January 26, 2025

Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này…

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Triệu Lộ Tư trở lại showbiz
  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Xông vào tiệm vàng, tự cứa cổ rồi nhảy lầu tử vong; phá đường dây lừa đảo “khủng”
  • Song Hye Kyo và “vận đen” với phim điện ảnh?

  • Dù là tối giữa tuần, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn phủ kín khán giả. Phía ngoài địa điểm tổ chức, vé sự kiện được nhiều người hỏi mua, dù không mở bán. Nhiều năm liền các chương trình tưởng niệm Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ được tổ chức, tuy vậy, sức hút của các đêm diễn vẫn không hề suy giảm.

    Khán giả tới với đêm thơ – nhạc – kịch “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi” thuộc nhiều lứa tuổi. Trong đó có những người đã ngoài 70, mang theo ký ức bền bỉ về những đêm kịch đầy ắp người xem của Lưu Quang Vũ. Đó cũng là những cô gái mới ngoài 20, họ làm quen với tác phẩm của Lưu Quang Vũ ở trường phổ thông, khao khát tìm hiểu thêm về một cây bút đã vĩnh biệt trần thế khi họ chưa chào đời.

    Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này… - Ảnh 1.

    Khán giả phủ kín Nhà hát Lớn trong đêm thơ – nhạc – kịch “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi”. (Ảnh: Viết Niệm – Hưng Phạm)

    Một trái tim tha thiết yêu đất nước, yêu con người

    Sân khấu đêm nghệ thuật được bài trí đơn giản nhưng đẹp đẽ với những chiếc hộp treo có chứa các tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ. Chia làm 4 phần, khéo dài hơn 2 tiếng, chương trình “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi” điểm lại hàng loạt những tác phẩm đặc sắc, với cách thể hiện đa dạng, giàu sáng tạo của nghệ sĩ.

    Phần I: “Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ” mở đầu bằng lời dẫn của MC Hồng Nhung về một mùa thu 75 năm về trước, khi Lưu Quang Vũ được sáu tháng tuổi, từ trên chiến khu Hạ Hòa, Phú Thọ, cha anh – nhà thơ Lưu Quang Thuận viết những câu thơ tặng con trai đầu: “Nhớ buổi chiều xuân nắng trở hè/Con chào đất nước tiếng oe oe/Đến nay gió lạnh mùa thu tới/ Thôn xóm hò ran gặt lúa về…”

    Thừa hưởng tài năng của cha là kịch tác gia Lưu Quang Thuận, những năm về sau, Lưu Quang Vũ đã trở thành một nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng. Và cũng như của cố tác giả, ông dành nhiều cảm hứng cho đề tài đất nước, dân tộc, nhân dân… Tuy sáng tác ở những giai đoạn khác nhau, các tác phẩm như Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Nói với mình và các bạn…, đều tha thiết một tình yêu dành cho mảnh đất hình chữ S, sự xót thương cho mỗi phận người. Lưu Quang Vũ khẳng định: Thi ca là hiện thực cuộc sống, không chỉ là những thứ lấp lánh và hời hợt bề ngoài: Thơ không phải là chứng minh/Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương/Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều…”

    Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này… - Ảnh 2.

    NSƯT Tạ Tuấn Minh thể hiện bài thơ “Việt Nam ơi”. (Ảnh: Viết Niệm – Hưng Phạm)

    Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cho tới giờ, các tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn không bị cũ đi: “Nếu những bài thơ ca ngợi sự hi sinh, tấm gương chiến đấu anh dũng là nốt cao, thì cảm hứng công dân của Vũ là nốt trầm, nhưng là nốt trầm sâu lắng. Khi đọc lại thơ Vũ, chúng ta cùng anh thương yêu dân tộc này hơn, có trách nhiệm với đất nước này hơn”. 

    Trong khi đó, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng: “Sứ mệnh của thơ là gì, sứ mệnh của nghệ thuật là gì? Sứ mệnh của một một công dân sống trong một đất nước là gì? Ông đã tự chiêm nghiệm, quan sát, trải qua những  thăng trầm trong cuộc sống để tìm ra được câu trả lời. Từ những nỗi đau, trăn trở ấy, ông muốn con người lạc quan hơn. Ông muốn thơ của mình trở thành “một ngọn lửa hồng”, “một tấm gương trong” để chúng ta có thêm sức mạnh sống và cống hiến cho cuộc đời này, đất nước này”.

    Với những giọng đọc thơ hàng đầu như NSƯT Lê Chức, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Đỗ Kỷ, nguồn cảm hứng công dân trong thơ Lưu Quang Vũ được tái hiện mạnh mẽ, với cả những xót xa, cả băn khoăn và trăn trở, tạo nên nhiều xúc động. Ở phần kết chương, ca sĩ Bùi Hà My thể hiện hai ca khúc Mắt một mí, Phố ta. Giọng hát trong trẻo, ngọt ngào của cô gái 19 tuổi với những ca khúc được Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ mang lại cảm xúc tinh khôi, mới mẻ cho khán giả. Đó dường như cũng là lời khẳng định về sự trường tồn của “hồn dân tộc”, của những điều tốt đẹp và lương thiện trong cuộc đời. “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa”…

    Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này… - Ảnh 3.

    Ca sĩ trẻ Hà My thể hiện ca khúc “Mắt một mí”. (Nhạc: Nguyễn Vĩnh Tiến, thơ: Lưu Quang Vũ). (Ảnh: Viết Niệm – Hưng Phạm)

    Chương II: Anh yêu em và anh tồn tại lại mang tới người xem những bài thơ tình nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Với ba người phụ nữ quan trọng đi qua cuộc đời, Lưu Quang Vũ đều có những cảm xúc riêng, sâu đậm và tha thiết. Giọng đọc của NSƯT Lê Chức tái hiện hình ảnh một người đàn ông nồng nhiệt, chân thành với Dành cho em, trong khi đó NSƯT Đỗ Kỷ thể hiện Thư viết cho Quỳnh trên máy bay thể hiện nỗi lo toan, trách nhiệm của nhà thơ cho người phụ nữ của đời mình. Ở cuối chương, Lê Anh – Hồng Nhung bước ra sân khấu, cùng trình bày bài thơ “Bài hát ấy vẫn còn là dang dở”, như chính câu chuyện về sự ra đi đầy tiếc nuối của đôi vợ chồng tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà.

    Sự đổi mới của “Hồn Trương Ba – da Hàng Thịt”

    Tại phần 3, đoàn kịch LucTeam của NSƯT Trần Lực mang tới nhiều đổi mới khi thể hiện trích đoạn của vở “Hồn Trương Ba da Hàng Thịt”. Đây là vở kịch thành công nhất của Lưu Quang Vũ, đem lại cho ông hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Các nghệ sĩ của LucTeam ngồi quanh sân khấu, tạo cảm giác của chiếu chèo cổ truyền thống, thể hiện nhiều ngôn ngữ hình thể. Trong phân đoạn vợ Hàng Thịt dụ dỗ người mang hồn Trương Ba, thân xác anh Hàng Thịt, nữ diễn viên trẻ Phương My thể hiện sự chủ động, táo bạo hơn hẳn so với bản gốc. Nhìn chung cô diễn xuất tốt, quyến rũ, nóng bỏng, nhưng duyên dáng và tinh tế. 

    Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này… - Ảnh 4.

    Một cảnh trong trích đoạn “Hồn Trương Ba – da Hàng Thịt” do Hoàng Tùng (vai Hàng Thịt) và Phương My (vai vợ Hàng Thịt) thể hiện. (Ảnh: Viết Niệm – Hưng Phạm)

    Với sự diễn xuất của hai nghệ sĩ Hoàng Tùng (vai Hàng Thịt) và NSƯT Trung Anh (vai Trương Ba), trích đoạn kịch tập trung làm nổi bật sự đấu tranh khốc liệt của phần hồn và phần xác, cũng là cuộc đấu tranh của cái đẹp, cái thanh tao với những thứ tầm thường, xấu xa trong cuộc đời. Đoàn kịch LucTeam đưa vào nhiều lời thoại mới mẻ, mang hơi thở hiện đại. Kết thúc vở, Đế Thích cởi quần áo tiên, mặc thường phục, hoá thành một chàng trai trẻ. Trong khi đó, khác với nguyên tác, vợ Trương Ba không biết hồn chồng đã lìa khỏi xác, bà đau khổ đi tìm, rồi tự nhủ có lẽ lúc này ông đã thanh thản, không còn phải đau đớn và khổ sở. Dù không còn phần xác, Trương Ba nhắn nhủ vợ: “Tôi vẫn trong vườn nha ta, trong những điều tốt đẹp của cuộc đời, trong những trái cây chúng ta cùng nâng niu, gìn giữ…”

    Để Gió và Tình yêu mãi thổi trên đất nước này… - Ảnh 5.

    Diva Mỹ Linh thể hiện ca khúc “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi”. (Ảnh: Viết Niệm – Hưng Phạm)

    Chương 4 kết thúc với một loạt ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Nếu như Nhà chật của Lê Tâm khắc hoạ lại không gian chật hẹp – nơi hai tác giả lớn cùng nhau yêu, sống và viết thì Thuyền và biển (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Xuân Quỳnh) một lần nữa khẳng định sự gắn bó của hai tác giả. Với sự trình bày của diva Mỹ Linh, ca khúc Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi do Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc trở thành cái kết tuyệt đẹp ở cuối chương trình, với đầy sự tự hào, kiêu hãnh và hi vọng.

    Vĩnh biệt trần thế ở tuổi 40, Lưu Quang Vũ để lại cuộc đời quá nhiều tiếc nuối. Thế nhưng, với những đồng nghiệp, khán giả của ông tới dự đêm thơ – nhạc – kịch “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi”, với cả những người yêu Lưu Quang Vũ trên khắp dải đất hình chữ S, các tác phẩm của ông vẫn ở đây, tình yêu dành cho dân tộc, cho con người và niềm khao khát sống đẹp đẽ của ông vẫn ở đây, để nhắc nhở chúng ta thêm trân trọng và nâng niu cuộc sống này.

    Để ở đó, Gió và Tình yêu mãi thổi…

    “Xem chương trình, tôi vô cùng xúc động trước những tác phẩm của nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Khi Lưu Quang Vũ xuất hiện, những tác phẩm của anh – đặc biệt là kịch – đã làm chấn động cả đất nước. Các vở diễn của anh ghi lại một thời kỳ cam go, khi đất nước chuyển từ tình trạng này sang tình trạng khác. Lưu Quang Vũ dám viết những điều người khác không dám viết, một cách tinh tế và đầy sáng tạo. Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã tác động tới xã hội, không phải theo cách tiêu cực, mà để đất nước tốt đẹp hơn, chúng ta có được ngày hôm nay”.

    (Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh)