Doanh thu phim Mai hôm nay là bao nhiêu?
Hiện tại, theo thống kê của Box Office Vietnam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tính đến sáng 27/2, phim Mai của Trấn Thành đã cán mốc 480 tỷ, phá kỷ lục 475 tỷ của Nhà bà Nữ đã thiết lập trước đó.
Đáng nói là nếu như Nhà bà Nữ cần đến 3 tháng để vươn lên Top 1 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại thì phim Mai chỉ cần 17 ngày để đạt được vị trí này.
Mới đây, trên trang cá nhân, Trấn Thành chia sẻ cảm nhận về các tuyến nhân vật trong phim điện ảnh Mai do anh làm đạo diễn.
Anh gửi lời cảm ơn khán giả và để lại bình luận giải thích thêm về cách đặt tên nhân vật do diễn viên Tuấn Trần thủ vai mang tên Trùng Dương.
Trấn Thành trả lời bình luận của khán giả: “Chị viết hay quá, kế bên Mai là Bình Minh và Dương, đều là ánh sáng của đời Mai.
Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng! Nhưng bên kia là Trùng Dương. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống. Cảm ơn chị đã ngẫm bộ phim thật sâu”.
Tuy nhiên, giải thích “Trùng dương là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống” của Trấn Thành đã gây ra dư luận tranh cãi ngay sau đó.
Khán giả có nhiều ý kiến: “Trấn Thành giải thích ý đồ đặt tên nhân vật mà tôi xỉu ngang. Dương trong từ “trùng dương” thường được hiểu là biển lớn, chứ không phải mặt trời. Chữ “trùng” ở đây cũng không phải là “chùng xuống””; “Lần này thực sự không thể bênh được luôn”; “Đọc mà cười chảy nước mắt, là biên kịch với đạo diễn dữ chưa vậy?”…
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên giải thích “trùng” có nghĩa “vọt lên”
Trước những tranh cãi của cộng đồng mạng, Dân Việt có liên lạc với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và được ông giải thích: “Tôi có đọc vụ này rồi. Trấn Thành sai rồi. Trong tiếng Hán, “dương” là mặt trời, nhưng không có chữ “trùng” nào có nghĩa là chùng xuống, mà có một chữ “trùng” còn có nghĩa là “vọt lên”. Nếu nói “chùng dương” cũng sai vì “chùng” là một từ Việt, còn “dương” lại là từ Hán, không thể ghép như thế.
Có hai chữ “trùng dương” trong tiếng Hán dùng chỉ một ngày Tết của người Trung Quốc vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, nên còn gọi là “trùng cửu”. Tóm lại, Trấn Thành bịa ra một cái tên rồi giải thích lăng nhăng” – nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều người cũng đưa ra giải thích khẳng định “trùng dương” không có nghĩa nào như Trấn Thành đã phát ngôn.
Tuy nhiên, vẫn có 2 luồng dư luận về câu chuyện này, một bên bênh vực Trấn Thành, bên kia cho rằng với người nổi tiếng cần sự cẩn trọng khi phát ngôn.
Những người bênh vực Trấn Thành bình luận: “Chẳng ai tranh luận về cách giải thích một cái tên riêng cả đâu nhà ngôn ngữ ơi. Ý nghĩa của từ thì còn tranh luận được, chứ còn tên riêng thì người ta lý giải sao thì nghe vậy. Trừ khi bạn là người đặt tên cho nhân vật đó thì bạn mới có tư cách phản bác lý giải của Trấn Thành. Vì đã sai với ý của bạn khi đặt tên đó cho nhân vật. Còn người ngoài chẳng có cái quyền đó”;
“Trấn Thành là diễn viên hài nên đôi khi giải thích vui theo ngữ cảnh. Còn hiểu đúng nghĩa “trùng dương” thì không chỉ có nghĩa là biển lớn mà còn có nghĩa là ánh dương dạt dào, cửu trùng dương là ngày 9/9…Các bạn nên xem xét tuỳ vào ngữ cảnh mà có phán xét thoáng hơn nhé. Và Trấn Thành ơi, nên cố gắng cẩn trọng nha em, người của công chúng thì em phải dẫn dắt người ái mộ, đừng để họ hiểu lẩm vì những hành động, câu nói bất chợt”.
“Có gì đâu mà vạch lá tìm sâu nhỉ? Mình chưa xem phim Mai, mà cũng không biết nhiều về Trấn Thành. Nhưng Trấn Thành cũng là một người bình thường, có sai, có đúng chứ sao cậu ta biết hết hay giải thích hết mọi việc được?”.
“Người nổi tiếng thì chắc chắn sẽ bị soi mói, nên lên mạng làm gì ăn nói ra sao cũng phải cẩn thận. Nghề nghệ sĩ là nghề “Sống sao cho vừa miệng đời”.
Phe phản biện vẫn đưa ra các lý lẽ cho những phản ứng với phát ngôn của Trấn Thành.
“Giải thích kiểu đó là thể hiện kiến thức tiếng Việt quá yếu chứ chẳng có tên riêng tên chung gì hết bạn ơi. Muốn đặt tên để thể hiện sự chùng xuống thì sao không đặt tà dương mà đi đặt “trùng dương”.
Đã không hiểu ý nghĩa của từ mà còn sai luôn cả chính tả nữa. Vụ khác không bàn chứ vụ này thì tệ toàn tập mà còn bênh vực bất chấp thế thì “bó tay” luôn”.
“Dù có là nói vui nhưng cũng thể hiện sự hiểu biết hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt của diễn viên Trấn Thành!
Các fan của Trấn Thành thì rất dễ châm chước nhưng với các nhà chuyên môn thì đừng hòng qua mặt bằng những lời giải thích ngô nghê kiểu như thế này!”.
“Đừng nghĩ người Việt không còn học Hán tự nghĩa là họ đã quên! “trùng dương” từ nguyên nó là từ này: 重洋, và nó không hề liên quan tới cái gì gọi là “mặt trời trùng xuống” của Trấn Thành cả!”.
“Bỏ qua việc chùng hay trùng thì văn hóa Việt Nam chẳng ai nói “chùng dương là ánh dương bị chùng xuống cả, làm gì có khái niệm đó mà “chơi chữ” ở đây?”.
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn