Dưới đây là 8 sự kiện văn hóa nghệ thuật nổi bật nhất năm 2023 do báo Dân Việt bình chọn.
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) được tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương. Điểm nhấn là Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”.
Cùng với đó, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với thời lượng trên 40 phút, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản Đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Triển lãm ảnh cùng chủ đề góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật với chủ đề Đề cương Văn hóa Việt Nam- Những dấu ấn lịch sử để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa diễn ra vào sáng 22/12 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì, điều hành, được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành liên quan. Đây là Hội nghị đầu tiên về công nghiệp văn hoá ở quy mô toàn quốc. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu dự họp 3 nội dung chính: Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hoá; Nhìn lại 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa những ý kiến định hướng, chỉ đạo chiến lược của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả đạt được đáng trân trọng nhưng cũng thẳn thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Thủ tưởng đã đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa đối với từng bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng, sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao (1923 – 2023), hàng loạt sự kiện văn hóa – nghệ thuật đặc sắc đã diễn ra trên khắp cả nước. Mở đầu là chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” diễn ra hoành tráng, ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Chương trình đã khắc họa chân dung Văn Cao ở 3 lĩnh vực: Âm nhạc, hội họa và thơ ca. Riêng về âm nhạc, chương trình tập hợp các tác phẩm ở ba thể loại: Tình ca, hành khúc và trường ca như: Thiên thai, Buồn tàn Thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa Xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Chiến sỹ Việt Nam… Điểm đặc biệt là màn tái hiện không khí Tiến quân ca tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội) giúp công chúng được sống lại không khí ngày 18/8/1945, lúc bài hát Tiến quân ca lần đầu tiên vang lên trước biển người rộng lớn trước Nhà hát Lớn Hà Nội và được biết đến là Quốc ca của nước Việt Nam.
Tiếp nối chuỗi sự kiện là chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức diễn ra ngày 6 và 8/11. Những ký ức, câu chuyện, cảm xúc… của gia đình, người thân, bạn bè văn nghệ sĩ đã chia sẻ trong tọa đàm khoa học Thế giới Nhạc, Thơ, Họa của Văn Cao. Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam cũng tổ chức hội thảo nhằm làm tính thời đại và sự bền vững của tác phẩm Văn Cao.
Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng tổ chức đêm nhạc “Bến Xuân”, Đại học Văn Lang tổ chức đêm nhạc Âm vang Suối Mơ làm sống lại những giai điệu một thời và dâng nén tâm hương tưởng nhớ nhạc sĩ thiên tài Văn Cao.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới
Vào hồi 17h39 phút ngày 16/9/2023 (giờ địa phương) tại Thủ đô Riyadh nước Cộng hòa Ả-rập Xê-út, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới. Trước đó, Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí (vii) và tiêu chí (viii).
Sự kiện này là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới. Đồng thời, sự kiện này cũng góp phần tạo nên giá trị điểm đến du lịch độc đáo liên tỉnh. Trong thời gian tới, hai địa phương sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, để kích cầu du lịch, thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển các giá trị di sản. Từ đó, đưa vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027
Ngày 22/11/2023 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành Thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027. Có 173 quốc gia bỏ phiếu, 171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đạt 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm 4 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước ở 5 khu vực được bầu, trong tổng số 195 quốc gia thành viên.
Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản Thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các Di sản Thế giới tại Việt Nam như Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay đã khẳng định: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững”.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương
Chiều ngày 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Công an (Việt Nam) và đại diện Bộ Ngoại giao (Pháp), đại diện UNESCO đã chứng kiến lễ Chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.
Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022. Và doanh nhân Nguyễn Thế Hồng – Chủ của Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Bắc Ninh là người đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) để mua ấn vàng này từ nhà đấu giá Pháp để mang về nước. Để mua được ấn vàng này, nhà sưu tập ký cam kết với Cục Di sản Văn hóa sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn tại bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.
Ngay khi hồi hương, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được trưng bày tại bảo tàng ở Từ Sơn (Bắc Ninh) và mới chỉ cho phép các chuyên gia văn hóa lẫn giới sưu tầm cổ vật đến chiêm ngưỡng.
Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo UNESCO
Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới (31/10/2023), TGĐ UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một Thành phố sáng sáng tạo âm nhạc và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.
Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi 2 năm sẽ có tối đa 2 thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023
Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã diễn ra từ ngày 17 đến 28/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố. Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được xem là có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm sau 3 mùa tổ chức.
Lễ hội có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Lễ hội còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội; thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ.
BTC cho biết, sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng khi thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Đồng hành với Lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1.000 tin, bài viết về lễ hội. Các hoạt động, sự kiện nằm trong Lễ hội còn hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân khác đến tham gia các hoạt động sáng tạo
Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sự kiện “huyền thoại sexophone” Kenny G biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình….
Nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.