January 22, 2025

Bà Trương Mỹ Lan: “Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không phải do tôi chiếm đoạt”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Hoàng cung Huế dựng nêu đón Tết, đuổi trừ tà ma
  • NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương hát ca khúc mới về Đảng, mùa Xuân và đất nước
  • Phá “đại án”: Cặp vợ chồng lập 9 công ty, tung hàng chục ngàn tấn phân bón giả ra thị trường mỗi năm

  • Ngày 18/11, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã tự bào chữa, khẳng định nhiều khoản tiền trong số hơn 673.000 tỷ đồng bà bị cáo buộc chiếm đoạt từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực chất là dư nợ từ trước khi bà tham gia tái cơ cấu ngân hàng.

    Bà Trương Mỹ Lan phát hiện ra nhiều tình tiết mới

    Bà Trương Mỹ Lan trình bày, từ khi bản án sơ thẩm được công bố, bà chưa được tiếp cận đầy đủ tài liệu để làm rõ trách nhiệm đối với số tiền khổng lồ bị cáo buộc chiếm đoạt. Trong quá trình tiếp cận hồ sơ mới, bà phát hiện 125.000 tỷ đồng trong khoản nợ của SCB có nguồn gốc từ các khoản vay trước khi bà tham gia tái cơ cấu ngân hàng vào năm 2012.

    “Bản án sơ thẩm đã được công bố nhưng tôi không có tài liệu nào để làm rõ số tiền mà tôi bị cáo buộc chiếm đoạt. Hồ sơ vụ án có đến hơn 6 tấn giấy tờ, và luật sư của tôi không thể sao chép hết được”, bà Trương Mỹ Lan bày tỏ trong phần bào chữa bổ sung vào ngày 18/11.

    Bà Trương Mỹ Lan: "Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không phải do tôi chiếm đoạt"- Ảnh 1.

    Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Xuân Huy.

    Bà Lan cho rằng, khi tiếp cận tài liệu mới, bà phát hiện trong số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB (673.000 tỷ đồng) có một khoản nợ gốc 125.000 tỷ đồng từ nhiều khách hàng, tồn tại trước khi bà tham gia tái cơ cấu ngân hàng. Bà không có điều kiện đối chiếu các khoản vay này kể từ khi bị bắt.

    Theo bà, nhiều khoản vay này phát sinh trước thời điểm ba ngân hàng hợp nhất (01/01/2012), một phần là do khách hàng vay trực tiếp từ các ngân hàng cũ, trong đó có khoản vay liên quan đến ông Lê Quang Nhường (cựu Chủ tịch SCB). Sau khi hợp nhất, bà Lan trở thành cổ đông lớn của SCB mới và là người phải “gánh nợ” cho các khoản vay này.

    Bà Lan cho biết các khoản vay tồn tại trước tái cơ cấu lên tới 125.000 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ lớn từ Ngân hàng Đệ Nhất, như Dự án Chợ Vải, lên đến 100.000 tỷ đồng. Tổng cộng có 13 trong số 18 khoản vay mà bà Lan nhớ được, những khoản vay này đều thuộc nhóm bạn bè của ông Nhường, bao gồm Công ty Phương Trang, mà SCB không thể xử lý do thiếu căn cứ pháp lý.

    “Những khoản tiền này hoàn toàn không liên quan đến tôi. Không thể quy kết tôi đã gây thiệt hại hay chiếm đoạt số tiền từ các khoản vay đó”, bà Lan khẳng định và đề nghị HĐXX cho phép đối chất với SCB. Các luật sư của bà sẽ gửi văn bản chi tiết về những khoản nợ này tới HĐXX.

    Chủ tọa phiên tòa đã đề nghị SCB ghi nhận vấn đề này để có thể tranh luận lại với bà Lan.

    Bà Lan cũng cho biết, trong tài liệu mới, bà nhớ ra trước khi bị bắt, bà đã cho SCB mượn ba tòa nhà tại Ba Son và tòa nhà 87 Cống Quỳnh, trị giá khoảng 67.000 tỷ đồng, nhằm cơ cấu cho khoản nợ 65.000 tỷ đồng. “SCB nói đã giải ngân số tiền này cho Vạn Thịnh Phát vào năm 2018, nhưng có chứng cứ nào chứng minh điều này không?”, bà Lan đặt câu hỏi và yêu cầu tòa làm rõ.

    Bà Lan cũng đề cập đến các khoản vay của Công ty Thành Hiếu (thuộc nhóm Phương Trang), khách hàng cũ của SCB từ gần 20 năm trước, hiện đã lên đến 54.000 tỷ đồng, và bà đang bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho khoản nợ này.

    Bà Trương Mỹ Lan: "Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không phải do tôi chiếm đoạt"- Ảnh 2.

    Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: Xuân Huy.

    Tổng số tiền nợ hiện tại đã lên đến hơn 347.800 tỷ đồng và đều được tính vào số tiền tham ô mà bà bị cáo buộc. Bà Lan đề nghị VKS và HĐXX xem xét lại vấn đề này, vì “thời gian của tôi không còn nhiều”.

    Bà Lan cũng dẫn báo cáo của SCB, cho biết từ ngày 18/10/2022 đến 1/4 năm nay, ngân hàng đã thu nợ và bán nợ trả chậm, thu được hơn 21.595 tỷ đồng, trong đó có hơn 19.000 tỷ đồng là nợ gốc. Tuy nhiên, số tiền này chưa được trừ vào khoản tiền bà bị cáo buộc chiếm đoạt.

    Chủ tịch Vạn Thịnh Phát khẳng định, để xác định thiệt hại của vụ án, SCB phải thanh lý và bán hết tài sản thế chấp, nhưng hiện tại SCB chưa thực hiện điều này. Các cơ quan tố tụng lại cáo buộc bà chiếm đoạt số tiền như trong bản án sơ thẩm. Hiện tại, theo kết luận điều tra và cáo trạng, tổng tài sản của SCB là 714.000 tỷ đồng; nếu trừ đi 673.000 tỷ đồng bị cáo buộc là trách nhiệm của bà, thì không còn thiệt hại.

    “Bản án sơ thẩm cho rằng SCB là của tôi, và tôi chiếm hơn 91% cổ phần. Nhưng giờ tôi lại phải chịu trách nhiệm toàn bộ nợ gốc và lãi của SCB”, bà Lan nói và cho biết, trong số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt, hơn 70% là dư nợ lãi.

    “Bà mong rằng các tình tiết giảm nhẹ được ghi nhận trong phần luận tội của VKS sẽ được áp dụng cho mình và các bị cáo khác trong tội Tham ô tài sản. Dù tôi có cố gắng thế nào, nếu chỉ được giảm nhẹ tội Vi phạm quy định về cho vay thì cũng không có ý nghĩa gì”, bà Lan nhấn mạnh.

    Luật sư bào chữa cho bà Lan đề nghị xem xét lại cáo buộc 

    Trong phần bào chữa bổ sung cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh đã đưa ra những luận điểm phản bác cáo buộc của Viện Kiểm sát, đồng thời kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cần xem xét lại các khoản nợ cũng như giá trị tài sản của thân chủ.

    Bà Trương Mỹ Lan: "Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không phải do tôi chiếm đoạt"- Ảnh 3.

    Luật sư Giang Hồng Thanh (phải) bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Xuân Huy.

    Luật sư Thanh dẫn chứng, số liệu về khoản thu hồi nợ 21.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB được ghi nhận trong công văn ngày 8/7/2024, do chính SCB báo cáo. Theo ông, SCB đã gộp toàn bộ khoản nợ từ trước khi các ngân hàng hợp nhất vào số tiền bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt là không chính xác. Trong tổng số 415.000 tỷ đồng, cần phải trừ đi các khoản nợ hình thành trước khi ngân hàng tái cơ cấu.

    Luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ bốn khoản cần xem xét loại trừ bao gồm: Khoảng 100.000 tỷ đồng từ 13/18 dự án (liên quan các công ty Thành Hiếu, Thành Phát, Âu Lạc – Hạ Long…); 65.000 tỷ đồng là các khoản vay của khách hàng khác, không liên quan đến bà Lan; Tài sản hiện hữu của SCB trị giá 45.000 tỷ đồng; Tài sản gán nợ SCB trị giá khoảng 32.000 tỷ đồng và khoản dự phòng rủi ro hao mòn tài sản cố định 21.000 tỷ đồng.

    “Những khoản này đều nằm trong SCB nhưng bị cộng gộp để cáo buộc bà Lan chiếm đoạt là không đúng,” ông Thanh nhấn mạnh, đồng thời khẳng định bà Lan vẫn cam kết chịu trách nhiệm với toàn bộ khoản nợ thuộc trách nhiệm thực tế của mình.

    Luật sư Thanh cũng phản biện quan điểm của VKS về việc khắc phục hậu quả không đủ để giảm án tử hình là “đúng với quy định pháp luật nhưng chưa phù hợp với thực tế vụ án.” Ông cho rằng toàn bộ tài sản của bà Lan hiện đang bị kê biên, khiến bị cáo không thể tiếp cận hoặc sử dụng để khắc phục hậu quả.

    “Yêu cầu bà Lan nộp ngay số tiền mặt tương đương 3/4 thiệt hại là điều không thể thực hiện,” luật sư Thanh nêu rõ, đồng thời đề xuất HĐXX áp dụng cơ chế đặc thù, phù hợp với vụ án này.

    Bà Trương Mỹ Lan: "Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không phải do tôi chiếm đoạt"- Ảnh 4.

    Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Ảnh: Xuân Huy.

    Theo ông Thanh, ước tính giá trị tài sản kê biên của bà Lan hiện đạt khoảng 700.000 tỷ đồng, đủ để khắc phục toàn bộ thiệt hại. Đặc biệt, do sự biến động của giá đất theo bảng giá mới do UBND TP.HCM ban hành, giá trị các tài sản này đã tăng từ 3 đến 5 lần so với trước đây. Ông kiến nghị cần định giá lại các tài sản bị kê biên để có cơ sở giải quyết vụ án hợp lý hơn.

    Luật sư Thanh cũng nhắc đến việc Quốc hội vừa thông qua dự thảo nghị quyết về xử lý vật chứng trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, ông bày tỏ tiếc nuối khi bà Lan chưa được áp dụng các quy định mới này.

    Nhiều người bạn nước ngoài sẵn sàng chuyển tiền giúp bà Lan khắc phục hậu quả

    Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang tiếp tục trình bày, cho đến nay vẫn có những nhà đầu tư đang làm việc với bà Lan về việc đầu tư vào các dự án của bà, giúp bà có nguồn vốn khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, về tòa nhà số 29 Liễu Giai (Hà Nội), một nhà đầu tư nước ngoài đã gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước xin phép chuyển tiền từ nước ngoài để cho bà Lan vay. Sau khi trừ đi các khoản nợ với ngân hàng nước ngoài, phần dư sẽ được dùng để khắc phục thiệt hại của vụ án.

    Tương tự, đối với dự án 6A khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh (chưa có khoản vay nào thế chấp tài sản), cũng có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 40.000 tỷ đồng để mua và giúp bà Lan khắc phục hậu quả.

    “Nếu án tử hình được tuyên với bà Lan, trong điều kiện giam giữ của một bị án phải thi hành án tử hình, bà Lan sẽ rất khó có cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài để xử lý tài sản và khắc phục hậu quả”, luật sư Trang nhấn mạnh.

    Sau phần trình bày của bà Lan và các luật sư, đại diện VKS yêu cầu SCB cung cấp một số tài liệu để làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, SCB cần cung cấp số liệu về nợ cũ trước khi ba ngân hàng hợp nhất; số nợ tại SCB tính đến ngày 31/12/2017; số nợ chuyển sang giai đoạn 2018; và trong tổng số dư nợ từ 1/1/2018 đến ngày khởi tố vụ án (7/10/2022), có bao nhiêu khoản vay dùng để đảo nợ, bà Lan rút ra bao nhiêu… SCB đã đồng ý sẽ cung cấp các tài liệu này cho VKS và HĐXX.

    Trước đó, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, cho rằng bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi. Vì vậy, dù có tình tiết giảm nhẹ, VKS vẫn không đủ căn cứ để giảm án đối với hai tội danh còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt, bà Lan sẽ phải chịu án tử hình.

    Nguồn: Sưu tầm