January 22, 2025

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Việt Nam giành giải Nobel văn chương vẫn chỉ là giấc mơ!

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Nóng: Triệt xóa đường dây “rửa tiền” gần 30 nghìn tỷ đồng – lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng
  • Diva Hồng Nhung điều trị căn bệnh ung thư
  • Hoàng cung Huế dựng nêu đón Tết, đuổi trừ tà ma

  • Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tôi không phải người ảo tưởng”

    Vừa qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa gây chú ý khi chia sẻ rằng, Việt Nam có thể giành giải Nobel văn chương. Lý do nào khiến ông cho rằng Việt Nam có thể đạt được điều này?  

    – Đấy là thông tin không chính xác. Tôi không phải người ảo tưởng. Và tôi cũng chưa bao giờ dám khẳng định rằng, Việt Nam sẽ có giải Nobel, mặc dù chúng ta không phải không có những tài năng lớn. Văn chương của chúng ta cũng rất xuất sắc, đặc biệt là thơ và truyện ngắn, chúng ta không thua thiên hạ.

    Đấy là tôi nói những tác giả, tác phẩm ở đỉnh cao, chứ không phải mặt bằng làng nhàng. Tiểu thuyết thì còn vất vả lắm, trừ “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh, còn những cuốn đặc sắc khác, phải nói rất hay như: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thời xa vắng” của Lê Lựu…

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Việt Nam giành giải Nobel văn chương vẫn chỉ là giấc mơ!- Ảnh 1.

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa. (Ảnh: HTL)

    Và để giành giải Nobel văn chương sẽ cần rất nhiều yếu tố, trong đó điều quan trọng nhất là phải có tài năng lớn, có tác phẩm lớn đề cập đến những vấn đề có tính toàn cầu. Một vấn đề nữa quan trọng là việc dịch thuật để tác phẩm ra thế giới. Tiếng Việt rất hay, rất phong phú nhưng lại là ngôn ngữ “hẻo lánh”, rất khó hiểu đối với người nước ngoài. Vì thế với Việt Nam, giành giải Nobel văn chương vẫn chỉ là giấc mơ.

    Tôi tin những tác phẩm ấy nếu dịch ra nước ngoài sẽ mất mát rất nhiều, vì cái hay của những tác phẩm ấy không thể dịch được. Bạn đọc nước ngoài cũng khó đồng cảm được vì họ không sống trong bầu khí quyển của ta, không hiểu xã hội ta nên khó lắm.

    Người ta cứ nói, cần phải phấn đấu để có tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc. Cái đó rất cần, nhưng không đủ đâu, mà cái cần nhất của văn học Việt Nam bây giờ là cần phải có tính nhân loại. Nhờ có tính nhân loại chúng ta mới thoát ra khỏi những vũng ao đầm mà ra được với thế giới rộng lớn.

    Theo ông, văn học Việt Nam ngoài yếu tố tài năng, có tính nhân loại thì cần đến những điều gì?

    – Có tài năng lớn, có tác phẩm lớn và cần phải có những bản dịch hay. Dịch dở cũng sẽ hỏng tác phẩm. Nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên từng than thở: “Nghe nói có nhà thơ nổi tiếng/ Bỏ mấy trăm ngàn ra mua/ Đọc chẳng hiểu gì hết/ Mới hay mình bị lừa/ Bị lừa bởi thằng dịch chết dịch/ Đã dốt còn dịch bừa/ Tiền nó bỏ vô túi/ Còn thơ giả cho nhà thơ/ Chúng ta chết bởi những thằng trung gian ấy/ Không trung mà lại gian/ Bao nhiêu thiên tài rơi vào tay chúng/ Chẳng có ma nào còn”. 

    Dịch xuôi từ tiếng nước ngoài vào tiếng Việt còn khó thế đấy, dịch ngược từ văn chương ta ra tiếng nước ngoài còn khó hơn nhiều. Để giải quyết được khâu này, phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Nghĩa là phải có kinh phí, không có thì không xong đâu. Vì chúng ta phải hợp tác với bạn. Trước tiên, người Việt phải dịch ra nước ngoài và muốn thế phải rất giỏi ngoại ngữ. 

    Người Việt mới hiểu được tiếng Việt, tâm hồn Việt, tính dư ba của văn chương Việt, người nước ngoài dù rất giỏi tiếng Việt cũng không tường tận được đâu. Tiếng Việt khó lắm, ngoắt ngoéo và đa nghĩa, dư ba. Sau đó, chúng ta phải hợp tác với người nước ngoài, phải thuê họ hiệu đính và người này cũng phải có tài văn mới hoàn thiện được bản dịch. 

    Chỉ giỏi tiếng mà không có tài văn cũng không làm được đâu. Nhà thơ đầu tiên của châu Á giành được giải Nobel là ông Rabindranath Tagore. Ông Rabindranath Tagore người Ấn độ, nhưng lại sáng tác cả bằng tiếng Anh, là ngôn ngữ thông dụng của thế giới. Nếu ông không tự dịch thơ mình ra tiếng Anh thì liệu ông có giải Nobel không? Nếu để người khác dịch thì dù dịch giỏi thế nào cũng không bằng ông được.

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Việt Nam giành giải Nobel văn chương vẫn chỉ là giấc mơ!- Ảnh 2.

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, muốn có giải Nobel thì yếu tố đầu tiên phải có là tài năng, có tác phẩm lớn và cần phải có những bản dịch hay. (Ảnh: P.H)

    Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tôi cũng không phải người dở hơi để khẳng định một cách liều lĩnh”

    Ông từng chia sẻ, muốn đoạt giải Nobel văn chương, các cây bút trẻ chỉ cần 1% tài năng, còn 99% vốn ngoại ngữ và nỗ lực? Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

    – Tôi cũng không phải người dở hơi để khẳng định một cách liều lĩnh như vậy. Như ở trên tôi đã nói, muốn có Nobel thì yếu tố đầu tiên phải có là tài năng và tài năng lớn. Không phải 1% tài năng mà phải 100% tài năng của người viết cộng với 100 % tài năng của người dịch. Không có hai yếu tố đó, không xong. Tôi rất kỳ vọng ở các cây bút trẻ. Nhiều em rất giỏi ngoại ngữ. Có em sinh ra ở nước ngoài, sống và học ở nước ngoài, nói tiếng nước ngoài như tiếng mẹ đẻ. Các em đã có nhiều điều kiện thuận lợi. 

    Chỉ còn yếu tố quyết định là tài năng của các em nữa thôi. Nếu không có tài thì tất cả mọi cái đã có kia cũng bằng không. Không có gì hết. Và Giải Nobel chỉ là ước mơ thôi. Tuy nhiên, tôi rất tin các em, kỳ vọng ở các em. Nếu Việt Nam có Nobel thì sẽ bắt đầu từ các em chứ không phải ở thế hệ chúng tôi. Dù thế hệ chúng tôi có không ít những tài năng lớn, thậm chí là rất lớn.

    Xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ thông tin!