January 22, 2025

Đoàn phim “Biệt động Sài Gòn” nghẹn ngào tiễn biệt đạo diễn Long Vân

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”

  • Đạo diễn Long Vân qua đời lúc 8h33 ngày 24/12, hưởng thọ 87 tuổi. Sau tai nạn ở chân, những năm cuối đời ông di chuyển khó khăn, chủ yếu dùng xe lăn. Vài tháng gần đây, đạo diễn Long Vân chỉ nằm một chỗ, sức khỏe sa sút trông thấy.

    Người thân, bạn bè, đồng nghiệp… đã không cầm được nước mắt khi đến tiễn biệt đạo diễn Long Vân về nơi an nghỉ cuối cùng. Các thành viên của đoàn phim Biệt động Sài Gòn cũng đã có mặt từ sớm để thắp nén hương tiễn biệt.

    Đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đưa tiễn đạo diễn Long Vân - Ảnh 1.

    Đạo diễn Thanh Vân, biên kịch Văn Tân – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các đồng nghiệp tại tang lễ đạo diễn Long Vân. Ảnh: Linh

    Đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đưa tiễn đạo diễn Long Vân - Ảnh 2.

    Các nghệ sĩ là đồng nghiệp, là đàn em của đạo diễn Long Vân đến tiễn biệt ông. Ảnh: Linh Trần

    Tại buổi tang lễ, NSƯT Đặng Tất Bình xúc động chia sẻ: “Nhớ về ông, hẳn chúng ta không thể quên cụm từ “đầu tiên” mà đạo diễn Long Vân đã tạo dựng nên. Đó là phim Biệt động Sài gòn, bộ phim dài tập đầu tiên, cũng là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. 

    Ông cũng là đạo diễn đầu tiên đưa hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên màn ảnh rộng với bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Nhớ về ông, chúng ta nhớ tới một con người hào sảng và quyết liệt trong nghề nghiệp. Chúng ta cũng nhớ và khâm phục một nghệ sỹ tài hoa, có tình yêu vô bờ bến với điện ảnh. 

    Bằng sự khiêm tốn học hỏi các đồng nghiệp đàn anh đã trở thành một đạo diễn gạo cội. Với nụ cười khoan hòa, ông thường nói: “Tất cả tâm trí dành cho tác phẩm” mỗi khi bạn bè đồng nghiệp tỏ ra tiếc nuối khi ông có nhiều cống hiến cho điện ảnh nhưng lại chưa nhận được sự tưởng thưởng tương xứng. 

    Đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đưa tiễn đạo diễn Long Vân - Ảnh 3.

    NSƯT Đặng Tất Bình đọc điếu văn tại lễ tang đạo diễn Long Vân. Ảnh: Linh Trần

    Đạo diễn Long Vân đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa và vừa nhẹ bước đi, để lại một nụ cười hiền và ấm áp như chính con người ông. Ông mất đi là một tổn thất to lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Ngành điện ảnh Việt Nam đã mất đi một đạo diễn tài hoa, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng Việt Nam”.

    Nghệ sĩ Khương Đức Thuận – diễn viên trong nhiều bộ phim của đạo diễn Long Vân đau buồn chia sẻ ông và đạo diễn Long Vân đã trải qua thăng trầm cùng nhau qua mấy chục tập phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, cả ê kíp làm quần quật một thời gian dài.

    Đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đưa tiễn đạo diễn Long Vân - Ảnh 4.

    NSND Đức Thuận – người đã cùng đạo diễn Long Vân trải qua nhiều thăng trầm của nghề lúc còn trẻ. Ảnh: Linh Trần

    Sau đó đến phim Chiến hạm nổ tung nói về anh hùng Nguyễn Thị Lợi, hai anh em “nếm mật nằm gai”, nhiều lần ôm nhau khóc. Chúng tôi từng đưa kịch Những đứa con biệt động Sài Gòn đi nhiều nơi nhưng không ai nhận, mãi sau phim mới được nhận và nổi tiếng, nhiều người biết đến”.

    Theo NSND Đức Thuận, đạo diễn Long Vân là một người tài giỏi, ông làm nhiều tác phẩm hay nhưng ông không có một danh hiệu nào.

    Sau lễ viếng và lễ truy điệu, thi hài đạo diễn Long Vân sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội).

    Đoàn phim “Biệt động Sài Gòn” và các nghệ sĩ tới dự đám tang đạo diễn Long Vân. Ảnh: Linh Trần

    Đạo diễn Vũ Long Vân sinh 1936, tại làng Thủ Lệ, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Ông tham gia quân ngũ từ rất sớm, khi mới chỉ 13 tuổi. Vốn dĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài để trở thành một thầy giáo nhưng rồi chỉ sau đó ít lâu, ông bén duyên với điện ảnh để rồi từ đó, cả cuộc đời ông gắn liền với bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

    Từ một diễn viên, ông lần lượt thử sức mình trong các vị trí trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn rồi trở thành đạo diễn điện ảnh với giải thưởng quốc tế với bộ phim đầu tay Tiếng gọi phía trước. Kể từ đó, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bộ phim nổi đình đám một thời như Nơi gặp của tình yêu, Cho cả ngày mai và nhất là những bộ phim gắn với mảnh đất phương Nam như Biệt động Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn…