Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông với thông điệp “Shine for Life – Thắp sáng vì sự sống” đã chính thức khai mạc vào tối qua (18/01) tại Khu đô thị Ocean City (Văn Giang, Hưng Yên).
Đây là Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam kéo dài suốt 58 ngày (từ ngày 18/1 đến ngày 16/3) với 580 hoạt động trải nghiệm độc đáo và đặc sắc. Lần đầu tiên, người dân và du khách Hà Nội cùng các vùng lân cận sẽ được trải nghiệm chơi hội Xuân đỉnh cao với các hoạt động từ mua sắm, ẩm thực, giải trí đến văn hóa và nghệ thuật.
Điểm nhấn của chương trình Khai mạc Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông chính phần là công bố kết quả cuộc thi Thiết kế đèn lồng quốc tế Ocean lần đầu tiên được tổ chức trên thế giới. Theo đó, giải Nhất đã được trao cho tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” (The Sacred Soul of Vietnam) của Hội An Craft – Việt Nam; giải Nhì được trao cho tác phẩm “Thần may mắn” (Qilin) của tác giả Seo Deok Hwan – Hàn Quốc; giải Ba được trao cho tác phẩm “Long phượng sum vầy” (Reunion of the Dragon and The phoenix) của Đội Sắc màu cuộc sống – Việt Nam.
Giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm: “Lạc Long Quân trở về” của Đội Sắc màu Thành Tuyên Việt Nam; “Đôi cánh tương lai” (Wings of Future) của tác giả Shuixiu Gong – Trung Quốc; Lễ tế Sajik & Nongak của tác giả Lee Sang Moo – Hàn Quốc.
Tác phẩm đèn lồng đoạt giải Nhất của Đội thi Hội An Craft “Hồn thiêng đất Việt” có kích thước dài 70m, rộng 20m. Điểm nhấn của tác phẩm này là hình ảnh hoa sen thân thuộc tôn vinh sự thanh khiết, cao đẹp mà gần gũi và giản dị của người Việt.
Tác phẩm đèn lồng “Hồn thiêng đất Việt”. Ảnh: BTC
Đại diện nhóm tác giả, anh Võ Hoàng chia sẻ rằng, có rất nhiều chất liệu để làm đèn lồng vải, giấy bóng, mica, giấy Hàn, giấy Nhật… Tuy nhiên, Đội Hội An Craft sử dụng chất liệu mới là giấy làm từ cây dừa nước Cẩm Thanh (Hội An). Đây là vật liệu địa phương được sản xuất tại Hội An. Việc đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam lên giấy này để mọi người thấy, ngoài vật liệu truyền thống, Việt Nam còn có vật liệu địa phương.
“Loại giấy mới này do chính Hội An Craft nghĩ ra. Chúng tôi mất 5 năm nghiên cứu để tạo ra loại giấy này. Đèn lồng của Hội An Craft hoàn toàn làm bằng thủ công, thủ công từ vật liệu cho đến quá trình chế tác đèn. Thay vì làm đèn từ vải, đội của chúng tôi muốn tạo sản phẩm độc bản mới từ vật liệu riêng. Chúng tôi mong muốn được mang sản phẩm đèn lồng từ vật liệu mới này giới thiệu đến bạn bè quốc tế để họ hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam”, anh Võ Hoàng bày tỏ.
Ông Sato Kenichi – Chủ tịch Hiệp hội Lễ hội Nebuda thành phố Amori, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Hội thảo TP Aomori (Nhật Bản), thành viên Ban giám khảo bày tỏ: “Tôi đánh giá đây là một Lễ hội rất lớn có 5 quốc gia tham gia thì đều là những quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật làm đèn lồng gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
Đây là một sự kiện tuyệt vời khi mà những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc được thể hiện phong phú, sinh động qua các tác phẩm. Nhất là ý nghĩa trên các tác phẩm được truyền tải sinh động tới giới trẻ.
Điều đặc biệt ở đây, mỗi một người nghệ nhân họ giữ được nét độc đáo riêng, thể hiện bản sắc dân tộc riêng của nước mình, giới thiệu đến bạn bè thế giới mà vẫn có sự học hỏi từ các nước khác. Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng về việc giữ gìn bản sắc dân tộc vẫn là điều quan trọng nhất. Đây là một thông điệp rất hay của cuộc thi và tôi rất ủng hộ các sự kiện như Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông và Cuộc thi Thiết kế đèn lồng quốc tế mà các bạn Việt Nam đang tổ chức.
Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều là những quốc gia có lịch sử làm đèn lồng lâu đời. Cuộc thi quốc tế này đã tạo cơ hội để các quốc gia giao lưu về kỹ thuật và văn hóa cũng là tạo cơ hội để quảng bá và phát triển văn hóa phương Đông trong tương lai”.
Các tác phẩm từ các đội thi Việt Nam đều có điểm chung là tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, tái hiện lịch sử 4.000 năm bằng nghệ thuật ánh sáng. Ảnh: BTC
Chia sẻ về các tác phẩm của Việt Nam, bà Chen Jia – Giám đốc Văn hóa – Yuyuan INC (Trung Quốc), thành viên Ban Giám khảo cho rằng, các nghệ nhân Hội An đã thổi hồn văn hóa, lịch sử lâu đời của Việt Nam vào tác phẩm đèn lồng, dùng nghệ thuật ánh sáng để truyền tải tình yêu và niềm tự hào về lịch sử của dân tộc cũng như tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đặc biệt, tác phẩm còn cho thấy tính sáng tạo rất cao của các nghệ nhân Việt Nam khi sử dụng loại vật liệu thân thiện môi trường (vỏ dừa nước) để tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật.
“Với vật liệu đặc biệt này, vào ban ngày, ngay cả khi chưa lên đèn, đây vẫn là một tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh. Buổi tối, khi được thắp sáng, đây lại trở thành một tác phẩm điêu khắc, với ngôn ngữ chạm trổ tinh tế, mang đến cho người xem hai sắc thái trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.
Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phương thức sáng tạo trong nghệ thuật đèn lồng trên thế giới nhưng sáng tạo theo cách của nghệ nhân Việt Nam thì lần đầu chúng tôi được chứng kiến. Đây cũng là điều làm lay động trái tim của các thành viên Ban giám khảo”, bà Chen Jia nhấn mạnh.
Các tác phẩm đèn lồng được thiết kế trong không gian Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025. Ảnh: BTC
Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 được Unesco gọi là lễ hội liên văn hóa
Chia sẻ với Dân Việt, ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng Đại diện Unesco tại Việt Nam cho biết: “Trên phương diện cá nhân tôi cũng như trên phương diện Unesco, chúng tôi đều đánh giá cao tầm quan trọng của Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông, vì đây là dịp để người dân cũng như các quốc gia giao lưu văn hóa.
Đèn lồng cũng là một sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhiều nước không phải chỉ có Việt Nam, nên những cuộc thi như thế này cũng là cơ hội để các nước có thể giao lưu với nhau, người dân các nước giao tiếp, làm quen và tận hưởng không khí của lễ hội.
Tôi biết ở Việt Nam cũng có các Lễ hội có sự xuất hiện của các tác phẩm đèn lồng quy mô lớn, mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách như Lễ hội Đèn lồng ở Hội An, Lễ hội Thành Tuyên ở Tuyên Quang”.
Theo ông Jonathan Wallace Baker, Việt Nam có 16 di sản phi vật thể được Unesco vinh danh, điều đó chứng tỏ chính quyền các cấp rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nên mới gửi nhiều hồ sơ đến Unesco và được Unesco vinh danh nhiều như thế. Đồng thời, Chính phủ và người dân Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này.
“Bởi vậy, tôi cảm thấy mình là người may mắn khi là nhận cương vị Trưởng Đại diện Unesco tại Việt Nam, được làm việc tại một quốc gia mà từ trung ương tới địa phương đều hiểu rõ tầm quan trọng của các loại hình di sản văn hóa và ý nghĩa của sự phát triển các loại hình văn hóa này với sự phát triển kinh tế xã hội”.
Ông Jonathan Wallace Baker nói rằng, Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông được Unesco gọi là lễ hội liên văn hóa, những đối thoại liên văn hóa, không chỉ là trong nước mà còn là với các nước khác.
Mang thông điệp “Thắp sáng vì cuộc sống” – lễ hội này sẽ là một trong những hoạt động có thể đẩy mạnh được thông điệp hòa bình và đoàn kết giữa các quốc gia, vì di sản phi vật thể là một phần của văn hóa và cũng là một phần hướng tới hòa bình.
Cuộc thi thiết kế đèn lồng quốc tế Ocean với chủ đề “Ánh sáng phương Đông – Oriental Light” diễn ra từ ngày 31/10/2024 đến ngày 16/03/2025 đã nhận được sự hưởng ứng từ hàng chục đội thi, đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Thông qua các tác phẩm với nhiều chủ đề đa dạng, các nghệ nhân nổi tiếng đã gửi gắm thông điệp nhân văn “Thắp sáng vì sự sống – Shine for Life”.
Sau vòng sơ khảo diễn ra nghiêm túc, công bằng, Ban Giám khảo đã chọn 15 tác phẩm xuất sắc tham dự vòng Chung kết.
Tại cuộc thi, Việt Nam có 9 đội thi xuất sắc góp mặt vào chung kết là Hội An Craft, Sắc màu Thành Tuyên, Sắc màu Cuộc sống, Quang Minh Tuyên Quang, Văn Giang – Miền quê đáng sống, Lung linh lễ hội thành Tuyên, Di sản văn hóa Kinh Bắc, bà Dương Thị Nga (Tuyên Quang), ông Nguyễn Tấn Phát – Đường Lâm Sơn Tây. Các tác phẩm từ các đội thi Việt Nam đều có điểm chung là tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, tái hiện lịch sử 4.000 năm bằng nghệ thuật ánh sáng. Những vị thần thân thuộc với người dân Việt như: Thánh Gióng, Lạc Long Quân, Chử Đổng Tử đã trở thành niềm cảm hứng khơi nguồn sáng tạo cho các nghệ nhân trẻ tuổi.
Các đội đoạt giải sẽ được trao bằng chứng nhận, giải thưởng (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Trong đó, giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích có tổng trị giá lần lượt là 50.000 USD, 30.000 USD, 20.000 USD và 10.000 USD.