Tại tòa phúc thẩm ngày 25/9, cựu Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho hay giữ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Vị này trước đó bị cấp sơ thẩm phạt 8 năm tù vì lừa đảo 8.600 tỷ đồng.
Khai tại tòa, ông Dũng khẳng định thu tiền trái phiếu để đầu tư vào các dự án bất động sản được cấp phép, phê duyệt nên bản chất không chiếm đoạt. Khi bị khởi tố, ông Dũng đã dành “quyết tâm cao”, thu xếp hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho hơn 6.000 bị hại.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng xin giảm án để về xây dựng lại Tân Hoàng Minh, cống hiến cho xã hội.
Cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh trình bày thêm: “Tôi tuổi cao, ở trong trại giam đã 930 ngày, rất khó khăn. Nay tôi mong muốn sớm trở về khôi phục và phát triển tập đoàn vì chúng tôi còn rất nhiều dự án và kế hoạch để công hiến tiếp cho xã hội”.
Trong vụ án có một bị hại kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt tù với Đỗ Anh Dũng, buộc vị này phải trả lãi trái phiếu theo hợp đồng phát hành. Bị hại này cho hay đã vay tiền bạn bè, người thân để có 2 tỷ đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Khi vụ án được khởi tố, số trái phiếu trở thành vô giá trị. Bị hại khẳng định lúc đó đã bị đòi nợ liên tục bằng “nhiều biện pháp vô đạo đức”. Chủ nợ còn khởi kiện và TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên buộc bị hại này trả 2 tỷ đồng gốc kèm 200 triệu đồng tiền lãi. Do vậy, phiên tòa này cần buộc Đỗ Anh Dũng trả số lãi trái phiếu.
Sau xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đánh giá, ông Dũng là người cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, có nhiều cống hiến cho xã hội, gia đình có công cách mạng… nên chấp nhận kháng cáo, giảm cho vị này từ 8 năm xuống 7 năm tù. Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị hại nói trên với lập luận, đây là vụ án lừa đảo nên bị cáo chỉ cần trả lại tài sản đã chiếm đoạt, không cần trả lãi.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của Covid-19 nên khó khăn về tài chính. Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.
Vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.
Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời.
Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.
Số tiền huy động được, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng và hiện số tiền này đã được giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Anh Dũng khai lý do phát hành trái phiếu do năm 2021 Tân Hoàng Minh cần nhiều vốn hơn nên bị cáo đã bàn bạc với con trai về việc huy động vốn từ nhà tài trợ, không chỉ từ vốn ngân hàng.
Do đó, ông Dũng bảo con trai Đỗ Hoàng Việt tìm thêm một kênh huy động vốn. Việt đề xuất kênh trái phiếu.
Đối với việc chạy dòng tiền để phát hành trái phiếu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận có sai phạm và với chức vụ là người đứng đầu, bị cáo nhận trách nhiệm của bản thân.
Tuy nhiên, bị cáo khẳng định, khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua.
Với những khoản tiền lãi của các hợp đồng đến hạn trước khi bị bắt, bị cáo xin nhận trách nhiệm trả số tiền này. Với khoản lãi sau khi bị bắt, bị cáo cho biết tuân thủ theo quyết định của tòa án.
Nguồn: Sưu tầm