January 23, 2025

Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng cách đây 10 ngày

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Vụ shipper bị đánh tử vong: Chủ căn nhà mà người phụ nữ thuê để buôn bán bị ném chất bẩn
  • Tạm hoãn xét xử vụ tranh chấp đất đai khiến hai cha con trong một gia đình phải hầu tòa ở Long An
  • Bắt Đậu Thị Tâm ở Hà Nội vì lợi dụng quyền tự do dân chủ

  • Danh ca Bảo Yến cho biết, nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời vào sáng nay vì đột quỵ. Trước đó, vào năm 2013, ông cũng từng bị tai nạn giao thông nguy kịch. Cú tai nạn này khiến sức khỏe của ông sa sút khá nhanh. Danh ca Bảo Yến gần như gác lại mọi công việc, bỏ qua những ưu phiền để lo lắng và chăm sóc cho chồng.

    Nữ danh ca cũng cho biết, tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại tư gia ở đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM. Gia đình xin không nhận vòng hoa và phúng điếu. Trưa hôm nay (25/9), gia đình sẽ tiến hành nghi thức di quan đến Bình Hưng Hòa hỏa táng.

    Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng tại nhà riêng cách đây 10 ngày - Ảnh 1.

    Tang lễ đơn sơ của nhạc sĩ Quốc Dũng tại nhà riêng ở Q.3, TP.HCM. Ảnh: FBBY

    Cách đây 11 ngày, ca sĩ Nguyễn Đình Tuấn Dũng cũng vừa bay từ Hà Nội vào TP.HCM để đến thăm hỏi và gặp gỡ vợ chồng nhạc sĩ Quốc Dũng – Bảo Yến tại nhà riêng. Nam ca sĩ không ngờ, đây là lần gặp đầu tiên và cũng là lần gặp cuối cùng với người nhạc sĩ mà anh vô cùng mến mộ.

    Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng cách đây 10 ngày

    Chia sẻ với Dân Việt, Nguyễn Đình Tuấn Dũng kể, cách đây không lâu, anh có gọi điện xin phép được đến thăm để “khoe” với vợ chồng nhạc sĩ Quốc Dũng – ca sĩ Bảo Yến về album đang trong quá trình thực hiện của mình. Album có đến 4 ca khúc: Chợt như năm 18, Hoang vắng, Nỗi đau ngọt ngào, Em đã thấy mùa xuân chưa của nhạc sĩ Quốc Dũng. Tuy nhiên, do thời điểm đó ca sĩ Bảo Yến vừa mới thực hiện xong đêm nhạc của mình nên sức khỏe không được tố. Bà đã hẹn Nguyễn Đình Tuấn Dũng sang buổi khác. Đến hôm 14/9 vừa qua, anh mới đủ duyên đến thăm hai thần tượng mà mình vô cùng yêu quý.

    “Tôi được đến thăm cô chú tại nhà riêng ở Q.3, TP.HCM. Nhà cô chú nhỏ xinh và ấm cúng. Tôi có mang theo hoa và một chút quà của Hà Nội biếu cô chú. Cô Bảo Yến đón tiếp tôi ân cần và gần gũi lắm. Lúc tôi đến, chú Quốc Dũng mệt nên nằm trên sofa trong phòng khách. Vì mệt nên chú ít nói lắm, cô Bảo Yến tiếp chuyện tôi là chính. Hôm đó, tôi hát tặng cô chú bài Khoảng cách (Cõi mộng). Chú cười, vỗ tay, khen đôi lời rồi…hút thuốc. Sau đó chú mệt nên nằm xuống nghỉ.

    Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng tại nhà riêng cách đây 10 ngày - Ảnh 2.

    Nhạc sĩ Quốc Dũng đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Ảnh: FBNV

    Trước khi ra về, chú có tặng tôi cuốn “100 ca khúc Quốc Dũng” cùng lời nhắn “có cả bản nhạc và đĩa mp3 làm mẫu” nhưng chú mệt nên không muốn ký. Cô Bảo Yến động viên lắm chú mới ký (chỉ ký thôi) và cô Bảo Yến đề tặng tôi. Lúc tôi ra về, vì trời mưa, cô Bảo Yến tặng tôi một chiếc ô. Cô còn dặn dò tôi nhiều thứ về chuyên môn lắm. Kiểu như lối hát, cách tập luyện, phải đặt tâm, công phu…

    Cô đặc biệt dặn, cái gì đi ra từ con tim sẽ chạm đến con tim. Cảm xúc là quan trọng nhất khi hát. Một tâm hồn đẹp, một vốn sống phong phú sẽ dẫn đến một giọng hát hay và phong phú. Cảm xúc và ý tưởng có trước, sau đó não bộ và con tim sẽ tự tìm kỹ thuật để diễn đạt cảm xúc và ý tưởng đó. Cho nên, học thanh nhạc thực tế không chỉ là học kỹ thuật. Kỹ thuật nhạc viện giúp giọng tốt, giọng khỏe, khoe giọng, nhưng nếu không khéo vận dụng sẽ giết chết cảm xúc… Cô khiến tôi thật sự xúc động với những lời dặn dò. Cảm nhận được hết những yêu thương của cô dành cho mình trong những lời dặn dò ấy”.

    Nam ca sĩ gốc Hải Phòng cũng tâm sự thêm rằng, nhạc Quốc Dũng có rất nhiều người thể hiện thành công. Tuy nhiên, với anh, người thể hiện thành công nhất là danh ca Bảo Yến. Nhờ giọng hát vừa đẹp, vừa sang, vừa tinh tế của Bảo Yến mà Nguyễn Đình Tuấn Dũng đã biết đến rồi yêu âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Dũng từ rất sớm. Nhờ thể hiện bài “Đường xưa” của Quốc Dũng mà tên tuổi của Nguyễn Đình Tuấn Dũng được biết đến nhiều hơn.

    Những tấm ảnh kỷ niệm của Ngọc Châm với nhạc sĩ Quốc Dũng. Ảnh: FBNV

    Trải lòng với Dân Việt, ca sĩ Ngọc Châm cũng cho biết, chị bàng hoàng khi nghe tin nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời sau một cơn tai biến. Chị từng cộng tác rất nhiều chương trình và có mối thâm tình với gia đình nhạc sĩ Quốc Dũng.

    “Ngọc Châm luôn ấn tượng về nhạc sĩ Quốc Dũng bởi vẻ điềm đạm, hiền lành của anh. Cách anh cư xử với mọi người luôn nhẹ nhàng như một quý ông. Khi nói về âm nhạc, anh tỉ mỉ giải thích từng chút một. Ngọc Châm được biết anh là một trong những nhạc sĩ đầu tiên làm những bản hoà âm phối khí phá cách ở thập niên 70 – 80. Mấy năm Covid-19, không thể ghé thăm gia định anh chị Quốc Dũng – Bảo Yến. Ngày mai Ngọc Châm sẽ vào vào TP.HCM tiễn đưa anh”.

    “Âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Dũng giống như viên gạch nối những kỷ niệm”

    MC Nguyên Bảo viết trên trang cá nhân rằng: “Âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Dũng giống như viên gạch nối những kỷ niệm của một thế hệ gắn mình với bao biến đổi của xã hội. Những ca khúc ấy có thể đưa người ta về “chợt như năm 18” khi “tình ngỡ như gió nhẹ trôi/thoáng qua như giấc mộng thôi” bất cứ lúc nào.

    Vào khi cơ cực nhất, người ta vẫn có thể hát “bạn ơi có nghe quê hương ta đang lớn lên từng ngày”, và khi bình yên dịu dàng nhất, người ta có thể hát “vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi” và chỉ cần tình yêu đến thì không còn “hoang vắng” bởi “môi em cười như chứa cả vườn xuân” chứ chẳng cần “chơi đánh bài, cine hay nhạc hội”. Chỉ khi có tình nhân thì “nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chở tia nắng về trong ánh mùa sang”.

    Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng tại nhà riêng cách đây 10 ngày - Ảnh 4.

    Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ hòa âm phối khí theo kiểu phá cách, mang lại hơi thở mới cho dòng chảy âm nhạc thập niên 70 – 80. Ảnh: FBNV

    Vĩnh biệt nhạc sĩ Quốc Dũng – xúc cảm của một thế hệ, một nốt đắm say của nền âm nhạc Việt Nam. Tri ân ông đã cho đời những sáng tác để biết ơn cả khổ đau như hai câu hát: “Những ân tình đời chưa cho sớm mai yên bình/Ta vẫn còn đứng đây riêng mình”.

    Nhạc sĩ Nguyễn Hà cũng bày tỏ, giữa những năm 80, khắp các con đường đến hẻm nhỏ Sài Gòn luôn vang những câu hát “Tết nay em không thèm may áo mới”; “hãy hát đi em ru mây hạ về”… với những âm sắc nhạc cụ điện tử mới lạ. Đó là lần đầu tiên anh nghe đến danh nhạc sĩ Quốc Dũng. Người ta nghe thấy hay và lan truyền băng cassette do nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và thu âm tại nhà riêng. Phát hành qua kênh phân phối là các xe kẹo kéo.

    Danh ca Bảo Yến từng thể hiện rất thành công “Bài ca Tết cho em”. Clip: Tritrung Nguyen

    “Ấn tượng trong tôi lúc đó là người nhạc sĩ này rất hiện đại, hấp dẫn thằng con nít đang học nhạc. Đầu những năm 90, có dịp thu âm tại phòng thu riêng của ông. Trái ngược với lo lắng rằng ông là người khó khăn, khắt khe thì ông lại rất nhẹ nhàng. Hướng dẫn đơn giản nhưng rõ ràng và dứt khoát. Tại đây, tôi phát hiện rằng, ông sử dụng dàn máy cassette phổ biến nhất trong các gia đình lúc đó để làm loa kiểm âm.

    Rồi bên bàn cà phê ông từng nói nghe dân dã mà chí lý. Tụi em ăn phở chưa nếm đã nặn chanh, thêm tương đúng không? Người ta nghe nhạc cũng vậy, mua máy về là dựng equalzer hình chữ V. Nên mình phải chỉnh equalizer chữ V giống ở nhà người ta rồi mới mix thì khi họ nghe cuốn băng mình thâu mới đúng âm thanh của mình.

    Ý này tôi thấm thực sự. Nó khiến dù hiếm khi có dịp gặp nhạc sĩ Quốc Dũng nhưng lúc nào nhắc về ông cũng thấy thân thân, gần gần. Nhờ bài học này đã cho tôi tư duy làm gì cũng luôn để ý khán giả, để ý người nghe, luôn quan tâm người nghe sẽ nghe như thế nào. Tiếc là chưa bao giờ nói lời cảm ơn về bài học này trực tiếp với ông”.

    Cuộc gặp cuối cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng tại nhà riêng cách đây 10 ngày - Ảnh 6.

    Quốc Dũng và Bảo Yến từng có chuyện tình đẹp nhưng phải trải qua không ít sóng gió. Ảnh: TL

    Nhạc sĩ Quốc Dũng là một nghệ sĩ tài hoa khi sáng tác rất nhiều thể loại âm nhạc. Ông viết bản nhạc đầu tiên khi mới 11 tuổi, đó là một nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau đó ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Bài ca Tết cho em, Điệp khúc mùa Xuân, Thoát ly, Hoang vắng, Chuyện hợp tan, Ngại ngùng, Ru tôi giấc mộng, Trái tim tội lỗi, Cho em ngày nắng xanh…

    Đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Khi đó, ông cùng ca sĩ Thanh Mai tạo thành một cặp song ca nổi tiếng. Với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng mandolin, guitar, dương cầm, trống, bass, keyboard, organ, Quốc Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ thời đó.

    Sau năm 1975, Quốc Dũng kết hôn với Bảo Yến, làm biên tập, hòa âm phối khí cho Đài truyền hình TP HCM. Quốc Dũng còn là diễn viên, từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường tôi của đạo diễn Lê Dân.

    Trong gia tài hàng trăm bài hát của Quốc Dũng, Bài ca Tết cho em là một trong những tình khúc kinh điển về mùa xuân, gắn liền với người vợ hiện tại của ông – danh ca Bảo Yến. Ra đời năm 1982, bài hát đánh dấu cột mốc tình yêu Quốc Dũng dành cho Bảo Yến.