Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tú – phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kiêm phó ban chỉ đạo Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 – với Tuổi Trẻ.
* Thưa ông, trong những năm qua bóng đá Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc từ hệ thống trẻ đến đội tuyển quốc gia, bóng đá nam – nữ. Hệ thống thi đấu của VFF không ngừng hoàn thiện. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của VFF để bóng đá Việt Nam có bước tiến hiện nay?
– Bóng đá Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều thành tích đáng kể như: đội tuyển nữ lần đầu tiên có mặt tại World Cup nữ 2023; đội tuyển futsal nam hai lần có mặt tại World Cup futsal năm 2017 và 2022. Đội tuyển U20 quốc gia tham dự VCK World Cup U20 năm 2017.
Đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á 2018. Các đội tuyển trẻ nhiều năm liền tham dự VCK các giải trẻ châu Á… Mới đây, U23 Việt Nam cũng bảo vệ thành công HCV Đông Nam Á với nòng cốt là các cầu thủ U20.
Những tín hiệu đáng mừng của các đội tuyển trẻ là tiền đề để đội tuyển nam quốc gia lần đầu tiên có mặt tại vòng loại cuối khu vực châu Á World Cup 2022.
Thành công nói trên đến từ việc quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo trẻ ở các CLB chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, yếu tố then chốt góp phần vào bước tiến trên là việc VFF tập trung phát triển bóng đá trẻ thông qua đội trẻ, hệ thống thi đấu trẻ, nâng chất lượng các đội quốc gia nam, nữ.
* Ngoài bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá phong trào phát triển mạnh với nhiều giải đấu uy tín khắp cả nước. Tuy nhiên giải đấu tầm cỡ dành cho đối tượng công nhân lại chưa có?
– Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội trong những qua, chất lượng đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.
Nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần, thể thao cũng như quan tâm đến lối sống lành mạnh, duy trì thói quen rèn luyện thể thao của các tầng lớp quần chúng nhân dân được nâng lên. Qua đó chuyển biến thành hành động cụ thể, là điều kiện để phát triển TDTT nói chung và bóng đá nói riêng.
Đối tượng công nhân với 17 triệu lao động chiếm tới trên 37% trong hơn 45,9 triệu người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam là môi trường cực kỳ tiềm năng để phát triển các hoạt động thể thao trong đó có bóng đá.
Chắc chắn bóng đá mang lại những giờ phút giải trí lành mạnh, động viên tinh thần, tái tạo sức lao động cho công nhân. Việc tổ chức giải bóng đá dành cho công nhân là sáng kiến, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh để các cầu thủ phong trào là công nhân đang trực tiếp lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội được thể hiện tài năng.
* Tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 với sự tham gia của ba đơn vị tổ chức: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VFF và báo Tuổi Trẻ. Ông cho biết ý nghĩa, mục đích và kỳ vọng của ban tổ chức trong lần đầu tổ chức giải?
– Việc tổ chức giải bóng đá công nhân toàn quốc đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm. Đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023.
Giải sẽ tạo ra sân chơi thể thao hấp dẫn và ý nghĩa cho các công nhân trên toàn quốc. Việc có sự tham gia của ba đơn vị tổ chức gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VFF và báo Tuổi Trẻ, cũng nhằm tạo ra sự kết hợp đáng chú ý giữa tổ chức quản lý chuyên môn, ngành công đoàn và báo chí.
Mục đích của ban tổ chức là tạo ra một giải đấu chất lượng, giúp nâng cao tinh thần thể thao và giao lưu giữa các công nhân trên khắp cả nước.
Giải cũng tạo điều kiện cho các cầu thủ công nhân có cơ hội thể hiện tài năng và đam mê của mình trong một giải đấu được tổ chức quy mô, bài bản.
Ban tổ chức hy vọng rằng Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 sẽ trở thành một sự kiện đáng nhớ và thành công, góp phần khích lệ tinh thần làm việc và rèn luyện thể thao cho công nhân trên cả nước.
Đồng thời, giải đấu cũng tạo điều kiện để người hâm mộ đam mê bóng đá có cơ hội xem các trận đấu chất lượng, đồng hành và cổ vũ cho các đội bóng tham gia.
* VFF tham gia với vai trò thế nào trong công tác tổ chức giải đấu ý nghĩa này, thưa ông?
– VFF là cơ quan tổ chức, quản lý và phát triển bóng đá tại Việt Nam. Với giải bóng đá công nhân, VFF sẽ đồng hành cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ về các vấn đề chuyên môn nhằm tổ chức tốt sự kiện.
VFF xây dựng các quy định và điều lệ cho giải đấu, đảm bảo tính công bằng cho tất cả các đội tham gia. Hỗ trợ và tư vấn cho các đơn vị tổ chức về các vấn đề liên quan đến tổ chức giải đấu, bao gồm lịch thi đấu, công tác chuyên môn, điều động trọng tài…
Việc tham gia vào công tác tổ chức giải đấu này giúp VFF tiếp cận và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với công nhân. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của bóng đá cơ sở và cơ hội cho các cầu thủ công nhân thể hiện tài năng, đam mê.
Với vai trò chính trong việc phát triển bóng đá tại Việt Nam, việc tham gia công tác tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 là thể hiện rõ nhất về cam kết của VFF trong việc phát triển bóng đá phong trào trong xã hội.
* VFF sẽ đưa Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc vào trong hệ thống giải đấu chính thức của VFF không, thưa ông?
– Sau khi kết thúc giải bóng đá đầu tiên dành cho công nhân toàn quốc, VFF và các đơn vị tổ chức sẽ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức. Chúng tôi mong muốn đồng hành với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô của giải qua từng năm.
Họp báo, bốc thăm xếp lịch thi đấu giải
Giải do báo Tuổi Trẻ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VFF tổ chức. 9h sáng mai (31-8) sẽ diễn ra buổi họp báo, bốc thăm xếp lịch thi đấu Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 tại TP.HCM.
Giải sẽ được khai mạc vào ngày 9-9 tại Hải Phòng, thi đấu vòng bảng với 8 cụm ở 8 khu vực trên cả nước trong tháng 9 và tháng 10-2023. Vòng chung kết của giải dự kiến diễn ra tại Bình Dương vào tháng 11.
Tổng giá trị giải thưởng của giải lên tới 840 triệu đồng tiền mặt và hơn 1 tỉ đồng hiện kim. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một giải bóng đá mang tầm quốc gia được tổ chức cho công nhân.