Tối qua (15/11), Viện Pháp tại Việt Nam và Lumière d’août công diễn vở kịch Những thân thể nhiễm độc của đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn tại Hà Nội. Tác phẩm tái hiện hành trình của bà Trần Tố Nga, một phụ nữ Việt Nam kiên cường dấn thân vào nhiều cuộc chiến: Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến bảo vệ nữ quyền, bảo vệ hệ sinh thái.
Thuộc thể loại kịch độc thoại, nữ diễn viên trẻ người Pháp gốc Nhật – Việt Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné thủ vai Trần Tố Nga, tái hiện hình ảnh bà ở nhiều mốc thời gian, độ tuổi khác nhau, với hàng loạt cung bậc cảm xúc: hạnh phúc, háo hức, đau xót và cô độc… Tham gia vở kịch này, Agélina có độ tuổi cùng với nhân vật Trần Tố Nga tại thời điểm bà là chiến sĩ vùng du kích, đang cống hiến cả tuổi xuân cho khát khao độc lập và thống nhất dân tộc.
Dựa trên cuốn sách của bà Trần Tố Nga, đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn đã đưa vào vở kịch những tình tiết và ngôn từ đắt giá, tạo cảm xúc liền mạch cho vở kịch. Bắt đầu với hình ảnh bà Trần Tố Nga trong phiên tòa tố cáo tội ác của 14 tập đoàn hóa chất Mỹ gieo rắc chất độc da cam vào Việt Nam, tác phẩm dần đưa người xem quay lại hành trình cuộc đời bà, từ lúc nằm trong bào thai tới thời niên thiếu, đến những ngày hòa mình vào cuộc chiến của toàn dân tộc.
Đúng như cách bà Trần Tố Nga chia sẻ với Dân Việt, vở kịch Những thân thể nhiễm độc nói về cuộc đời bà, nhưng qua đó phác họa rõ nét hình ảnh đất nước Việt Nam qua hai cuộc chiến. Tại đó, những con người khác nhau hiện lên qua lời kể của nhân vật chính. Họ có thể đứng bên này, bên kia chiến tuyến, có thể xuất hiện nhiều lần hay thoáng qua, nhưng đều chung một nỗi ám ảnh: chiến tranh và tội ác da cam.
Trong Những thân thể nhiễm độc, những người Việt Nam hiện lên mạnh mẽ, kiên cường trong đau thương. Đó là mẹ bà Trần Tố Nga, người luôn chia sẻ với con như một người bạn, cứng cỏi trong phút phải rời xa con gái: “Mẹ tranh đấu vì hạnh phúc các con. Nhất định không khóc”. Đó là người lính tử nạn trên chiến trường, khi từ trần không một lời than vãn… Đó cũng chính là Trần Tố Nga, khi sinh con trong bệnh viện nhà giam, dù chịu cảnh thiếu thốn và áp bức, bà tự nhắn nhủ mình “phải giữ được khí tiết”.
Vở kịch đẩy lên cao trào và khiến nhiều khán giả rơi nước mắt bởi phân cảnh bà Trần Tố Nga mất con và hành trình bà đi tìm mộ mẹ. Ở phần cuối vở kịch, giọng nói thật của bà vang lên, tạo nên những giây phút sâu lắng và tràn ngập xúc cảm. Dù trải qua nhiều nỗi đau, mất mát, thân thể mang hàng loạt loại bệnh, Trần Tố Nga vẫn khẳng định mình may mắn. Cũng bởi may mắn ấy, bà thấy mình có trách nhiệm phải chiến đấu vì cộng đồng, vì những người đồng bào đang hàng ngày chống chọi với cuộc sống trong một thân thể nhiễm độc.
“Dũng cảm, kiên nhẫn và hi vọng” – bà Trần Tố Nga nói về cuộc chiến của mình. Hình ảnh bà đứng trước những người ủng hộ, sau đó trở thành cái kết tuyệt đẹp cho tác phẩm.
Để tái hiện lại một Việt Nam khốc liệt và kiên cường trong thời kỳ chiến tranh, Những thân thể nhiễm độc dùng hiệu ứng ánh sáng, phối cảnh và các đoạn video chắt lọc. Nhằm biểu đạt cảm xúc nhân vật, Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné tận dụng tối đa ngôn ngữ hình thể và những biểu cảm trên gương mặt. Dù không thể nói tiếng Việt, cô cất tiếng hát một đoạn dài trong ca khúc Bước chân trên dải Trường Sơn (nhạc sĩ Vũ Trọng Hối): “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi nhằm phương Nam/ Gió ngàn đưa chân ta về quê hương/ Quân về trong gió đang dâng triều lên/ Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Trong một số phân đoạn, có thể thấy nữ diễn viên run rẩy, đau xót, phẫn nộ cùng nhân vật.
Đêm diễn quy tụ đông đảo khán giả, trong đó có nhiều người ở độ tuổi 18 – 30. Chia sẻ với Dân Việt, ông Bùi Vạn Trân (89 tuổi, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, ông cùng những người bạn đã cùng nhau hỗ trợ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại mảnh đất quê hương – tỉnh Quảng Ngãi. Trong mỗi chuyến đi thăm, tặng quà, ông đều gặp những cảnh đời đặc biệt, những con người phải đương đầu với khó khăn, bệnh tật: “Cũng bởi vậy, khi xem vở kịch này, tôi càng cảm phục hơn hành trình đòi công lý của bà Trần Tố Nga, đồng cảm hơn với những nỗi đau của đồng bào. Tôi trân trọng tài năng của đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn, diễn viên Angélica-Kiyomi khi họ đưa tới khán giả những thông điệp đầy cảm xúc”.
Trong khi đó, Nguyễn Anh Hiền (20 tuổi, ĐHKHXH&NV Hà Nội) cho biết vở kịch lan tỏa tình yêu đất nước và lịch sử dân tộc: “Hành trình của bà Trần Tố Nga truyền cảm hứng mạnh mẽ cho em và những người bạn, khiến chúng em thêm dũng cảm và kiên nhẫn ở chặng đường phía trước của mình – như cách bà nhắn nhủ trong tác phẩm”.