Lý do nào cho sự sa ngã?
Mới đây, sau khi ca sĩ Chi Dân bị bắt giữ vì liên quan tới ma túy, Only C đăng đàn cho biết anh từng nhiều lần khuyên bảo Chi Dân nhưng bất thành. Đồng thời, nam nhạc sĩ bày tỏ nỗi buồn và sự thất vọng khi thấy những hình ảnh mới nhất của đồng nghiệp lan truyền trên mạng xã hội.
Theo đó, Only C cho hay: “Lần nào gọi điện, tôi cũng khuyên Chi Dân. Tôi đã nói với em rằng nếu như có đang sử dụng thì hãy dừng lại, nhưng em nói em không sử dụng. Tôi thấy xót cho người em bởi bạn ấy còn quá trẻ, không nhìn thấy được tác hại của những thứ đó. Thứ hai, tôi xót vì anh em nghệ sĩ từng ngày đang sống rất sạch, không vướng vào chất kích thích nay lại bị đánh đồng, sẽ có không ít khán giả nghĩ giới nghệ sĩ là như vậy”.
Lo ngại của Only C không phải điều vô cớ. Trước khi hai nghệ sĩ trẻ Andrea Abar, Chi Dân bị bắt vì liên quan tới ma tuý, những chia sẻ của Nguyễn Đức – một ca sĩ nổi tiếng cuối thập niên 90, đầu 20 trong một chương trình truyền hình vào tháng 8/2024 gây xôn xao dư luận. Anh thổ lộ mình bị bạn bè xấu dụ dỗ vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng tại vũ trường khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp, dẫn tới nghiện ngập, phải bán hết nhà cửa, tới mức không còn gì và phải nhập viện, tưởng không qua khỏi. Nam nghệ sĩ thậm chí phải xin mẹ từ 10 nghìn đồng để mua mì gói ăn, uống nước ở toilet.
Hiện tại Nguyễn Đức đã lấy lại cuộc sống nhờ tu theo Phật pháp, tuy vậy danh tiếng của anh không thể trở lại.
Thời điểm cuối tháng 4/2007, danh hài Hiệp “gà” bị bắt vì tội tàng trữ chất ma túy trái phép. Anh giãi bày lý do vướng vào chất cấm là bởi nghe theo lời bạn tìm cách vượt qua cơn đau do chấn thương khi đá bóng, không ngờ sau đó, anh lại bị lệ thuộc quá nhiều vào chất gây nghiện.
Trong khi đó, các người đẹp bị bắt vì tham gia bán dâm thường đưa ra lý do kiếm tiền quá dễ dàng: “Tiền cát-xê hàng tháng, em đi diễn chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng. Đóng mỗi bộ phim thì được khoảng 10 triệu đồng. Với số tiền kiếm được mỗi lần đi khách, em có thể mua sắm nhiều thứ. Em định sẽ làm vài tháng, khi nào mua được nhà và xe ôtô thì em sẽ dừng lại” – người mẫu H.H, người từng bị bắt vì bán dâm chia sẻ.
Trò chuyện với Dân Việt, hoa hậu Phan Hoàng Thu từng ngậm ngùi nhận định: “Cám dỗ của vật chất là quá lớn. Việc bạn bè, đồng nghiệp xung quanh có những thứ mà mình không có, trong khi chuẩn mực đạo đức không còn quá khắt khe khiến họ sẵn sàng đánh đổi. Nói chung, showbiz là một môi trường phức tạp, tôi cũng không có ý định cho con cái mình bước chân vào lĩnh vực này”.
Lạm dụng chất gây nghiện không phải hệ quả của thu nhập cao
Trò chuyện với Dân Việt, một nghệ sĩ xin phép được giấu tên chia sẻ tâm trạng buồn bã khi nhiều đồng nghiệp dính vào ma tuý. Cô cho biết: “Tôi đã từng nhận lời rủ rê thử chất cấm để tăng cảm hứng sáng tạo, thậm chí họ nói sẽ không dễ gây nghiện. Tuy vậy, tôi may mắn khi đã kiên quyết cự tuyệt, xa rời những người bạn đó. Thực tế, những người nổi tiếng sa ngã chỉ là số ít. Đa số đều yêu nghề, hết lòng vì nghệ thuật”.
Trên tờ Korea Times, ông Kim Hyeong Geun (Viện Tâm lý học – Cai nghiện ma túy Seoul) từng lý giải nguyên nhân người nổi tiếng vướng vào tệ nạn: “Nhiều nghệ sĩ cảm thấy công việc không được đảm bảo khi thu nhập phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng. Họ bị cám dỗ sử dụng ma túy để trấn an bản thân mỗi khi cảm thấy bị cô lập và chật vật trước một tương lai không chắc chắc”.
Trước nhận định này, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, người từng quản lý nhiều nghệ sĩ cho rằng đó không hẳn là nguyên nhân cho sự sa ngã: “Nghệ sĩ là những cá nhân phải cân bằng giữa kỳ vọng của công chúng và áp lực trong cuộc sống riêng tư. Áp lực thành công, sự nổi tiếng, và cường độ công việc cao có thể tạo ra một môi trường dễ khiến họ đi chệch hướng. Tuy nhiên, điều này không chỉ nằm ở cá nhân nghệ sĩ mà còn phản ánh những thách thức trong việc hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người nổi tiếng. Với mỗi chiến dịch, tôi và đội ngũ đều cố gắng tạo ra không gian làm việc tích cực, nhưng có lẽ toàn ngành cần nhìn nhận lại và phát triển thêm những cơ chế hỗ trợ, giúp nghệ sĩ duy trì được sự ổn định và lành mạnh hơn”.
Ông Minh nói thêm: “Thu nhập cao có thể là yếu tố, nhưng điều quan trọng hơn nằm ở cách mỗi người sử dụng tài chính và kiểm soát bản thân. Là người làm trong ngành, tôi thấy không ít nghệ sĩ dùng thu nhập để đầu tư lại cho sự nghiệp, cho các dự án cộng đồng, hoặc hỗ trợ gia đình. Chúng ta cần nhìn nhận rằng việc lạm dụng chất gây nghiện không phải là một “hệ quả tất yếu” của thu nhập cao.
Thay vào đó, môi trường làm việc không lành mạnh, thiếu đi sự hỗ trợ đúng cách từ gia đình và đồng nghiệp mới là yếu tố dễ dẫn đến những vấp ngã. Để phòng tránh điều này, không chỉ nghệ sĩ mà các đơn vị quản lý và những người xung quanh cũng cần hỗ trợ họ trong việc cân bằng cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng trước tiên, mỗi nghệ sĩ cần luôn đặt cho mình một cách “báo thức” cần phải được nhắc đi nhắc lại trong đầu mỗi khi có dấu hiệu cám dỗ nhất định” – ông khẳng định.
Ông Minh cũng cho rằng hành động của người nổi tiếng có tác động rất lớn đến giới trẻ. “Họ là những hình mẫu mà nhiều người hâm mộ nhìn vào, bởi vậy cần ý thức rõ rệt trách nhiệm từ phía nghệ sĩ lẫn hệ sinh thái xung quanh. Để giữ cho showbiz “sạch” hơn, tôi nghĩ điều quan trọng là cần một hệ thống hỗ trợ bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp và tâm lý, điều nghe còn mới mẻ, nhưng rất bình thường ở các nước showbiz phát triển, và đang thiếu trầm trọng ở showbiz Việt.
Ở một số thị trường phát triển, các nghệ sĩ được tham gia vào những chương trình huấn luyện về kỹ năng sống, tâm lý và xử lý áp lực. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có thể áp dụng những mô hình tương tự. Đồng thời, truyền thông cũng cần tham gia có trách nhiệm, định hướng dư luận theo hướng tích cực, tránh lan truyền những nội dung tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nghệ sĩ và cả giới trẻ. Rất nhiều các sự việc gần đây cho thấy bản thân nghệ sĩ cũng “mất bò mới lo làm chuồng”, không có kỷ luật được rèn luyện hay hàng rào bảo vệ tối thiểu”.