Cột sống thắt lưng là chuỗi các đốt sống thắt lưng xếp lại nối liền với nhau, nằm ở giữa lồng xương sườn và xương chậu. Chức năng của cột sống thắt lưng là chống đỡ sức nặng của toàn cơ thể, bảo vệ tủy sống, kết nối các xương khác giúp chuyển động linh hoạt và bảo vệ các cơ quan nội tạng.
Các bệnh về cột sống thắt lưng thường gặp
Ngày nay, các bệnh về cột sống thắt lưng đã không còn là “bệnh người già” như trước nữa. Nguyên nhân được các chuyên gia liệt kê chủ yếu liên quan tới lối sống, như ngồi quá lâu một chỗ mỗi ngày, sai tư thế, quá ít vận động, hút thuốc, béo phì hoặc thừa cân… Bên cạnh đó, chấn thương, di truyền, tác dụng phụ của thuốc hay khi điều trị các bệnh trầm cảm, viêm khớp, trải qua phẫu thuật cột sống…
Người trẻ ngày nay dễ mắc bệnh cột sống thắt lưng do ngồi lâu một chỗ, ngồi sai tư thế (Ảnh minh họa)
Nhắc tới các bệnh về cột sống thắt lưng, hầu hết mọi người đều chỉ nhớ tới thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, còn có các bệnh lý khác như viêm cột sống dính khớp hoặc cứng khớp, thoái hóa cột sống thắt lưng, cong vẹo cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng (không bị chi phối bởi tuổi tác), hẹp ống sống, đau thần kinh tọa, gù cột sống, chấn thương tủy sống, khối u cột sống – trường hợp ác tính gọi là ung thư xương…
Trong khi đó, rất nhiều người, nhất là người trẻ thường chủ quan, không nắm rõ các dấu hiệu bệnh. Từ đó, tùy theo mức độ mà các bệnh về cột sống thắt lưng kể trên có thể gây đau đớn, bất tiện, thậm chí khó vận động, tàn phế, liệt hoặc tử vong.
3 cách đơn giản để tự kiểm tra cột sống thắt lưng tại nhà
Muốn biết cột sống của mình có đang khỏe mạnh hay không, bạn có thể tự kiểm tra tại nhà bằng 3 động tác đơn giản được các bác sĩ chỉnh hình hướng dẫn dưới đây:
Động tác đá chân cao:
Đây là bài kiểm tra chức năng cột sống thắt lưng cơ bản, được áp dụng trong cả Đông và Tây y, bạn có thể tự làm 1 mình hoặc nhờ người hỗ trợ.
Nếu cảm thấy đau khi đá chân cao, rất có thể cột sống thắt lưng của bạn đã gặp vấn đề (Ảnh minh họa)
Đầu tiên hãy nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng, sau đó từ từ tự nâng hoặc nhờ người khác nâng 1 chân lên cao không quá 60 độ. Lưu ý, lúc này cả 2 chân vẫn phải duỗi thẳng, không gập gối. Nếu bạn cảm thấy đau lưng, đau mông, đau chân rõ rệt khi nâng chân lên 1 chút hoặc trước khi đưa lên 60 độ thì cột sống thắt lưng đã có vấn đề.
Động tác duỗi chân:
Bạn hãy nằm ngửa trên giường hoặc trên mặt sàn phẳng, nhờ 1 người nắm lấy phần cổ chân và kéo từ từ về phía đối diện. Nếu bạn thấy xuất hiện cảm giác đau ở phần cẳng chân thì đó chính là một trong những dấu hiệu ban đầu bệnh thoát vị hoặc thoái hóa đĩcột sống thắt lưng, hãy sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Động tác kéo dây thần kinh đùi:
Bài kiểm tra này được cho là phức tạp nhất trong 3 bài và nên có 1 người hỗ trợ để có độ chính xác cao hơn. Người cần kiểm tra sẽ nằm sấp trên giường, 1 chân duỗi thẳng, nâng bắp chân còn lại lên 90 độ so với đùi. Lúc này, người hỗ trợ nắm cổ chân đang gập và từ từ nâng đùi có người cần kiểm tra lên cao ít nhất là 10cm so với mặt phẳng hoặc giường.
Để dễ dàng hơn và tránh gây chấn thương, hãy nhờ người khác hỗ trợ khi kiểm tra cột sống thắt lưng tại nhà (Ảnh minh họa)
Lưu ý, người nằm phải duỗi thẳng chân còn lại, giữ thăng bằng toàn thân trong khi kiểm tra. Nếu có cảm giác đau lan tỏa ở mặt trước của đùi tức là cột sống thắt lưng của bạn không ổn.
Tuy nhiên, các bài kiểm tra bên trên chỉ mang tính cơ bản, kết quả phụ thuộc vào cách thực hiện đúng hay sai và có sai số giữa nhiều trường hợp. Nó cũng chỉ cho biết cột sống thắt lưng không khỏe mạnh mà không chỉ ra chính xác vấn đề.
Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tới bệnh viện và nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia. Đặc biệt, sau khi làm theo 3 động tác trên và thấy bất thường, cần nhanh chóng thăm khám chuyên sâu hơn tại cơ sở y tế. Ví dụ như điều tra bệnh sử chi tiết, làm các xét nghiệm kiểm tra tủy xương, chụp X-quang, CT hoặc MRI… Ngoài ra, hãy nhớ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động vừa phải, hạn chế ngồi lâu một chỗ, điều chỉnh tư thế ngồi – đi – đứng – nằm và tuyệt đối không chủ quan khi xuất hiện cơn đau hay dấu hiệu bất thường nào khác tại khu vực cột sống thắt lưng.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, Kknews