8h10, mở đầu chương trình là đại cảnh nghệ thuật “Ta đi tới” với những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!” – trích “Ta đi tới”.
Phía điểm cầu Cà Mau là những tấm áo dài tay mẹ vội may, những chiếc ba lô với hành trang đơn sơ… Những phút giây bịn rịn, tạm biệt chia xa. Họ giơ 2 ngón tay để chào tạm biệt nhau và cũng để hẹn nhau 2 năm nữa, đất nước sẽ thống nhất, gia đình sẽ đoàn tụ.
Những nắm đất miền Nam được gửi trao cho người con miền Nam đem ra miền Bắc để vơi nỗi nhớ quê.
“Tiễn con ra tận bến tàu
Đưa con một gói đất nâu
Vịn vai mẹ dặn:
Con về Thủ đô
Đem dâng Cụ Hồ
Gói đất miền Nam
Thưa dù núi cách, sông ngăn
Đồng bào Nam Bộ vẫn gần bên Cha
Tình yêu thắm thiết đậm đà
Nam là của Bắc, Bắc là của Nam” – Trích “Gói đất miền Nam” của tác giả Xuân Miễn.
Điểm cầu Thanh Hoá: Từ tiếng còi tàu vang xa, những cái vẫy tay rộn ràng, hồ hởi, đón đồng bào miền Nam đến với mảnh đất miền Bắc. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, đón nhau trong tình yêu thương vô bờ.
Lời Bác Hồ vọng vang: “Gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc. Hôm nay các cụ, các cô, các chú và các cháu đã ra đến nơi, tôi thân ái gửi lời hoan nghênh tất cả mọi người.
Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà” – Trích thư “Bác Hồ viết gửi đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc” ngày 21/9/1954.
Nhân dân san lấp đường, dựng cột kèo, làm lán trại, đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Kết thúc là những khẩu hiệu vẫy chào của bà con Thanh Hoá.
Điểm cầu Hải Phòng xuất hiện với hình ảnh Trường Học sinh miền Nam – hình ảnh gợi nhắc bao ký ức thân thương về một thời đẹp đẽ và đáng nhớ trong lòng những người con miền Nam tập kết ra Bắc thời đó. Từ ngôi trường này khi tiếng trống trường vang lên, học sinh ùa vào, không khí đón tiếp học sinh rộn ràng, náo nức. Các học sinh cùng nghêu ngao đọc thơ:
“Kìa chú là chú ếch con, có hai là hai mắt tròn.
Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan.
Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron.
Tung tăng chiếc vây son nhịp theo tiếng ếch vang giòn” – Trích bài thơ “Chú ếch con” – một bài thơ do nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác khi đang học tại Trường Học sinh miền Nam.
Các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng đều treo bảng khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh miền Nam”. Thầy trò cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, những lá thư má gửi, những tấm ảnh chụp vội gửi về cho gia đình yên tâm đang được dán cẩn thận trong những phong thư.
Nhiều câu chuyện xúc động về học sinh miền Nam tập kết ra Bắc lần đầu được kể
Chương trình truyền hình kỷ niệm 70 năm “Tập kết ra Bắc – Tình sâu nghĩa nặng” do Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện. Chương trình được thực hiện ở điểm cầu Cà Mau là tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Thanh Hóa là tượng đài “Con tàu Tập kết ra Bắc”, cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng là Nhà hát lớn TP. Hải Phòng.
Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm “Tập kết ra Bắc – Tình sâu nghĩa nặng” gồm 3 chương, trong đó chương 1 với chủ đề “Khát vọng thống nhất” là câu chuyện bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc, những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân.
Chương 2 với chủ đề “Một dải sắt son” thể hiện tinh thần, trước quyết định tập kết ra Bắc, lượng quân và dân cả nước cùng chung một lòng quyết tâm thực hiện bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Chương 3 “Rạng danh Việt Nam”, truyền tải ý nghĩa của sự kiện tập kết ra mắt đã trở thành bài học lịch sử cho việc xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
Chương trình ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc, với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc; đồng thời, nêu bật ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Quyết định đưa cán bộ, chiến sỹ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam – Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một.
Chương trình cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và nâng cao vị thế, uy tín của thành phố đối với bạn bè trong nước và quốc tế.