Ngay cả những người có tuổi cũng có ký ức là đã thấy cây mít ấy từ lâu lắm rồi. Cây mít tuy nhiều năm nhưng cũng vì thế mà mang lại vẻ trầm mặc của thời gian, đậm chất làng quê miền Bắc. “Cây cũng được coi là thành viên của làng đấy, vì bao nhiêu năm tâm tư tình cảm của người làng mà”, bác cao niên thủ thỉ, rồi thưởng thức một miếng mít thích thú.
Trái mít bình dị như làng quê vậy, bổ ra thơm phức, át mọi thứ mùi xung quanh. Hồi đó, có ông bác đi chơi rồi đem về trồng, không biết giống gì nhưng cũng là mít ta. Vậy là cây mít cứ như một điều lành cho làng ngày ấy. Hồi bé, cha mẹ làm trên thành phố vất vả, không cách nào lo đủ cho đàn con bám trụ lại đất thị thành. Tôi và lũ em được về quê ở với bà ngoại.
Vườn bà trồng rất nhiều rau, mỗi loại một ít. Thế mà vẫn không đủ. Gặp lúc thiếu thốn, món thường trực thay rau trong bữa ăn là mít. Bây giờ nghe là lạ nhưng ở nông thôn thức ăn đó phổ biến lắm. Có mít ăn là mừng rồi.
Cây mít lúc đó trở thành thức ăn cứu đói cho bà con, để họ gồng mình chăm lúa, chăm màu. Mít chín vào cuối hè, đất nào cũng lớn được. Mít là loại trái rất “thực dụng” vì cái gì cũng có thể ăn được. Người ăn múi, xơ và hột còn trâu bò thì ăn vỏ. Hồi đó, bà thường đùa với chúng tôi: cha mẹ bây cứ lo mà làm ăn trên đó, ở với tao không bao giờ đói. Mít nhiều thế này tao dư sức nuôi bây đến mười tám tuổi.
Lũ trẻ thành phố chúng tôi vốn quen ăn bánh mì cho bữa sáng thì nay chuyển hết theo lối sống nông thôn. Lúc đầu, nhìn thấy đĩa mít non thì đứa nào đứa nấy lắc đầu lè lưỡi. “Chắc chát lắm hả bà, thôi cháu ăn cơm chan canh là được”. Không ngờ bà nạt: Thì cứ ăn thử xem, ai cũng ăn được, bà đảm bảo ngon. Thế là ăn thử rồi ghiền từ đó.
Món mít non dân dã được bà làm rất sạch sẽ và ngon miệng. Mít non thái mỏng chấm mắm thôi mà và một lúc hết sạch bát cơm. Từ mít non, bà làm được bao nhiêu món. Nộm mít non với đậu phộng, mít non muối dưa, mít non nấu canh…
Món canh cá nấu với mít của bà khiến ai cũng trầm trồ thán phục. Có chú khách còn kiếm cớ ở lại chơi để ăn canh bà nấu. Mít non được bà thái mỏng, làm sạch sẽ. Cá nục ướp với gia vị, tiêu, ớt một lúc lâu. Sau đó, bà nấu nước sôi, cho cá vào nêm nếm vừa miệng. Điểm đặc biệt là chút nước mắm tạo hương vị cho món canh độc đáo này.
Rồi còn cơm mít. Đây là món biến tấu rất thú vị, món mà mỗi bữa cỗ bà đều làm. Không biết bà học nó từ ai, hỏi thì bà chỉ cười nói rằng, món ăn được người lớn truyền lại. Rồi bà nghiên cứu nấu thử vì mít nhiều quá ăn không hết mà bán cũng chẳng được cho ai. Những miếng mít mập mạp được bà chọn phơi khô chừng hai ba ngày. Gạo dùng để nấu là loại gạo quê ngon nhất, vo sạch và nấu đến khi sôi. Múi mít khô bỏ vào nồi cơm trộn đều và hạ nhỏ lửa để chín tới. Món cơm mít ăn thơm lừng. Mùi thơm của gạo hòa quyện với mùi mít tạo ra sức hấp dẫn khó cưỡng, ngay cả người lớn cũng thi nhau xới chứ đừng nói trẻ con.
Tuy chế biến được nhiều món như vậy nhưng mít ngon nhất chỉ khi là món ăn tráng miệng, ăn chơi. Thời đó có miếng mít chín thơm lừng mà ăn là hạnh phúc lắm, nhất là trẻ con. Bổ một trái mít ra, không chỉ mỗi nhà mình ăn. Bà luôn đem sang san sẻ cho xóm giềng. Lắm lúc vui quá, anh em cứ chụm lại, bóc từng múi mít vàng ươm, cắn vào thấy vị ngọt và mùi thơm thoảng lên mũi là quên hết mệt nhọc buổi ra đồng. Chưa hết, ăn hết múi mít xong thì còn món hột mít luộc dằn bụng. Lắm khi đó chính là món ăn đỡ đói buổi sáng cho suốt một ngày học.
Quả mít là loại trái cây của sự nhường nhịn, chia sẻ, người ông cao niên ở làng nói vậy. Mỗi khi bổ trái mít lớn ra thì ai cũng muốn ăn vì ngửi mùi thôi đã thấy đã rồi. Thế nhưng truyền thống làng quê thì phải san sẻ cho nhau mỗi khi có đồ ăn ngon. Vậy là í ới gọi họ hàng vào cùng thưởng thức. Đông người thì mỗi người chỉ được một hai múi nhưng cũng vì thế mà tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn. Thời buổi hiện đại, nông thôn mới phát triển thì có nhà văn hóa, có dịp bà con lại chia nhau mít ở đây. Rồi cộng đồng các cháu trẻ nhớ về truyền thống quê hương dù có đi đâu.
Trái mít bình thường mà ấm lòng cả tuổi thơ. Trái xấu xí, tua tủa gai nhọn mà có ích vô cùng. Đến bây giờ, tuy có nhiều đồ ăn ngon nhưng tôi vẫn nhớ đến món quà quê giản dị ấy.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.