January 24, 2025

Nhà báo Trần Mai Hạnh: Người “Đi qua số phận” và những dự định còn dang dở

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Cảnh sát 113 tại Lâm Đồng bắt đối tượng trộm xe máy trên đường sau 30 phút
  • Bắt đối tượng ở Long An học chế tạo pháo trên Tik Tok, Youtube rồi rao bán trên Facebook
  • Một nữ giáo viên đang nuôi 2 con nhỏ nghi bị sát hại trong rừng ở Lào Cai

  • Thông tin nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (81 tuổi, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam) đột ngột qua đời tại TP.HCM đến với tôi vào một đêm muộn 2/4, khiến tôi bàng hoàng. 

    Bởi tôi biết nhà báo Trần Mai Hạnh cùng em trai Trần Mai Hưởng – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và một số đồng đội vừa có chuyến hành trình xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM thăm lại những thành phố nơi hai anh em đã có mặt 49 năm trước trong những ngày đầu giải phóng. 

    Chuyến đi lần này như một hành trình trở về với ký ức, thăm lại những nơi mà các ông cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía Đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử. 

    Nhà báo Trần Mai Hạnh: Người "Đi qua số phận" và những dự định còn dang dở- Ảnh 1.

    Hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng chụp ngày 1/4. Ảnh: FB nhà báo Trần Mai Hưởng

    Chỉ mới đây, ngày 1/4, nhà báo Trần Mai Hạnh, nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn đang ở Phan Thiết, chụp ảnh trên con đường Lâm Hồng Long, thăm ngôi nhà giờ đã trở thành nơi thờ tự của gia đình nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, thắp hương tưởng nhớ ông, nhà nhiếp ảnh tài năng và đã để lại những tác phẩm lịch sử, mang dấu ấn một thời kỳ nhiều biến động cùa đất nước… 

    Những bức ảnh cuối cùng hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh – Trần Mai Hưởng chụp cùng nhau, chụp cùng các đồng nghiệp, khuôn mặt rạng rỡ, với vẻ phóng khoáng, phong trần của những người làm báo từng trải, từng nắm giữ những vị trí cao trong nghề báo và đã kinh qua bao biến cố của cuộc đời. 

    Chiều 2/4, khi có mặt ở TP.HCM, nhà báo Trần Mai Hạnh đã bị suy hô hấp nặng, qua đời ngay sau đó. Sự ra đi đột ngột của ông, khiến những người thân, bạn bè và những người quen biết ông không khỏi hụt hẫng, bàng hoàng. 

    Hành trình thăm lại chiến trường xưa vẫn còn dang dở…

    Tôi biết đến nhà báo Trần Mai Hạnh từ khi tôi mới chập chững vào nghề cách đây hơn 20 năm, lúc đó ông là “cây đa, cây đề” trong làng báo, nhưng mãi sau này, vào tháng 4/2021, tôi mới có dịp được gặp ông để thực hiện một cuộc phỏng vấn cho chuyện mục Dân Việt Trò Chuyện nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021). Bởi ông là một trong ít những phóng viên chiến trường có mặt tại nhiều điểm nóng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, may mắn chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. 

    Cũng phải khó khăn thuyết phục mãi, ông mới nhận lời dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện, bởi với một người như ông đã quá nổi tiếng, từng kinh qua nhiều chức vụ và trải qua biến cố thăng trầm của cuộc đời trước đó, giờ “ông chỉ muốn được sống bình lặng, thực hiện những dự định còn dang dở, viết những cuốn sách của cuộc đời mình”. 

    Nhà báo Trần Mai Hạnh: Người "Đi qua số phận" và những dự định còn dang dở- Ảnh 2.

    Nhà báo Trần Mai Hạnh (trái) trong chuyến thăm đồng nghiệp cũ tại Phan Thiết. Ảnh: FB Nhà báo Trần Mai Hưởng

    Bài báo Người “đi qua số phận” với những điều chưa từng hé lộ đăng trên báo Dân Việt đúng ngày 30/4/2021, chúng tôi đã mượn tên cuốn sách “Đi qua số phận” mà lúc ấy ông đang viết dở. Trong cuộc trò chuyện diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ, ông kể những câu chuyện về nghề, về cuộc đời đầy thăng trầm, về những biến cố đau thương và những may mắn lạ kỳ được ông tái hiện lại, bằng một trí nhớ đáng để bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ và một thái độ khoan dung tự tại cũng đáng để bất cứ ai cũng phải thán phục. 

    Cũng trong cuộc trò chuyện đó, tất nhiên có cả những điều mà ông chưa từng kể với bất kỳ ai. Người đàn ông ở tuổi gần 80 lúc ấy đã ôm trong lòng bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, được mất của đời người. 

    Và như ông từng chia sẻ: “Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai hoạ để cất bước… Cái gì cũng có giá của nó cả”.

    Sau bài báo, tôi có dịp được tiếp xúc ông nhiều hơn, thỉnh thoảng ông lại gọi điện kể cho tôi nghe về những dự định ông ấp ủ, những cuốn sách sắp viết, chia sẻ những suy nghĩ về sự kiện này, sự kiện khác hay chỉ bảo cho tôi những kinh nghiệm làm báo mà ông đã tích cóp cả một đời. 

    Một vài lần, nhóm phóng viên Dân Việt đến thăm ông, hoặc ngồi cà phê trên phố hàn huyên cùng ông. Và dù ở tuổi gần 80, chúng tôi vẫn nhận thấy ở ông một người viết đầy đam mê, đầy khao khát và tâm huyết với nghề. 

    Khi đã “đi qua số phận” cuộc đời mình, nhà báo Trần Mai Hạnh đã toả sáng rực rỡ với một loạt các tác phẩm đã gây được tiếng vang, trong đó không thể không kể đến tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 do NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. 

    Đây là một tác phẩm đồ sộ với cả phiên bản tiếng Anh và phiên bảo tiếng Lào – là một cuốn tiểu thuyết nhưng điều đặc biệt là nó được viết dựa trên những sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử, về sự kiện những ngày cuối cùng của chiến tranh giải phóng miền Nam. 

    Tác phẩm đã nhận được một số giải thưởng văn chương lớn như: Giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN… Hay tác phẩm Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống và Viết và đối thoại. Đó là những trang nhật ký văn học ghi chép về những chặng đường ông đã đi qua, đã nếm trải.

    Xuyên suốt những tác phẩm, ông viết về chiến tranh, lột tả sự tàn bạo, huỷ diệt của cuộc chiến, nhưng được nhìn từ lịch sử, tâm hồn và số phận cụ thể của mỗi con người giúp cho người đọc có được cái nhìn toàn diện và nhân văn hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. 

    Cuối tháng 12/2023, ông gọi điện cho tôi, chia sẻ về cuốn tự truyện ông định xuất bản vào đầu năm 2024, dự định sẽ đăng bài mà báo Dân Việt đã trò chuyện cùng ông, hứa hẹn chú cháu sẽ gặp nhau ngày ra mắt cuốn sách. Đây là cuốn sách ông đã dành cả tâm huyết viết trong vài năm gần đây, ghi lại những thăng trầm của cuộc đời làm báo ông đã đi qua, những con người ông đã gặp… 

    Nhưng đến nay cuốn sách vẫn còn dang dở như chuyến hành trình xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM, đi dọc miền Nam đất nước thăm lại chiến trường xưa mà ông và em trai đang thực hiện.

    Xin được vĩnh biệt nhà báo Trần Mai Hạnh, một nhà báo, nhà văn gạo cội của TTXVN và đất nước.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn