bà cũng như toàn thể nhân dân Liệp Tuyết bao lâu nay chỉ đủ để làm “mát mặt chính quyền”. Dù đã được công nhận và đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng bà Lan cho biết, hát Dô vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm, sát sao trên nhiều phương diện từ phía chính quyền địa phương.
Bà Lan không nhớ mình đã bao nhiêu lần phải bỏ tiền túi, từ tiền xe tới chi phí ăn uống cho cả đoàn khi đi xa biểu diễn. Bà Lan bộc bạch: “Có những lần đi diễn tới tối muộn, khoảng 10h đêm rồi, các cháu vẫn chưa được ăn gì. Tôi mới xót và dẫn các cháu đi ăn phở. Các cháu tưởng được hỗ trợ chi phí nên thoải mái ăn uống tự do. Không phải tôi tiếc các cháu nhưng mình cũng không giàu có gì. Dẫn con cái nhà người ta đi, không thể để cho các cháu vác bụng đói mà về được. Các cháu ăn xong tôi mới nói là tiền túi mình bỏ ra, có những cháu cảm động và phát khóc”.
Thậm chí, bà Lan bức xúc chia sẻ sự việc, ngày được nhận phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, bà Lan cầm tấm bằng Nghệ nhân Nhân dân lên Ủy ban nhân dân xã để kiến nghị, đề xuất các kế hoạch bảo tồn và phát huy cho di sản quê hương. Nhưng không những không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào, bà Lan còn nhận được đề nghị “bàn giao” lại quyền chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết cho người khác. Rất may sau đó, sự việc này đã không xảy ra.
Trả lời PV Dân Việt, ông Tạ Văn Nguyệt, Phó chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết, hằng năm, xã Liệp Tuyết đều tuyển chọn người phục vụ cho việc mở lớp của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai. Các em học sinh được lựa chọn chủ yếu ở cấp Tiểu học hoặc Trung học cơ sở.
“Chúng tôi cũng đã có những đề xuất lên huyện để có thêm những ngân sách, chi phí cho các hoạt động của CLB hát Dô của xã. Hiện tại, chúng tôi không thể có đủ ngân sách để hỗ trợ thường xuyên cho CLB hát Dô được. Các chuyến đi biểu diễn, chúng tôi cũng chỉ có thể vận động xin hỗ trợ tiền xe và tiền ăn uống”, ông Nguyệt chia sẻ.
Ông Nguyệt cũng mong rằng, huyện Quốc Oai có thể phát triển được các “tour du lịch” tại các điểm di sản, trong đó có đền Khánh Xuân với hoạt động biểu diễn hát Dô. Như thế, công tác duy trì và phát triển loại hình hát Dô sẽ có thêm những chi phí hoạt động.
Phải nói rằng, việc khôi phục thành công và đưa hát Dô được lan rộng, nhiều người biết đến đều dựa vào nỗ lực không biết mệt mỏi suốt mấy chục năm qua của NNND Nguyễn Thị Lan. Không chỉ bởi nhiệt huyết, quyết tâm mà bà Lan cũng phải hội tụ cả những yếu tố như năng khiếu bẩm sinh, hát hay, múa dẻo mới có thể khiến hát Dô vẫn “sống khỏe” như hiện tại.
Phó chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết, hiện nay đã có người đồng hành cùng bà Lan trong công tác cùng bảo tồn và phát huy hát Dô. Nhưng liệu có đủ “tâm” và đủ “tầm” như bà Lan hay không là điều rất khó nói.
Hát Dô có thể sẽ không bị mai một hoặc thất truyền bởi những mạch nguồn âm ỉ vẫn duy trì trong cộng đồng làng xã hoặc sẽ có người thứ hai như bà Lan. Nhưng rất khó để những giá trị của hát Dô được phát huy với cách làm như bà Lan chia sẻ chỉ để “mát mặt cán bộ” và những hoạt động bảo tồn cũng chỉ mang tính địa phương đơn lẻ như hiện nay.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn