Loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian chinh phục khán giả gameshow
Sau 4 tuần công chiếu, tiết mục Trống cơm do Nhà Sao Sáng (gồm NSND Tự Long, ca sĩ SOOBIN, Cường Seven) trình diễn tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai vẫn để lại hiệu ứng mạnh mẽ. Ca khúc nhiều ngày dẫn đầu bảng xếp hạng các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube, hiện thu hút gần 6 triệu lượt xem, hơn 65.000 lượt bình luận. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả khen đây là tiết mục đáng nhớ bậc nhất trong show truyền hình này.
Chia sẻ về ý nghĩa của tiết mục Trống cơm, NSND Tự Long cho biết: “Ca khúc này nói về văn hóa. Văn hóa là bản chất, là cội nguồn của dân tộc. Phương diện văn hóa mà chúng tôi muốn kể chính là sự tiếp nối những giá trị truyền thống, qua đó những người trẻ hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc. Khán giả của chúng tôi có thể là 6x, 7x, 8x hay 9x, cũng có thể là đối tượng 2000 trở lên. Nhưng họ vẫn sẽ thích nghe trống cơm và chúng tôi làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam”.
Tiếp nối thành công của Trống cơm, tại phần 2 của Công diễn 4 diễn ra vào tối 7/9, nhà sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai cho biết sẽ tiếp tục mang nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống lên sân khấu, nhằm đem đến cho khán giả những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Theo đó, cùng với các anh tài tham gia chương trình, nghệ sĩ sáo mèo Đinh Nhật Minh sẽ góp mặt trong tiết mục Chiếc khăn piêu, tác phẩm Dạ cổ hoài lang có sự tham gia của NSND Hữu Quốc. Cuối cùng, tiết mục chèo cổ Đào liễu sẽ có khách mời là NSND Thu Huyền.
Trước đó, nhiều tiết mục mang âm hưởng dân gian đã ghi dấu ấn tại các gameshow. Vào năm 2023, diva Hồng Nhung từng tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả qua bản mashup Lý ngựa ô – Ngựa ô thương nhớ tại Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Cô tự tin, duyên dáng, thể hiện phần ca cải lương, giúp tiết mục mang đậm màu sắc dân gian Nam Bộ.
Năm 2021, bản rap Nam quốc sơn hà do hai ca sĩ Erik, Phương Mỹ Chi thể hiện trong chương trình The Heroes cũng đứng đầu danh sách thịnh hành trên YouTube, thu hút gần 2 triệu lượt xem sau 5 ngày đăng tải. Trong khi Phương Mỹ Chi tạo điểm nhấn cho tiết mục bằng đoạn hò mở đầu và phần hát bài thơ Nam quốc sơn hà thì đoạn rap của Erik gợi nhắc truyền thống chống ngoại xâm, đồng thời liên hệ đến cuộc chiến chống Covid-19 của dân tộc.
Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện ca khúc “Nam quốc sơn hà”. (Clip: MV)
Thực tế cho thấy, không chỉ những năm gần đây, các ca khúc mang âm hưởng dân gian mới “gây sốt” tại các chương trình truyền hình thực tế. Năm 2013, trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2013 (Vietnam’s Got Talent), tiết mục hát quan họ Ngồi tựa mạn thuyền (Ngồi tựa song đào) trên nền nhạc World Music của ca nương Nguyễn Kiều Anh từng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, giúp cô trở thành hiện tượng. Cùng năm này, Phương Mỹ Chi và Quang Anh cũng chinh phục khán giả Giọng hát Việt nhí với các ca khúc mang âm hưởng dân gian.
Tại Giọng hát Việt 2015, Hoàng Dũng – học trò của Thu Phương được khán giả đón nhận khi thể hiện tác phẩm Huyền thoại Hồ Núi Cốc. Bài hát được phối lại mới lạ hơn khi kết hợp giữa chất liệu dân gian đương đại và nhạc điện tử, giúp anh tỏa sáng trong đêm chung kết của chương trình, nhận danh hiệu Á quân sau đó.
Sự sáng tạo của nghệ sĩ trẻ góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống
Chia sẻ với PV Dân Việt, NSND Huỳnh Tú (bố của ca sĩ SOOBIN – PV) thổ lộ niềm tự hào khi con trai giành được thành công với tiết mục Trống cơm. Ông chính là người đầu tiên dạy con chơi đàn bầu, giúp anh thể hiện ấn tượng trên sân khấu. “Theo tôi, việc các nghệ sĩ trẻ làm mới những bài dân ca và được công chúng đón nhận là tín hiệu đáng mừng. Sự sáng tạo khiến giới trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z dễ dàng đón nhận những nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó lưu giữ, bảo tồn tinh hoa, vốn quý của dân tộc. Nói cách khác, sáng tạo chính là cách góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa, đạo diễn truyền hình Ngô Hương Giang nhận định: “Đã rất lâu rồi, Trống cơm mới có dịp được hồi sinh và mang một đời sống tinh thần mới lạ trên sân khấu. Tiết mục tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa bởi sự phá cách giữa phần lời mới với phần luyến láy mang âm hưởng chèo cổ và điệu hò của dân ca Bắc Bộ.
Tất cả tạo nên cảm xúc đa diện của một ca khúc mang đậm âm hưởng tinh thần văn hóa vùng miền Việt Nam, với tiết tấu vừa nhanh vừa chậm, vừa cao trào lại vừa như tiếng ru nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ qua lời rap lại vừa uyển chuyển mộc mạc như lời ca, câu hò. Thông qua tiết mục, yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống lại một lần nữa được sống dậy trong tinh thần hiện đại qua thế hệ nghệ sĩ mới với sự pha trộn của công nghệ xen lẫn âm hưởng dân ca mộc mạc quen thuộc” – anh nhận định.
Chuyên gia truyền thông Trần Hoài Linh cho rằng, khán giả gần đây ngày càng quan tâm nhiều đến văn hóa dân tộc. Có thể thấy, hàng loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian như: Tứ phủ, Bánh trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh; Thị Mầu của Hòa Minzy; Chiếc lược ngà, Gối gấm của Phương Mỹ Chi đều được đón nhận rộng rãi.
“Bên cạnh việc đưa những sáng tạo vào phần âm nhạc, những nghệ sĩ trẻ cũng chăm chút về hình ảnh, vũ đạo cho từng tiết mục khi mang lên sân khấu, ví dụ như việc mặc áo dài ngũ thân truyền thống, chơi đàn bầu, đánh trống trong tiết mục Trống cơm tại Anh trai vượt ngàn chông gai. Tất cả tạo nên những màn trình diễn sống động, hoành tráng, dễ dàng tạo nên cảm xúc cho khán giả trực tiếp cũng như theo dõi qua truyền hình. Do vậy, không có gì bất ngờ khi những phần thi này nhận được hiệu ứng tích cực”, chuyên gia Trần Hoài Linh nhận định.