Nằm trong chuỗi sự kiện này, một con đường đèn lồng dài với hàng chục nghìn chiếc đèn, rực rỡ sắc màu được làm từ 100% sản phẩm Made in Vietnam đã được thắp sáng.
Tết Trung Thu: Ngỡ ngàng với con số đèn lồng được thắp sáng tại “Thu xưa về trong phố”
Được biết để có được số lượng đèn lồng khổng lồ này, Ban tổ chức đã phải đặt hàng trước 3 tháng, từ nhiều làng nghề tại Nam Định, các tỉnh phía Bắc, chuyển bằng đường bộ. Thậm chí, sát ngày diễn ra sự kiện, Ban tổ chức đã phải đặt cả trong TP.HCM và vận chuyển bằng đường hàng không cho kịp ngày trưng bày. Hàng chục nghìn chiếc đèn lồng với đủ hình dáng, kích cỡ, các con vật như cá chép, phượng, kỳ lân, thỏ, ông sao…
Cũng tại chuỗi sự kiện “Thu xưa về trong phố” sẽ có sự xuất hiện của những góc chợ truyền thống được phục dựng. Những đồ thủ công mỹ nghệ, nghề nặn tò he được trình diễn bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Đoàn Văn Hậu. Những quầy photobooth với thiết kế dành riêng cho cả gia đình ngược dòng về quá khứ. Đặc biệt là đồ chơi truyền thống của Hà Nội với gần trăm tuổi đời. Đó là “Tàu thủy sắt tây”, đổ dầu vào chạy được trên nước. Ngày xưa thế hệ ông bà thường chơi trong chiếc chậu to, đổ đầy nước. Trẻ con ngồi xung quanh ngắm chiếc tàu chạy vòng vòng với con mắt say mê, thích thú.
Một khung ảnh gia đình Hà Nội xưa – sẽ được đặt trang trọng trong 1 gia đình Hà Nội nay. Những đêm rước đèn dưới con đường đèn lồng lung linh, kỳ ảo. Những món quà dễ thương từ chú Cuội, chị Hằng… Tất cả sẽ được ban tổ chức chuẩn bị với giá trị cốt lõi cuối cùng – gọn trong 2 từ: “Gặp lại” và “Tiếp nối”. Những sắp đặt vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính nghệ thuật hiện thực hóa câu chuyện về những mùa trăng cổ tích mà những đứa trẻ con ở phố bây giờ thường chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ….
Là người luôn đau đáu muốn lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là người chủ trì cho chuỗi sự kiện này, chị Phạm Hạnh cho biết: “Thu xưa về trong phố” là cách để kể câu chuyện trung thu xưa ở phố, là cách để thế hệ những em bé hiện đại ngày nay hiểu hơn về văn hóa truyền thống, để rồi trân quý, giữ gìn.
10 năm, 20 năm sau, và có thể nhiều nhiều năm sau nữa, các con của hôm nay, sẽ là người tiếp nối và viết tiếp câu chuyện cổ tích mùa Trung thu. Và sau chuỗi những hoạt động vui chơi, tham quan cùng trải nghiệm, một bữa tiệc với ẩm thực mỹ vị sẽ là chiếc chìa khóa hoàn hảo, để đóng lại chiếc hộp lưu giữ kỷ niệm. Một món quà mà chúng tôi nghĩ, là vô giá với thời gian”.
“Thu xưa về trong phố” được tổ chức tại 70 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.