Chuẩn bị cho ba trận giao hữu quốc tế nhân dịp FIFA Days trong tháng 10, HLV Philippe Troussier đã công bố danh sách đội tuyển Việt Nam hôm 29-9.
Đáng chú ý khi Công Phượng, tiền đạo ghi bàn trong trận giao hữu thắng Palestine 2-0 trên sân Thiên Trường (Nam Định) hôm 11-9, đã không có tên.
Và sau đó, thông tin Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản được tung ra ngay đầu tháng 10. Cụ thể, một vlogger cho biết Công Phượng đã có quốc tịch Nhật Bản từ đầu năm 2023.
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản?
Sở dĩ chân sút 28 tuổi nhập tịch xứ sở mặt trời mọc là do anh muốn thuận tiện hơn trong việc kinh doanh tại đây.
Công Phượng không đủ tiêu chuẩn nhập tịch
Đón nhận thông tin này, những người thân thiết với Công Phượng không khỏi bất ngờ. Đặc biệt là với những người từng sinh sống và làm việc cả chục năm ở Nhật Bản.
Còn với các cổ động viên bóng đá, nhiều người đã chửi bới trên mạng xã hội về việc Công Phượng bỏ quốc tịch Việt Nam.
Công Phượng không lên tiếng về câu chuyện này trên Facebook cá nhân, không trả lời báo chí khiến dư luận lại càng trở nên ầm ĩ.
Tuy nhiên qua kinh nghiệm của một người anh thân thiết của Công Phượng – từng học tập và làm việc lâu năm tại Nhật Bản, việc Công Phượng có quốc tịch Nhật Bản là điều cực khó.
Ông nói: “Khi có thông tin trên, tôi đã hỏi Công Phượng. Anh ấy cười và bảo không có chuyện đó đâu anh.
Tất nhiên, chắc gì Công Phượng nói thật cho tôi biết về chuyện quan trọng này. Nhưng đứng ở góc độ hiểu biết của người từng sinh sống lâu năm ở Nhật Bản, tôi cho rằng đây là điều gần như không thể”.
Theo Luật quốc tịch của Nhật Bản, có 6 điều kiện để được cấp phép nhập tịch. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài 6 điều này ra thì còn có thêm điều kiện về “năng lực tiếng Nhật”.
Cụ thể:
– Phải sống liên tục ở Nhật Bản ít nhất 5 năm.
– Người trưởng thành và năng lực về hành vi.
– Đóng thuế đầy đủ.
– Đủ điều kiện sinh kế (có thu nhập và tài sản ổn định).
– Không mang 2 quốc tịch.
– Tuân thủ hiến pháp.
– Năng lực tiếng Nhật (đọc, viết, nói) để có thể đảm bảo việc không ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày.
Ngoài 7 điều kiện nhập tịch, Luật quốc tịch Nhật Bản quy định 5 trường hợp ngoại lệ hay gặp.
Trong đó, có 2 trường hợp đáng chú ý. Đầu tiên là có 3 năm trở lên sống ở Nhật + kết hôn với người Nhật hoặc kết hôn với người Nhật 3 năm trở lên + có 1 năm cư trú tại Nhật Bản.
Thứ 2 là con nuôi của người Nhật + cư trú ở Nhật trên 1 năm + thời điểm nhận làm con nuôi ở tuổi vị thành niên theo luật pháp của nước sở tại.
Công Phượng là trường hợp ngoại lệ?
Công Phượng chỉ mới cùng gia đình nhỏ của mình sang Nhật Bản vào đầu năm nay. Anh hầu như không được CLB Yokohama FC đăng ký vào danh sách thi đấu ở Giải hạng nhất Nhật Bản (J-League 1).
Chiếu theo những quy định Luật quốc tịch của Nhật Bản và những trường hợp ngoại lệ, Công Phượng rõ ràng chưa đủ điều kiện.
Một yếu tố nữa, nếu Công Phượng đã có quốc tịch Nhật Bản vào đầu năm 2023 như một vlogger thông tin, tiền đạo này không thể khoác áo đội tuyển Việt Nam trong trận giao hữu với Palestine.
Nếu không chọn nhập tịch, Công Phượng có thể chọn xin định cư tại Nhật theo dạng thường trú nhân (visa vĩnh trú) ít có quy định khắt khe hơn. Tuy nhiên để có visa vĩnh trú, Công Phượng phải thỏa điều kiện đã sinh sống tại Nhật 10 năm và làm việc trên 5 năm.
Ở visa vĩnh trú, Chính phủ Nhật Bản có những ngoại lệ. Trong đó có quy định người có công với Nhật Bản trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, ngoại giao… và lưu trú tại Nhật liên tục từ 5 năm trở lên.
Công Phượng có thể là cầu nối giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản. Nhưng anh chưa thỏa điều kiện lưu trú tại Nhật Bản liên tục từ 5 năm trở lên.