Ai đã từng kèm con nhỏ học bài mới hiểu được cảnh tại sao có người phải “vò đầu bứt tóc”, “tự trói tay”, “chui đầu vào tủ lạnh” để hạ hỏa, không đánh con. Trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả, bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười có thật khiến hội phụ huynh đồng cảm.
Dù đã ngàn lần tự nhắc mình phải hít thở sâu, bình tĩnh khi dạy con học nhưng đôi khi dạy mãi không hiểu, trẻ nhỏ lơ là là người lớn như mất hết năng lượng, nổi điên với con.
Một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây cũng đau khổ chia sẻ trải nghiệm của mình. Theo đó, từ khi con vào lớp 1 cho đến hiện tại là lớp 2, đêm nào chị cũng kèm con làm bài tập về nhà. Càng lúc, chị càng khó chịu bởi những vấn đề mất tập trung của con. Về phần đứa trẻ, thời gian trôi qua, con dần hình thành tâm lý nổi loạn.
Ảnh minh họa
Mất kiên nhẫn với con, người mẹ giận luôn cả chồng. Một ngày chị tuyên bố, từ nay không can dự vào việc học của con nữa. Nhiệm vụ “khó nhằn” này chính thức chuyển sang cho người bố.
Chiến dịch “mặc kệ” hiệu quả
Ngày đầu tiên, người bố gọi con gái đến bên, chạm vào đầu cô bé và nói: “Con yêu, chúng ta bàn chuyện nhé”. Đứa trẻ bối rối mỉm cười, cảm thấy hôm nay bố có chút kỳ lạ.
Anh nói: “Bắt đầu từ hôm nay, trước tiên con cho bố xem vở bài tập, sau đó con sẽ hoàn thành bài tập, làm xong lại mang đến cho bố kiểm tra nhé. Bố sẽ không ngồi cạnh, cũng sẽ không liên tục kiểm tra xem con có làm hay làm đúng không. Con thấy có ổn không?”.
Con gái khi nghe thấy điều đó thì cảm thấy rất vui vẻ và hài lòng. Rõ ràng không có ai cằn nhằn bên tai, tha hồ làm gì chẳng được.
Nói là làm, người bố chỉ đọc sách và làm việc riêng trong phòng khách. Cô con gái làm bài tập trong phòng ngủ.
Gần một giờ sau, cô bé chạy đến và đưa cho bố xem cuốn vở cùng một chồng bài tập về nhà. Ông bố đặt cuốn sách xuống, cẩn thận lật hết trang này sang trang khác, đọc hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Trong quá trình này, anh vẫn im lặng, còn cô con gái thì lặng lẽ đứng sau lưng, trên mặt hiện rõ sự lo lắng.
– “Bố, con có làm gì sai không?”. Một giọng nói rụt rè vang lên.
– “Ồ, bố còn chưa đọc xong, không cần vội đâu”. Anh bình tĩnh trả lời.
Sau khi đọc xong, người bố lấy vở bài tập về nhà và chỉ cho con gái những chỗ mà mình thấy có vấn đề. Tuy nhiên, anh không chỉ cụ thể từng bước mà chỉ nói: “Bố nghĩ những câu hỏi này có thể có vấn đề. Con kiểm tra lại”.
Cô con gái có chút hụt hẫng vì bố khác với mẹ, không trực tiếp chỉ ra lỗi sai. Trong tâm trạng khá bối rối, em ôm vở về lại bàn học.
Một lúc sau, em vui vẻ chạy ra và nói với bố: “Haha, bố ơi, có một điều bố đã nói sai! Con làm đúng!”. Nói rồi, cô bé chỉ từng phép tính một, giải thích cho bố vì sao lại thực hiện như vậy. Cuối cùng, người bố thú nhận, thật ra con anh đã làm đúng, anh đang cố ý kiểm tra xem con có phát hiện ra sai sót thật sự hay không.
Từ đó, cô con gái luôn nói với bố về bài tập về nhà, tự mình hoàn thành rồi mới nộp bài cho giáo viên. Điểm số của cô bé ngày càng ổn định. Sau này người mẹ cũng nắm được cách đồng hành cùng con. Cả nhà vui vẻ.
Có 3 điều cha mẹ cần lưu ý:
Trên thực tế, đứa trẻ sau nhiều ngày tháng bị cha mẹ liên tục kiểm tra giám sát việc học, sẽ có cảm nghĩ rằng trách nhiệm hoàn thành bài tập về nhà thuộc về cha mẹ chứ không phải chính các em. Mục tiêu phát triển tinh thần trách nhiệm với một đứa trẻ thông qua bài tập về nhà vì thế sẽ thất bại.
Thứ nhất là để trẻ tự mình hoàn thành những việc của mình, vai trò của cha mẹ là hỗ trợ chứ không phải làm thay. Muốn trẻ biết tư duy, biết học hỏi thì đừng làm thay việc của trẻ. Chỉ nên nêu gợi ý hay các phương án để nó lựa chọn và dĩ nhiên phải gợi ý có định hướng đúng.
Hãy cho các em một không gian thuận lợi để học (không khí yên tĩnh, không bị phân tâm), sẵn sàng cho con một gợi ý khi cần để đứa trẻ biết rằng nếu chúng thực sự gặp khó khăn sẽ có người lớn giúp đỡ.
Thứ hai là rèn luyện cho trẻ khả năng tự phát hiện vấn đề và sửa chữa lỗi sai. Trẻ tự làm sẽ có cái sai, khi đó mới biết nó cần cải thiện cái gì và có ý thức học hơn. Chỗ nào khó quá thì ghi chú lại hôm sau lên lớp hỏi thầy cô (rèn khả năng đặt câu hỏi, khả năng tìm tòi học hỏi, tránh thụ động trong học tập). Quan trọng là trẻ phải có ý thức tự học, biết tìm tòi.
Thứ ba là ít phê bình, cằn nhằn mà nhường nhịn, hướng dẫn, tin tưởng nhiều hơn.