Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 17 (AMMTC 17) diễn ra ở Labuan Bajo, Indonesia ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố 61 vụ án với 75 đối tượng phạm tội là người nước ngoài, tập trung vào các loại tội phạm về ma túy (23 vụ, 26 đối tượng), xâm phạm trật tự xã hội (26 vụ, 36 đối tượng), tội phạm về kinh tế và môi trường (12 vụ, 13 đối tượng).
Trước thực trạng đó, Việt Nam đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và đã đạt được một số kết quả tích cực, đồng thời đang từng bước xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia kết nối thế giới nhằm mục đích phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Liên quan đến tội phạm ma tuý, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã bắt giữ 26.193 vụ với 40.113 đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 14.679 vụ (tăng 9,98% so với cùng kỳ năm 2022), bắt giữ 20.790 đối tượng. Cũng trong giai đoạn trên, lực lượng chức năng phát hiện 578 vụ liên quan đến tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng mạnh 853 vụ (bằng 147% so với cả năm 2022). Về tội phạm mua bán người, từ đầu năm 2003 đến nay, đã xử lý 26 vụ (tăng 85,7% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, mua bán trẻ em xảy ra 8 vụ (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Về phòng, chống khủng bố, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tại Việt Nam chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện.
“Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định các nguy cơ khủng bố liên quan từ các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan; các tổ chức phản động lưu vong…”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói và khẳng định Việt Nam luôn tích cực hợp tác chống khủng bố với các quốc gia trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, các loại tội phạm xuyên quốc gia có đặc điểm chung là triệt để lợi dụng công nghệ cao, thành tựu khoa học kỹ thuật để phạm tội với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật các nước.
Các đối tượng tạo lập tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook), thành lập các hội nhóm trên không gian mạng, sử dụng các trang thương mại điện tử để thực hiện hành vi quảng cáo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các loại tội phạm khác như cướp biển, tội phạm kinh tế quốc tế, rửa tiền mặc dù được chú trọng kiểm soát và phòng ngừa nhưng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, thời gian tới công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia của các nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Thay mặt cho Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị 5 nội dung quan trọng tại Hội nghị. Trong đó, đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam đề xuất phối hợp triển khai điều tra chung, đấu tranh chuyên án chung; cử tổ công tác sang phối hợp xác minh, điều tra, bắt giữ kịp thời các đối tượng phạm tội ở nước này lẩn trốn ở nước kia nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng.
Nguồn: Sưu tầm