Chia sẻ với Dân Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, nhà thơ Trần Nhật Minh đã ra đi thanh thản tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tiếng đàn ghi ta và tiếng hát ngọt ngào của bạn bè, người thân.
Nhà thơ Trần Nhật Minh là người học trò mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vô cùng yêu quý.
Được biết, nhà thơ Trần Nhật Minh ra đi trong vòng tay gia đình và người thân bằng một khúc tình ca êm dịu đã đi cùng tuổi trẻ của anh và bạn bè đồng lứa.
Trần Nhật Minh sinh năm 1981, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội. Anh từng làm việc tại báo Khoa Học Phổ Thông, Phụ nữ Thủ Đô, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC…
Ngoài sự nghiệp làm báo, anh còn là tác giả của những câu thơ khoáng đạt, với bút danh Khánh Văn Trần Nhật Minh.
Anh từng xuất hiện tại sân thơ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, và là đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô. Tập thơ Khúc hát cánh đồng gồm 49 bài thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Thơ anh được yêu thích bởi lối viết tự do, phóng túng và dạt dào tình cảm.
Cảm nhận về thơ Trần Nhật Minh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) từng viết trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam: “Trong thơ của Trần Nhật Minh, giữa bao tầng cảm xúc, giữa lớp lớp hình ảnh và sự chìm sâu của suy tưởng, tôi thấy một con đường hiện lên. Đó là con đường của sự trở về.
Và tôi vừa bị ám ảnh, vừa được gợi mở từ con đường đấy. Con đường trở về ấy là con đường để rời bỏ những phù phiếm, những cám dỗ, những hoang mang vô định và trở về một nơi chốn mà những giá trị muôn đời trú ngụ. Chỉ ở đó, nhà thơ, một con người, mới tìm thấy những gì thực sự có ý nghĩa với đời sống”.
Chia sẻ với Dân Việt về thơ ca của Trần Nhật Minh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: “Đọc thơ Trần Nhật Minh tôi cảm nhận được thêm hai tiếng “thơ ca”. Thơ Minh như là những tiếng ca, lời ca vì tính nhạc phát ra trước hết tự trong lòng tràn vào câu chữ, hình ảnh, âm thanh. Thơ Minh nhiều cảm xúc, dòng tình cảm lan chảy trong những câu thơ có khi như thừa thãi, tràn trề.
Có cảm tưởng ở đâu, lúc nào tiếng đàn thơ trong tâm hồn Minh đều có thể bật lên cung điệu và những cung điệu đó bất cứ khi nào cũng tạo được sự đồng điệu trong hồn người. Minh viết về những người thương ruột thịt của mình, về những con người gặp gỡ trong đời, về cánh đồng quang cảnh quê hương, về nhiều thứ khác nữa, nhưng thơ không phải là “cá kể đầu rau kể mớ”.
Minh có viết thơ về gì thì cũng là để viết về Minh đấy thôi, để cái bản tính thi sĩ trong mình bộc phát ra, chan hòa với thế giới, với mọi người. Minh bằng thơ rất muốn giao hòa với nhân sinh. Nhưng thẳm sâu thơ Minh buồn một nỗi buồn cô đơn nhân thế. Cái buồn trong thơ Minh dìu dịu, lặng lẽ làm cho những câu thơ của Minh chỉ nên đọc ở một gam trầm, không vóng vót, không ồn ào.
Trần Nhật Minh trong mắt tôi là một chàng phiêu lãng của thơ và nhạc, sống phiêu diêu theo thơ nhạc, và do đó đã phiêu lưu với chính cuộc đời mình. Minh đã sống một đời trẻ và Minh đã trẻ lại sau đời”.
Ô cửa mưa
Nhà thơ Trần Nhật Minh
Những giấc ngủ chập chờn kéo tôi về ô cửa mưa
Những giấc mưa lạnh tanh rơm mới
Đêm đêm trên từng bậu cửa
Hương mưa mùa chảy lan nơi hạt thóc nảy mầm
Có vẻ đẹp nào tôn nghiêm như giờ khắc tái sinh?
Khẽ cựa mình ánh mắt giọt sương
Ngọn mây đi về hai chiều sáng tối
Ai mải mê chạy trên lối quen ruỗng nát
Ai đang lặng im đếm từng bước chân cũ kỹ của mình…?
Dải ánh sáng vẽ nụ cười chiều tà
Mùa xuân lạ lùng gương mặt lá cắt
Cứ đi như thế… cứ đi như chưa từng trở về
Đi như thể xa hơn xác thân này đơn độc…
Và ai đó sẽ đem mưa tới
Trong len lỏi rơm thơm
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn