January 23, 2025

Đọc sách cùng bạn: “Hạnh phúc là thanh thản lương tâm

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc
  • Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin về vụ án rửa tiền 30.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng
  • Hoa hậu Ý Nhi: “Năm 2025 đặc biệt với tôi khi đi thi Hoa hậu Thế giới”

  • Đọc sách cùng bạn: "Hạnh phúc là thanh thản lương tâm - Ảnh 1.

    Tập “Thơ tình” của nhà thơ Bùi Minh Quốc. (Ảnh: ST)

    Bùi Minh Quốc có một bài thơ ngắn bốn câu viết từ năm 1962:

    Có khi nào trên đường đời tấp nập

    Ta vô tình đi lướt qua nhau

    Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất

    Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu…

    Đó là một bài thơ tình hợp với tâm lý nhiều người nên nhiều người thuộc và nhớ. Tới mức bốn câu thơ đã thành như một tấm danh thiếp của nhà thơ. Ai chưa biết Bùi Minh Quốc gặp ông lần đầu chỉ cần nghe đọc câu “Có khi nào…” là nhận ra ngay.

    THƠ TÌNH

    Tác giả: Bùi Minh Quốc

    Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

    Số trang: 225 (khổ 13,5x20cm)

    Số lượng: 500

    Giá bán: 150.000đ

    Thơ thời chiến tranh của ông trong những bài nổi tiếng có cả tình ca bên hùng ca. Trong “Bài thơ tình yêu” viết năm 1969 cho người vợ cùng đi vào chiến trường, ông đã thấy “ta nắm tay nhau vào cuộc chiến đấu này/ như đi vào hạnh phúc“. Đoạn III của bài này với hai câu mở đầu “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao” đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát quen thuộc trên môi mọi người cả khi đã qua thời binh lửa. Cho đến “Bài thơ về hạnh phúc” ông viết khi được tin người vợ hy sinh ở mặt trận Quảng Nam năm 1969 thì thơ tình Bùi Minh Quốc đã đốt lòng người từ cảnh ngộ riêng của mình với điệp khúc “Và em gọi đó là hạnh phúc” khiến bao tấm lòng đồng vọng day dứt trăn trở.

    Có một quãng thời gian Bùi Minh Quốc viết nhiều thơ thế sự. Ngỡ như tiếng thơ tình trong ông đã tắt lặng trước bao ngổn ngang của nhân tình thế thái ngày nay mà ý thức công dân của một nhà thơ trong ông bắt ông phải lên tiếng. Nhưng không, Bùi Minh Quốc vẫn viết thơ tình. Và thơ tình Bùi Minh Quốc vẫn hiện rõ nét tâm hồn ông như hồi trẻ, mặc tuổi cứ cao lên. Nhưng có ai bảo thơ tình phụ thuộc tuổi tác đâu. Nó chỉ phụ thuộc vào tình thôi. Mà tình yêu thì Bùi Minh Quốc có bao giờ vơi cạn. Bằng chứng là trong khoảng mười lăm năm qua ông đã xuất bản ba tập thơ tình: Ru xa, Trinh thiêng, Nâng niu, để bây giờ ông tinh tuyển lại thành tập thơ tình Bùi Minh Quốc gửi đến bạn đọc.

    Các nhà thơ viết thơ tình có thể là viết cho một đối tượng cụ thể, cũng có thể là viết cho một đối tượng tưởng tượng. Cũng có nhà thơ viết trước nhất cho người yêu, người vợ, cho một bóng hồng trong tâm tưởng, rồi về sau có thể mở rộng nhân lên một chữ Em viết hoa chung cho nhiều đối tượng. Thơ tình Bùi Minh Quốc thuộc loại này. Trong tập có những bài viết đã lâu, từ năm sáu chục năm về trước, cho những đối tượng khác, nhưng chủ yếu thơ tình Bùi Minh Quốc ở đây là dành nói về người bạn đời hiện tại đang cùng ông chung sống tại thành phố cao nguyên ngàn hoa – Đà Lạt. Ông làm thơ về người đó, tặng người đó, cho người đó. Người đó là đối tượng trước nhất, là Em trong nguồn cảm hứng thơ tình của ông.

    Bởi vì “em khơi nguồn thơ anh”, “em tái tạo đời anh”.

    Bởi vì tên người đã thành tên cõi – “cõi hiền”.

    Bởi vì có em “anh thú nhận quả thật mình hạnh phúc.”

    Bởi vì qua bàn tay em sẽ lọc hết “cái thời nhố nhăng cặn bã hoá vương quyền”.

    Bởi vì “hai ta trong nhau và dậy lên như sóng/ Con chúng ta sẽ là biển khơi”.

    Hai câu tôi vừa trích nói một chuyện hiển nhiên của đôi lứa yêu nhau nhưng cũng hiển nhiên cho thấy thơ tình Bùi Minh Quốc không e ngại nói chuyện nhục thể. Thì cuộc sống yêu đương của con người là vậy đã bao đời, có tình yêu và tình dục, cớ sao thơ văn lại lảng tránh. Ấy vậy mà một thời gian dài văn xuôi đả động chuyện này đã bị cấm kị nặng rồi, nói chi đến thơ vốn vẫn được/bị cho là thanh cao, mơ mộng. Nay thì đã khác, “tôi là con người và không có cái gì thuộc về con người xa lạ với tôi”, câu châm ngôn Hy Lạp đã nói từ xưa. Vấn đề là nói chuyện ấy trong thơ thế nào cho thanh cho nhã cho thơ thôi. Bùi Minh Quốc coi đó là cõi “trinh thiêng”.

    Cõi thiêng riêng mở riêng thầm biết

    Nhụy hồng hé nở đón sương mai

    Môi hồng e ấp trao trời biếc

    Hương hồng trinh khiết tiết xuân khai.

    Câu chữ vẫn phải dùng đến những hình ảnh ám gợi. Chuyện nhục thể đã thành nhục cảm và nâng cao lên. Đến một bài khác nhà thơ nói trực diện hơn nhờ vào sự chơi “chữ và nghĩa, văn và người”. Xưa nay người ta hay nói “văn mình vợ người”. Bùi Minh Quốc coi văn chương là một cái cửa – “cửa người” – mở ra với đời. Đối lập với “cửa người” là một cái cửa khác hướng vào trong, chỉ của hai người. Bài thơ bốn cặp lục bát này nó là thơ tình, nhưng cũng là thơ bàn luận chuyện văn chương nhân tình.

    Trong thơ tình của Bùi Minh Quốc thời kỳ sau này tôi thích một bài, có thể đó là bài tiêu biểu của ông, theo tôi. Tiêu biểu vì nó nói được cả tình yêu trong chiều sâu tình cảm và thân xác. Tiêu biểu vì cách nhà thơ nghĩ ra một tứ thơ hay để nói chuyện tình. Đó là bài “Anh lập tôn giáo”. Một tôn giáo ra đời phải có giáo chủ, có giáo dân, có giáo toà và có cách lễ bái. Bùi Minh Quốc đã đặt ra một tôn giáo trong tình yêu mang tên gọi là Em.

    Anh lập tôn giáo EM

    Mình em ngôi CHÚA HIỀN

    Mình anh quỳ ngưỡng niệm

    Trong GIÁO TÒA THIÊN NHIÊN.

    “Chúa Hiền” là vị chúa mang tên Hiền, nhưng đó cũng là “chúa hiền” vị chúa nhân đức, hiền từ. Giáo dân của tôn giáo này chỉ có một, “mình anh”. Và đặc biệt nơi thờ phụng của tôn giáo Em là “Giáo toà thiên nhiên”. Bốn chữ này gọi người đọc về câu thơ Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên“. Câu thơ nối mạch liên văn bản khiến bài thơ tưởng thoát tục nhưng nhuốm mùi trần rất thanh tao. Ngẫm ra, tình yêu bản chất bao giờ, ở đâu cũng giống nhau, cũng chỉ là ba tiếng “anh/em yêu em/anh” trong mọi thứ tiếng nói của con người. Nhưng biểu hiện của tình yêu trong đời sống con người là muôn dạng, muôn mặt. Thơ tình vì vậy cũng phong phú các cách nói về tình yêu. Làm thơ tình là tìm cách thể hiện tình yêu sao cho hay, cho độc đáo. Bài thơ “Anh lập tôn giáo” là một sáng tạo của Bùi Minh Quốc.

    Thơ tình Bùi Minh Quốc rốt ráo vẫn là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Trong chiến tranh ông đã một lần trả lời. Nhưng hạnh phúc không phải trả lời một lần là xong. Ba mươi năm sau “Bài thơ về hạnh phúc” ông “Lại ngẫm về hạnh phúc”. Hạnh phúc là gì? Hồi trước, thời chiến tranh, hạnh phúc là ước mơ về một ngày hoà bình, “hồn phơi phới bay về một chân trời hoà mục”. Bây giờ, thời bình đã lâu rồi, ông chỉ còn biết hạnh phúc trong mắt em.

    Trong tai ương hạnh phúc lại ươm mầm

    Hạnh phúc là gì, giữa cảnh đọa đày, anh vụt hiểu

    Khi soi trong mắt em, trong mắt em hiền dịu

    Hạnh phúc là thanh thản lương tâm.

    Câu cuối khổ thơ này được ông lặp lại hai lần kết thúc bài thơ. Lại một điệp khúc về hạnh phúc. Lần trước điệp khúc trong nỗi đau vô cùng mất người vợ yêu thương nhưng cảm thấy được sự lạc quan, tin tưởng. Lần này điệp khúc trong hạnh phúc bên người vợ đang có mà nghe như một sự động viên mình trước thời cuộc.

    Đọc thơ tình của Bùi Minh Quốc, vì thế, là đọc cả tâm tình thời cuộc của ông.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới.

    Hà Nội, 3/8/2023