Trao đổi với Dân Việt về chuyện ngày càng có nhiều người trong giới nghệ thuật biểu diễn sa ngã vào các tệ nạn, nhất là ma túy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nói chung và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có những chia sẻ rất riêng.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ông nhìn nhận như thế nào về chuyện vừa qua có một số nhân vật tham gia lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bị bắt vì ma túy hoặc sử dụng chất kích thích?
– Tôi thấy trên mạng hiện nay có nhiều người gọi chung những bị bắt vì dính dáng đến ma túy là nghệ sĩ, điều này không đúng. Họ là những người tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn mà thôi. Chúng ta gọi đúng, gọi trúng để tránh hiểu sai khái niệm “nghệ sĩ”.
Vấn đề về ma túy hiện nay đang là vấn đề nhức nhối và cũng là vấn đề khá nhạy cảm. Vừa rồi, tôi có tham gia Hội nghị cung cấp thông tin về cuộc thi “Trường học không ma túy” do Cục CSĐT tội phạm về ma túy – C04 (Bộ Công an) đồng chủ trì với Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Ban Khoa Giáo (Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức. Chương trình nhằm truyền thông về những tác hại và hiểm họa của ma túy đến các bạn trẻ, nhất là đối tượng học sinh – sinh viên. Ma túy hiện đang ẩn náu, ẩn nấp, trá hình dưới rất nhiều hình dạng như: thuốc lá điện tử, kẹo, bóng, khí…
Pháp luật của chúng ta đã có những quy định rất rõ ràng, thậm chí xử phạt rất nặng… nhưng ma túy vẫn len lỏi vào học đường và đời sống. Ma túy đang tác động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ.
Phải khẳng định, những người đang sử dụng ma túy và biết thứ mình sử dụng là ma túy mà vẫn “lao vào” là những người đang có những nhận thức không đầy đủ, không đúng đắn. Từ việc sử dụng ma túy đến tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy là rất gần. Cái này là cái không “bênh” được. Kể cả những người thân trong gia đình cũng không “bênh” được. Mình biết rõ mười mươi, sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật, là không được phép nhưng vẫn cố tình làm là không có lí do gì để biện minh được.
Riêng về những bạn có những ảnh hưởng xã hội nhất định mà dính vào những vụ việc như vừa qua thực sự rất đáng tiếc và đáng buồn. Đáng tiếc vì họ đã tự đóng sập cánh cửa tương lai của họ. Đáng buồn là họ đã tạo ra những thông tin tiêu cực đối với xã hội. Rồi cả đáng trách, đáng giận, đáng thương nữa.
Phải nói là nhiều bạn có lối sống buông thả, không xây dựng được cho mình một lối sống lành mạnh… nên sa đà vào nghiện ngập, vào con đường ma túy.
Đối với những người nghiện ma túy nói chung, chúng ta đã có những chế tài, những quy định xử lý. Cái chính là đối với những người nghiện đã nhận thức được lỗi lầm, sẵn sàng làm lại cuộc đời thì chúng ta nên mở lòng với họ, không nên phân biệt, kỳ thị… mà hãy giúp họ làm lại cuộc đời.
Với trường hợp “cô tiên từ thiện” Nguyễn Đỗ Trúc Phương, tôi là người tham gia xét giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của bạn này với tư cách Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Sau khi Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị cơ quan điều tra bắt vì liên quan đến ma túy thì ngay lập tức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ra công văn thu hồi giải thưởng theo quy chế. Khi xét tặng giải thưởng thì chúng tôi chưa biết sự việc, chỉ nhìn thấy những điều tích cực mà bạn đã làm cho cộng đồng nên xét thấy đủ tiêu chí thì chúng tôi trao giải. Giờ vi phạm pháp luật thì phải tước bỏ theo quy chế.
Mong rằng, các bạn ấy nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức làm lại cuộc đời. Không nên bi quan vào tương lai khi mình thực sự hối cải. Ai cũng có những vấp ngã và mắc những lỗi lầm nhưng quan trọng nhất là mình biết mình vấp ngã ở đâu và quyết tâm đứng lên ở đó.
Ở nhiều nền giải trí phát triển như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… thì khi các ngôi sao vướng phải tệ nạn, nhất là ma túy đều bị tẩy chay, phong sát rất mạnh mẽ. Theo ông, liệu Việt Nam cũng đã đến lúc cần phải áp dụng những hình phạt đó nhằm chấn chỉnh lại sự bát nháo của showbiz?
– Hiện nay, Bộ VHTTDL đang kết hợp với Bộ TT&TT cùng một số cơ quan, đơn vị đang rà soát, nghiên cứu để có những chế tài mang tính chặt chẽ hơn để xử lí những vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội… của những người tham gia hoạt động biểu diễn.
Mong muốn của xã hội, cộng đồng… rất trùng hợp với mong muốn của các nhà quản lý. Vì đó đều là những điều cần làm, sẽ làm và phải làm. Tất nhiên là cần phải có thời gian để nghiên cứu, rà soát và thảo luận để làm sao đưa ra được những chế tài, những khung pháp lý phù hợp, đầy đủ.
Mục đích chính của những điều này là để tạo ra một môi trường tốt cho các hoạt động nghệ thuật, cho sự phát triển. Sự phát triển này là sự phát triển bền vững, đúng hướng, nêu bật được các giá trị của văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó cũng tạo ra những điều kiện cần và đủ để tiệm cận được với văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Thông qua đó làm nổi bật lên các giá trị của văn hóa Việt Nam chúng ta.
Điều mà rất nhiều người quan tâm là trước rất nhiều vụ bê bối liên quan đến những người hoạt động nghệ thuật biểu diễn xảy ra thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì để trả lại sự lành mạnh và trong sạch cho môi trường này?
– Tôi nghĩ rằng, có 3 việc cần làm đó là phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về pháp luật để nâng cao nhận thức của mỗi người khi tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Vì như chúng ta thấy, đã có rất nhiều vụ vi phạm xuất phát từ việc không hiểu biết về pháp luật.
Thứ nữa, cần nâng cao nhận thức về đạo đức, văn hóa và trách nhiệm của người làm nghề. Một khi đã tham gia nghệ thuật biểu diễn thì phải có đạo đức trong làm nghề, có ý thức giữ gìn hình ảnh và có lối sống lành mạnh.
Ngoài ra, điều cực kỳ quan trọng đó là cần phải nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội của mỗi người trong thời đại mới. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách nhằm xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới gắn với sự phát triển toàn diện.
Trong đó, chú trọng về giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi; nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của con người Việt Nam…
Tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc nâng cao ý thức của những người tham gia nghệ thuật biểu diễn, lại có những hành lang pháp lý để kịp thời điều chỉnh những nhận thức hoặc hành vi không phù hợp, môi trường nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ được “gạn đục khơi trong” hơn. Chúng ta sẽ “gạn đục khơi trong”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, nâng cao chất lượng trong môi trường văn hóa. Từ đó, các câu chuyện lùm xùm, bê bối cũng sẽ được chấn chỉnh kịp thời và hạn chế hơn.
Cảm ơn Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc đã chia sẻ thông tin!