January 24, 2025

Từ vụ bài thơ “Bắt nạt”: Đừng biến trường học thành “chiến trường”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Một nữ giáo viên đang nuôi 2 con nhỏ nghi bị sát hại trong rừng ở Lào Cai
  • Con trai Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng tiết lộ về bạn gái vừa cầu hôn thành công sau 9 năm yêu
  • Bắt giữ 1 Giám đốc công ty khai thác trái phép hơn 50.000m3 đất

  • Chỉ trong một thời gian ngắn, bài thơ Bắt nạt in trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, tập 1, bộ “Kết nối tri thức và cuộc sống” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trở nên “hót” một cách bất ngờ.

    Chỉ có điều việc nổi tiếng này lại không đem đến niềm vui cho tác giả của nó bởi có một tỷ lệ nhất định những người đánh giá mang chiều hướng tiêu cực, thậm chí có những bình phẩm “quá khích” ít nhiều xúc phạm đến tác giả trên mạng xã hội.

    Việc bình phẩm, đánh giá một tác phẩm văn học là chuyện hết sức bình thường và đã xuất hiện cùng với lịch sử của nền văn minh con người. Mỗi một sản phẩm tinh thần và cả vật chất sẽ là bất khả xâm phạm nếu tác giả chỉ giữ cho riêng mình. Nhưng ở bất kỳ hình thức nào, chỉ cần khi tác giả đưa nó ra công chúng, kể cả khi trưng bày một tác phẩm điêu khắc trước cửa nhà mình, tác phẩm sẽ nhận được bình phẩm, khen chê.

    Từ vụ bài thơ “Bắt nạt”: Đừng biến trường học thành “chiến trường” - Ảnh 1.

    Bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh

    Lịch sử văn học nghệ thuật cũng đã chứng minh, mỗi tác phẩm sau khi “thoát thai” đến với công chúng, nó sẽ có một đời sống riêng, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ một cá nhân nào thậm chí là chính tác giả.

    Trong “hành trình” của mình, tác phẩm sẽ nhận được những đánh giá, phân tích bình luận thậm chí là những “sóng gió” chìm nổi của đời sống nghệ thuật. Tuy nhiên tất cả những tác phẩm đạt đến chân thiện mỹ thực sự, dù có “lận đận” đến đâu, sớm muộn nó cũng được đông đảo công chúng thừa nhận, tôn vinh.

    Bài thơ Bắt nạt được lựa chọn và đưa vào sách giáo khoa, nghĩa là nó có thêm vinh dự khi được dự phần vào những kho tàng tri thức để giáo dục giới trẻ, những người luôn là quan trọng nhất trong bất cứ xã hội ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào. Nhưng đi cùng với vinh dự đó, nó sẽ phải gánh thêm một phần trách nhiệm nữa: chịu sự đánh giá thậm chí là “phán xét” từ những người có liên quan đến lĩnh vực giáo dục mà trong đó đông đảo là những người đang có con em mình theo học.

    Từ vụ bài thơ “Bắt nạt”: Đừng biến trường học thành “chiến trường” - Ảnh 2.

    Thông báo mời phụ huynh lên làm việc, kèm với nội dung “doạ” đuổi học học sinh nếu phụ huynh không đến.

    Tuy nhiên, bất cứ sự đánh giá, bình phẩm nhận xét thậm chí là mổ xẻ nào có thể được quyền có quan điểm cá nhân nhưng đều phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, đạo đức và ở mức độ nào đó phải có tính giáo dục. Những lời lẽ mạt sát, chỉ trích thậm chí là xúc phạm cá nhân đều làm xấu đi môi trường giáo dục và ở mức độ nào đó đang biến môi trường giáo dục thành chiến trường để tranh cãi và làm tổn thương nhau.

    Và điều đáng buồn là cũng trong lĩnh vực giáo dục, chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều những vụ việc gây tranh cãi.

    Cách đây một tuần, câu chuyện ở Trường THCS – THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã làm nhiều người vô cùng ngạc nhiên bởi tính chất kỳ lạ và quan trọng là kéo dài của nó.

    Trong suốt 10 năm qua Đông Du đã bố trí người đứng khám cặp và quan trọng hơn là khám người học sinh trước khi các em vào trường.

    10 năm đồng nghĩa với việc có đến 10 thế hệ học sinh phải chấp nhận một “trải nghiệm” buồn này.

    Nhìn ra thế giới, có nhiều trường học cũng áp dụng việc kiểm soát tư trang của học sinh trước khi vào lớp hoặc họ áp dụng hình thức tủ đựng đồ để ở đó học sinh và cả sinh viên có thể cấp ba lo tư trang của mình trước khi vào lớp.

    Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ trường học nào được biết đến với việc nhà trường cho nhân viên khám người học sinh trước khi vào lớp, mỗi ngày.

    Mỗi học sinh là một con người một công dân tương lai, đặc biệt khi các em đang trong quá trình hình thành nhân cách càng cần có sự tôn trọng và hành xử chuẩn mực từ chính người lớn những người chịu trách nhiệm giáo dục các em, làm gương cho các em.

    Chấp hành luật pháp không đồng nghĩa mỗi cá nhân phải phơi bày quyền riêng tư và đặc biệt không thể chấp nhận chuyện lục soát khám người.

    Luật pháp cũng chỉ quy định trong những trường hợp đặc biệt những người thi hành công vụ được quyền khám người, khi thực hiện cũng cần tuân thủ trình tự thủ tục một cách nghiêm ngặt.

    Trong nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình ủng hộ cách làm của trường học này, họ nêu ra những lý do vì sự an toàn của môi trường giáo dục.

    Có lẽ ở bất kỳ môi trường nào cũng cần hướng tới và đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên không thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện để rồi áp dụng những cách thức mà phần nào đó khắc nghiệt kéo lùi con người về giai đoạn trước đó của lịch sử.

    Cha mẹ học sinh và cả chính một bộ phận lớn học sinh đều đồng tình với việc kiểm soát và ngăn chặn đưa vào trường học những vật cấm như vũ khí, chất kích thích. Nhưng sẽ là hợp lý hơn rất nhiều nếu như nhà trường cùng ngồi lại bàn bạc thống nhất và tìm ra những giải pháp hợp tình hợp lý, hơn là sự áp đặt từ phía nhà trường.

    Một câu chuyện khác nữa cũng biến môi trường giáo dục thành một chiến trường đó là việc lùm xùm giữa phụ huynh và Ban Giám hiệu trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn).

    Sau khi một phụ huynh đăng bình luận bày tỏ sự bất bình với cách làm của nhà trường lên mạng xã hội, nhà trường đã gửi giấy mời phụ huynh lên làm việc. Khi vị phụ huynh này không đến, nhà trường gửi thông báo trong đó đề cập đến biện pháp “nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh”. Sự việc chỉ lắng xuống khi lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phải vào cuộc yêu cầu đảm bảo quyền học tập của học sinh.

    Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, ở đó mỗi người lớn chỉ nên làm những gì để môi trường đó trở nên tốt hơn, thay vì có những hành động mang tính đối đầu, thể hiện quyền lực hay “bắt nạt” lẫn nhau…