Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức hội thi nhấn mạnh: “Đây là hoạt động thiết thực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn, tổ tiên của người Việt, về Quốc Tổ Hùng Vương, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân; khơi dậy lòng tự hào dân tộc”.
Thông qua Hội thi, ông Thắng mong muốn các cấp, các ngành, các nghệ nhân và nhân dân tiếp tục bảo tồn, phát huy, nhân rộng các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo kế hoạch, Hội thi có sự tham dự của 12 đội đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương và được tổ chức trong 2 ngày 23 và 24/2. Trong ngày 23 sẽ diễn ra phần thi gói bánh chưng diễn ra vào buổi sáng, phần thi giã bánh dầy diễn ra buổi chiều; ngày 24/2 sau khi đã luộc xong bánh chưng, Ban Tổ chức sẽ tổ chức lễ dâng bánh chưng, bánh giầy vào chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán.
Ở phần thi gói bánh chưng diễn ra vào buổi sáng, theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đội dự thi gồm 5 người. Mỗi đội được cung cấp 6,8 kg gạo nếp, 1,5 kg đỗ xanh, 0,8 kg thịt lợn, hạt tiêu, hành, muối, gia vị, lá dong, lạt giang. Các đội dự thi bắt buộc phải gói bằng tay, không dùng khuôn để gói.
Mỗi đội gói 10 chiếc bánh chưng gồm 5 bánh mặn nhân đỗ xanh, thịt lợn; 5 bánh chay nhân đỗ xanh. Mỗi đội phải gói hết số nguyên liệu được cấp, nếu số lượng nguyên liệu còn lại vượt quá 100 gram sẽ phạm quy. Thời gian cho phần thi gói bánh chưng là 15 phút, quá thời gian trên sẽ phạm quy, không được chấm điểm.
Clip: Thi gói bánh chưng. Clip: Nguyễn Việt.
Đối với nội dung thi giã bánh giầy diễn ra vào buổi chiều, mỗi đội dự thi gồm 6 người. Mỗi đội được cấp 6,8 kg gạo nếp không lẫn gạo tẻ, hạt to, tròn, đều, không có hạt gẫy, đầu đen… gạo đã được ngâm kỹ.
Yêu cầu của Ban tổ chức hội thi, thời gian đồ xôi, giã bánh và hoàn thiện 5 chiếc bánh trong vòng 50 phút.
5 bánh phải nặn thống nhất về hình dáng, kích thước, tròn, đều, bánh trắng, mịn, trên bánh có dán chữ “Phúc”, “Lộc” hoặc chữ “Thọ” màu đỏ bằng chữ Hán Nôm, bánh có mùi thơm đặc trưng, bánh ngon, không sống gạo.
Ở phần thi gói bánh chưng, cả 12 đội đã lựa chọn từ trong địa phương mỗi huyện, thị xã, thành phố những nghệ nhân gói bánh chưng có kinh nghiệm nhiều năm, vì vậy nhiều đội đã hoàn thành phần thi khi chưa hết một nửa thời gian theo quy định của Ban Tổ chức.
Còn về phần thi giã bánh giầy, có 6 đội tham gia gồm: TP Hải Dương, TP Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ. Bước vào phần thi, ngay sau hiệu lệnh của Ban Tổ chức, các đội đã nhanh chóng nổi lửa, đồ xôi. Sau khi đồ xôi xong, các đội nhanh chóng mang về chỗ giã bánh đổ ra và các thành viên còn lại trong đội khẩn trương giã xôi cho nhuyễn, rồi cắt cho vào địa nặn thành hình tròn thành bánh giầy và dán các chữ “Phúc”, “Lộc” hoặc chữ “Thọ” bằng chữ Hán Nôm.
Chưa hết thời gian quy định, các đội đã hoàn thành phần thi trong sự cổ vũ đầy hào hứng của đông đảo người dân và du khách thập phương.
Ngày 24/2, Ban Tổ chức sẽ tổng kết và trao giải cuộc thi.
Dưới đây là chùm ảnh về cuộc thi gói bánh chưng, giã bánh giầy:
Văn hóa – Giải trí | danviet.vn