Đây là biện pháp thiết thực nhằm ứng phó với tình trạng một số khách hàng dừng sử dụng một mạng viễn thông, nợ cước và chuyển sang đăng ký sử dụng dịch vụ của các nhà mạng khác để “trốn nợ”.
Việc này là cần thiết để thị trường viễn thông của Việt Nam phát triển lành mạnh, hài hòa giữa lợi ích của khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước. Bởi lẽ, việc “trốn nợ” cước viễn thông của người dùng bằng cách chuyển mạng khác đã và đang gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý viễn thông. Nếu tình trạng này kéo dài còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, làm cho tỷ lệ nợ cước tăng lên, chất lượng dịch vụ viễn thông đi xuống. Thêm vào đó, các sợi cáp quang cung cấp mạng internet sau khi bỏ nếu không được thu hồi và xử lý đúng cách sẽ trở thành rác thải.
Với sự thống nhất của 10 đơn vị cung cấp mạng viễn thông trong nước (gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom), đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện, bảo đảm khách hàng nợ cước không thể được sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác. Đồng thời, Cục Viễn thông cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông tới khách hàng để nâng cao ý thức của người dùng trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông; rà soát các hợp đồng mẫu, bổ sung điều khoản trong hợp đồng để bảo đảm người sử dụng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán cước. Bên cạnh đó, các nhà mạng nên tiến hành rà soát lại chương trình khuyến mãi, bảo đảm người dùng không lợi dụng việc khuyến mãi để chuyển dịch giữa các nhà mạng.
Ông Phó Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom chia sẻ, việc người dùng nợ cước, không thực hiện đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng và chuyển sang sử dụng mạng khác đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp viễn thông. Do đó, các doanh nghiệp lớn cùng nhất trí thực hiện thỏa thuận không cung cấp dịch vụ đối với thuê bao nợ cước sẽ tạo sân chơi lành mạnh, giúp thị trường viễn thông phát triển tốt hơn.