Tôi rưng rưng cảm nhận mùi quân phục như đang lẫn với mùi mồ hôi chiến sĩ, mùi nắng gió thao trường, mùi của những con đường chạy ra mặt trận… Và có lẽ, còn vương vấn cả mùi của những vùng đất, những miền quê mà người lính đã từng ở, từng đi qua.
Phần lớn đời quân ngũ của tôi được đắm mình trong không khí “Tết lính” khi đang là chiến sĩ trẻ cho đến khi trưởng thành. Vậy nên, với tôi mùi “Tết lính” sâu đậm lắm, mỗi khi xuân về nó lại thức dậy trong ký ức.
Phải công nhận rằng Tết lính ấm và vui. Cũng đủ đầy hương vị để “tống cựu nghinh tân” theo kiểu lính tráng. Mỗi đại đội có một bàn thờ để thắp hương tưởng nhớ những người có công với đất nước. Mùi hương ngan ngát thoảng bay gợi nhắc trong chúng tôi về lòng biết ơn và nỗi nhớ Tết quê nhà. Lính cũng biết làm đẹp cho Tết của mình. Những cành mai rừng, những giò phong lan chúng tôi cất công tìm kiếm vào những giờ nghỉ mang về trang trí mừng xuân. Hương rừng, hương xuân, hương đất, hương trời làm ấm không gian Tết bộ đội.
Đấy là lúc chúng tôi đóng quân ở “vùng rừng không dân”, còn nơi khác khi thiếu mai, thiếu đào, lính chọn một cành cây có dáng đẹp rồi cắt hoa giấy đính vào, trông cũng rất xuân. Hoa giấy, nhưng trong tưởng tượng của cánh lính trẻ thì đó cũng là những sứ giả thân thiện của mùa xuân, dường như chúng tôi đã nghe được những thầm thì của ký ức bâng khuâng. Thịt mỡ, dưa hành mặc nhiên là không thể thiếu. Lợn gà lính nuôi, rau quả lính trồng, món ăn do lính nấu… thế là cái Tết bộ đội cũng khá tươm tất.
Có lẽ, xôm nhất trong cái Tết bộ đội là cảnh mổ lợn và gói bánh chưng. Giống hệt ở nhà quê. Lợn kêu eng éc. Lá dong, nếp, đỗ, thịt bày ra. Người trong người ngoài, người đứng người ngồi, người làm người xem, cười nói rôm rả. Lính tráng có nhiều chàng gói bánh chưng đẹp mê. Thời tôi vào bộ đội, phần đông là sinh viên, học sinh khoác áo lính, nhưng gốc gác của họ chủ yếu là con cái nông dân nên chuyện bếp núc nấu nướng hay gói bánh chưng, bánh tét cũng chả xa xôi lạ lẫm quá. Nồi bánh chưng sôi lục bục bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm “cổ tích” thật đặc trưng. Hậu duệ của hoàng tử Lang Liêu – những chàng binh nhì, binh nhất bây giờ vẫn biết làm những chiếc bánh dâng Vua Hùng có từ thời xa lắc xa lơ ấy. Đấy là sự trộn hòa của mùi lá dong, mùi nếp, mùi nhân đỗ thịt đang dần dà chín tới cộng hưởng với “mùi” của một câu chuyện ngày xửa ngày xưa mang ý niệm của tổ tiên ông cha ta về trời đất, vũ trụ bao la, là bài học về lòng biết ơn, sự hiếu nghĩa trong sáng mà muôn đời đều trân trọng.
Mặc nhiên, Tết dân hay Tết lính đều không thể thiếu món bánh chưng cổ truyền. Tôi biết, có thời lính Trường Sa thiếu lá dong, lá chuối để gói bánh chưng đã khắc phục bằng cách dùng lá bàng vuông đấy. Thế mới là Bộ đội Cụ Hồ chứ, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Chiến tranh hay hòa bình thì Tết tiêu chuẩn lính cũng cao hơn ngày thường nên bữa ăn được thêm món và bữa tiệc xuân của bộ đội đủ đầy hương vị quê nhà.
* * *
Tôi nhớ mãi buổi hái hoa dân chủ lần đầu tiên đón Tết ở bộ đội. Đêm 30 tháng Chạp, trừ những chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, chúng tôi đã có mặt đầy đủ ở hội trường vào lúc 19 giờ. Tết đến, lính chọn cho mình bộ quân phục “ngon” nhất để mặc. Nói thêm, bộ đội mỗi năm được phát quân trang một lần, nên giữ được lành lặn sạch sẽ là khéo lắm rồi. Tôi rưng rưng cảm nhận mùi quân phục như đang lẫn với mùi mồ hôi chiến sĩ, mùi nắng gió thao trường, mùi của những con đường chạy ra mặt trận… Và có lẽ, còn vương vấn cả mùi của những vùng đất, những miền quê mà người lính đã từng ở, từng đi qua. Đấy là mùi của đồng đội “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” như Chính Hữu đã viết, mùi của tình quân dân “cá nước”, mùi của năm tháng gian lao mà sau này khi không còn khoác quân phục nữa tôi vẫn đau đáu nhớ thương.
Đêm trừ tịch chờ giao thừa tới, cán bộ chiến sĩ hát hò, đọc tấu, kể chuyện, đố vui… thật sôi nổi. Dường như vào lúc ấy nỗi nhớ nhà cũng vợi bớt đi rất nhiều trong lòng các chàng lính trẻ măng tơ. Dẫu thế, khi chương trình đón giao thừa xong, khi trở về giường nằm nỗi nhớ quê nhà lại bùng dậy dữ dội trong tôi.
Tôi gọi đó là “mùi nhớ” của Tết lính.
Cởi bỏ quân phục tôi trở lại với cuộc sống đời thường khá lâu rồi. Tết của người già mang nhiều hoài niệm, trong khi cuộc sống hiện đại, cái từ “ăn Tết” có vẻ như đã lỗi thời mà hợp thời hơn phải là “chơi Tết”. Tết Việt, dù thời nào cũng mang trong nó rất nhiều yêu thương và sự biết ơn. Chính vì thế, Tết với tôi, trong đó có những cái Tết bộ đội luôn là nỗi hoài niệm. Mùi Tết quê, mùi Tết lính, mùi ký ức chẳng bao giờ nhạt phai.