Tối 18/11, trong không gian ngôi đình cổ kính ngàn năm tuổi, bên sông Hồng lộng gió, chương trình “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” đã diễn ra tại đình Chèm, phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chương trình góp phần tỏa sáng bản sắc của văn hóa Thăng Long – Hà Nội với những tiết mục nghệ thuật đầy thăng hoa. Đây cũng là chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Lưu Ngọc Hà – Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nhấn mạnh, đình Chèm là một ngôi đình cổ kính có lịch sử khởi dựng khoảng hai nghìn năm, nằm bên bờ sông Hồng lịch sử – dòng sông là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Đình Chèm đã chứng kiến bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, lưu giữ cùng dòng chảy phù sa bồi tụ từ ngàn xưa, là nơi mạch nguồn tinh hoa hội tụ mang ý nghĩa linh thiêng và độc đáo.
“Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” là sản phẩm thiết kế sáng tạo mang tới cho nhân dân và du khách thập phương một cảm xúc mới, với ấn tượng, trải nghiệm đánh thức hệ giá trị di sản dọc bên bờ sông Hồng, trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc” – đồng chí Lưu Ngọc Hà nhấn mạnh.
Chương trình là sự quyện hòa giữa văn hóa Thăng Long với văn hóa các vùng miền. Ảnh: BTC
Chương trình nghệ thuật được chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp của nhiều địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật; “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” sẽ là một đêm nghệ thuật sáng tạo đặc sắc, tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “Thủ đô Hà Nội là thành phố sáng tạo có sức ảnh hưởng trong khu vực Châu Á; thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm chính trị – văn hóa, du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.
“Linh thiêng đình Chèm” được dàn dựng công phu, với phần thể hiện lời bình của NSƯT Lê Chức cho người xem cái nhìn toàn cảnh về tầm vóc, ý nghĩa của ngôi đình cổ kính nghìn năm tuổi. Để rồi từ đó, chương trình đưa người xem đến với không gian nghệ thuật thấm đẫm cảm xúc, kết nối xuyên suốt bởi gần 20 tiết mục đặc sắc trải dài theo ba chương: “Mạch nguồn văn hiến”, “Kiệt tác nghìn năm – Lắng hồn dân tộc” và “Bừng sáng tinh hoa”.
Được dàn dựng ngay trong không gian linh thiêng cổ kính với một sân khấu trên sân đình, một sân khấu thực cảnh trên lòng sông, không gian nghệ thuật chương trình khiến khán giả chìm đắm vào vẻ đẹp và những giá trị truyền thống ngàn đời của vùng đất cổ bên dòng sông mẹ. Trên cái nền đầy cảm xúc ấy, các tiết mục là sự đan xen kết nối giữa lịch sử và đương đại, là quá khứ và tương lai, là sự trao truyền, giữ gìn và tiếp nối, là hội nhập và giữ gìn bản sắc ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.
Chương trình kể câu chuyện về hành trình của dòng chảy tinh hoa, bắt đầu từ những “mạch nguồn văn hiến”, hội tụ tại Thủ đô Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tạo nên những kiệt tác ngàn năm như ngôi đình Chèm thiêng liêng mà chúng ta đang hiện diện, cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Dòng chảy tinh hoa liên tục chuyển biến trong niềm tự hào, tự tôn, vang lên đầy màu sắc, tỏa sáng rạng ngời.
Tùng Dương “lên đồng” trên sân khấu dựng bên bãi sông Hồng khi thể hiện “Ngẫu hứng sông Hồng”. Ảnh: BTC
Tùng Dương, Minh Thu “lên đồng” bên đình Chèm – sông Hồng lúc nửa đêm
Ấn tượng nhất trong chương trình phải kể đến tiết mục “Bên dòng sông Cái” (sáng tác: Phó Đức Phương) do NSƯT Minh Thu thể hiện trên sân khấu chính cùng 30 người mẫu trình diễn áo dài trên sân khấu sông Hồng đã mang đến cho khán giả cảm xúc vỡ òa trong văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng. Cũng tại sân khấu thực cảnh, Minh Thu một lần nữa mang đến sự hùng vĩ, bao dung của sông Hồng – con sông mang đến nguồn sống và nguồn văn hóa vô bờ cho người dân Hà Nội với “Lữ khách sông Hồng”.
Trong chương trình, sân khấu thực cảnh đặt bên bờ sông Hồng như một chứng nhân quan trọng cho những giai đoạn lịch sử thăng trầm của Thủ đô. Dòng sông Hồng không chỉ là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Mỗi nơi dòng sông này chảy qua đều bồi đắp những lớp phù sa và để lại những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Thăng Long. Đó là những công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống, đến âm nhạc dân gian, tín ngưỡng bản địa… cho thấy sự giàu đẹp của văn hóa kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Trong không gian mênh mông ấy, giọng ca mạnh mẽ như sóng trào, lúc thủ thỉ như con sóng vỗ về của Tùng Dương đã biến “Ngẫu hứng sông Hồng” thành một tấu khúc mênh mang, dìu dặt. Ca khúc như gói trọn đặc tính bao dung, lịch sử ngàn năm của dòng sông mẹ với đầy nét hào hoa, mang đến phù sa màu mỡ, đậm đà bản sắc văn hóa của Hà Nội.
Ngoài ca khúc trên, Tùng Dương còn tuôn trào chất lửa khi thể hiện “Chảy đi sông ơi” trên sân khấu chính với bản phối mới vô cùng mới lạ. Giọng hát của nam ca sĩ như quyện hòa cùng không gian đất trời linh thiêng bên dòng sông Hồng và không gian của đình Chèm cổ kính tạo nên hiệu ứng đặc biệt về âm nhạc và tâm linh.
Với người dân quận Bắc Từ Liêm, lần đầu tiên được nghe ca khúc “Đình Chèm – dấu tích ngàn năm” do nhạc sĩ Mộc Cầm sáng tác, Mai Thanh Tùng viết lời qua phần thể hiện của Sao mai Ngọc Ký ngay tại sân đình là một cảm rất đỗi tự hào và thân thương.
Các nghệ sĩ đầy thăng hoa trong không gian linh thiêng và cổ kính của đình Chèm, sông Hồng.
Ngôi đình linh thiêng ngàn năm giờ đã có một bài hát của riêng mình, khắc họa huyền tích, lịch sử, vị trí với đời sống tâm linh, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bởi vậy, đây sẽ là một dấu ấn khó quên trong lòng người xem.
Ca sĩ Kyo York mang đến chương trình ca khúc “Hello Việt Nam” – motojbanr nhạc vui nhộn và rất tươi trẻ đã thay đổi không khí của chương trình. Chàng ca sĩ gốc Mỹ biểu diễn trên nền 50 người mẫu trình diễn các bộ áo dài với những họa tiết về văn hóa truyền thống dân tộc.
Hòa trong dòng chảy của các tinh hoa văn hóa, chương trình còn mang đến các tiết mục đậm nét di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam như: “Dân ca ba miền”, “Cô đồng say”, “Ngồi tựa mạn thuyền” (dân ca quan họ Bắc Ninh), múa xòe vui ngày hội, “Đập nàng Khọt” (dân ca Mường, Rap Mường và EDM), “Xẩm Hà Nội”… với sự thể hiện của Nhóm Chuông gió, Sao mai Quách Mai Thy, Hà Myo, Rapper Khắc Nội, Rapper Endy, các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cùng các vũ đoàn đã mang đến những màn biểu diễn vô cùng bắt mắt, nhiều cung bậc cảm xúc.
Văn hóa Thăng Long – Hà Nội là hội tụ và tỏa lan, vì thế, ca khúc kết thúc chương trình “Việt Nam I love” là những nốt nhạc ngân vang cho thấy tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử.