Nhạc sĩ mang hàm cấp Tướng làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ
Nhạc sĩ Đức Trịnh (tên đầy đủ Nguyễn Đức Trịnh) sinh 1957 ở Bắc Giang nhưng lớn lên ở Hà Nội. Năm 1973, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, ông đã khai thêm 2 tuổi để được nhập ngũ.
“16 tuổi tôi đi bộ đội, xuyên Việt, qua Campuchia, sang Lào, đi hầu khắp các tỉnh… Đi nhiều giúp tôi tích lũy vốn sống. Khi mới vào chiến trường, một đồng đội của tôi hy sinh, tôi được cấp trên cử ở lại trông coi đồng chí ấy, chờ đến gần sáng sẽ có xe đến để đưa cậu ấy đi, còn tất cả lại tiếp tục hành quân. Lúc bé mình vẫn nghĩ ở bên người đã mất một mình thì rất sợ. Nhưng lúc ấy, không hiểu sao khi nhìn đồng đội, tự nhiên cảm giác sợ không còn nữa.
Khi người ta cảm thấy yêu thương, gần gũi thì sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi. Sau đó, tôi đã viết bài hát “Ước mong người lính”. Có những khi vuốt mắt đồng đội, mình không hề khóc nhưng sau này, khi trở về, nhìn những bà mẹ già đi lang thang ở ngoài đường, tự nhiên lại thấy khóe mắt cay cay”, nhạc sĩ Đức Trịnh tâm sự.
Năm 1991, nhạc sĩ Đức Trịnh tốt nghiệp hệ Đại học chuyên ngành Sáng tác, năm 1997 tốt nghiệp hệ Cao học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Từ năm 2009 đến 2017, ông là Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012. Ông là nhạc sĩ thứ hai (sau nhạc sĩ An Thuyên) được phong hàm Thiếu tướng quân đội.
Từ năm 2010, ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tháng 1/2022, nhạc Đức Trịnh được bầu làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Có thể nói, nhạc sĩ Đức Trịnh là nhạc sĩ mang hàm cấp Tướng đầu tiên trong lịch sử giữ chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Đức Trịnh đã đoạt Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật của Bộ Quốc Phòng 1994-1999 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012 với cụm tác phẩm: Miền xa thẳm, Tình yêu người lính, Ngược dòng Hương Giang, Hoa dại, Mưa xuân và tác phẩm khí nhạc Tượng đài vô danh. Ông cũng được phong tặng Nhà giáo Ưu tú từ năm 2010.
Nói về niềm đam mê âm nhạc bất tận, nhạc sĩ mang hàm cấp Tướng quê Bắc Giang chia sẻ với Dân Việt: “Hồi nhỏ, bố tôi hay gửi tôi vào không gian âm nhạc của Cung thiếu nhi, việc tiếp xúc thường xuyên đã dấy lên ngọn lửa đam mê âm nhạc trong tôi. Tôi nhận ra rằng, âm nhạc của tôi mang đến thành công, sự vui vẻ cho anh em bạn bè nên tôi quyết định sẽ theo nó đến khi không còn theo được nữa.
Và quả thật, âm nhạc đã giúp tôi cân bằng giữa sự khô khan của người lính với sự trữ tình, lãng mạn của người làm âm nhạc. Khi hòa mình vào những nhạc điệu tôi trở nên vô tư, thoải mái hơn. Ở đây không có những mưu mẹo, đấu tranh. Nó giúp cho tâm hồn tôi bay bổng, được tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ được làm chính mình”.
Nhạc sĩ Đức Trịnh nói rằng, ông viết nhiều về đề tài người lính và nhận thấy thế mạnh của mình là đề tài chiến tranh cách mạng. Ông sáng tác cả khí nhạc và ca khúc. Ngoài những ca khúc phục vụ quân đội, nhạc sĩ Đức Trịnh có ca khúc Miền xa thẳm khá quen thuộc với công chúng.
Nhạc sĩ Đức Trịnh thổ lộ về ca khúc Miền xa thẳm được nhiều người yêu thích: “Đây là tác phẩm đặt hàng, viết cho vở kịch Miền xa thẳm. Có lẽ đây là hiện tượng rất kỳ lạ và cũng là duy nhất trong cuộc đời viết nhạc của tôi. Sau khi đi thăm nghĩa trang Trường Sơn trở về, tôi đặt bút viết từ lúc 9h tối. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, cả lời lẫn nhạc được hoàn thiện.
Sau khi viết xong ca khúc này, tôi vào ngay phòng thu tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, cùng với một cậu kỹ thuật nữa tự làm nhạc, tự thu. Lúc ấy thể hiện bài hát là hai ca sĩ Hồ Quỳnh Hương (hát), Nguyệt Minh (vocal). Đến khoảng 2 – 3h sáng thì xong. Sáng hôm sau, tôi gọi nghệ sĩ saxophone Hồng Kiên chơi đoạn dạo giữa. Sau đó tôi giới thiệu ca khúc cho ê-kíp đang dàn dựng vở Miền xa thẳm của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Mọi người bảo, cả vở kịch được gói trong ca khúc ấy”.
Cái kết đẹp cho đường tình lận đận
Theo nhiều nhạc sĩ, dù viết về đề tài người lính hay viết về quê hương đất nước hoặc tình yêu lứa đôi thì nhạc sĩ Đức Trịnh vẫn giữ một phong cách, cá tính âm nhạc riêng có của mình. Ca khúc nào cũng sâu lắng, nhẹ nhàng, chứa chan tình cảm. 10 năm ở chiến trường và cả sự nghiệp gắn bó với đời sống quân ngũ chính là chất xúc tác đi vào các sáng tác của ông cho đến tận hôm nay.
Một số ca khúc nổi bật khác của ông: Ngược dòng Hương Giang, Nhà em ở lưng đồi, Ước mong người lính, Ra khơi, Tình yêu người lính, Cám ơn mẹ, Hoa tím cung đường… Ông có một số bài hát sáng tác riêng cho các đơn vị, quân chủng – binh chủng như: Những đoàn quân như sóng bài hát về Quân khu 4, Tình yêu lính bay bài hát về không quân…
Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, như giao hưởng Không đề, Tứ tấu đàn dây, Sonate cho piano và một số nhạc múa, hòa tấu nhạc nhẹ.
Bày tỏ về việc đóng nhiều “vai” trong một con người, nhạc sĩ mang hàm cấp Tướng Đức Trịnh chia sẻ: “Tôi nghĩ một người lính, một vị tướng, một nhà giáo đều cho tôi những góc nhìn đa diện để làm một người sáng tác. Quân đội cho tôi một “kho” đề tài để viết, kể cả ca khúc lẫn khí nhạc. Nghề giáo cũng cho tôi nhiều cảm hứng mỗi khi cầm bút. Tôi làm người thầy trong một ngôi trường nghệ thuật. Ở đây, tôi có các học trò đồng thời là các nghệ sĩ, các đồng nghiệp. Đấy là một môi trường tuyệt vời để sáng tạo. Tôi luôn được sống đúng như con người nghệ sĩ của mình”.
Đảm nhận công tác quản lý, từ Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội rồi Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, công việc chung chiếm của nhạc sĩ Đức Trịnh khá nhiều thời gian nhưng ông vẫn dành cho âm nhạc. Ông thường dành cho âm nhạc vào những ngày rảnh rỗi hay lúc đêm về, khi mà những bề bộn của một ngày đã tạm lắng xuống.
Nhạc sĩ Đức Trịnh kể, ông có rất nhiều “đơn đặt hàng” và dù bận vẫn phải “trả nợ” vì đã trót nhận lời. Ông bảo: “Viết theo đơn đặt hàng có nhiều cái khó đấy. Không phải đề tài nào mình cũng viết hay được. Và cũng không phải đơn đặt hàng nào mình cũng nhận. Nhưng tôi quan niệm thế này, mình phải nhìn “đơn đặt hàng” như một cái cớ thôi, chứ đừng bị ràng buộc vào nó quá nhiều. Đề tài gì cũng có thể đi vào trong tác phẩm nghệ thuật được, miễn là người viết có những rung cảm sâu sắc từ trái tim. Tôi không bao giờ ngại chữ “đặt hàng” trong việc viết. Vì khi viết tôi luôn luôn tự do. Chỉ có tôi đối diện với cây đàn và trang giấy, với xúc cảm của chính mình”.
Những năm tháng làm việc ở Quân khu 9, nhạc sĩ Đức Trịnh kết hôn với một cô gái Nam Bộ nhưng cuộc hôn nhân ấy không kéo dài được nhiều năm. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, ông sống cảnh “gà trống nuôi con” một thời gian dài. Trong những năm tháng đó, nhạc sĩ Đức Trịnh đã lập nên ban nhạc Hoa sữa nổi tiếng khắp Hà Nội. Hòa nhập nhanh chóng với môi trường âm nhạc của miền Bắc.
Ông bước vào cuộc hôn nhân thứ với một người đẹp có tiếng ở Hà Nội ngày ấy. Nhưng không được bao lâu thì giấc mơ về hạnh phúc cũng vỡ tan. Nhiều năm liền ông lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chăm sóc cho hai cậu con trai, điều quý giá còn lại mà ông có được sau những đổ vỡ. Ở thời điểm hiện tại, ông có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ thứ 3 kém ông 23 tuổi. Sau bao giông bão của cuộc đời, ông cũng đã có thể dừng bước bên người vợ trẻ, viên mãn với hạnh phúc mình có.