Mở đầu buổi Pháp thoại, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi lời chúc mừng đến tất cả Tăng, Ni đã có thêm một tuổi hạ. Trong Phật giáo, tuổi hạ là cách thức tính thời gian công đức tu hành của một tu sĩ Phật giáo. Thời gian công đức tu hành này liên quan đến tiến trình đề cử và suy tôn các chức danh Phật giáo, đặc biệt trong Tịnh độ tông.
Đức Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong mùa An cư kiết hạ năm nay có nhiều biến động làm cho Tăng, Ni và Phật tử phải quan tâm. Tuy nhiên, trong động có tĩnh, cho nên trên bước đường tu của mình, các vị tu hành cố giữ tâm thanh tịnh trong hoàn cảnh động loạn. Đó là mới là người thực tu.
Đức Phật dạy chúng ta, người tu trong thế giới ta bà này như ở trong nhà lửa. Lửa ở đây là lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa kiêu mạn… tất cả các lửa này thiêu đốt con người ta. Mình là người tu hành theo con đường của đức Phật thì mình phải tu làm sao để những ngọn lửa này không thiêu đốt mình được.
Đặc biệt, trong mùa an cư, người tu hành có đủ điều kiện để làm việc này hơn những ngày thường. Trong mùa an cư rồi, trường của chúng ta được yên ổn là nhờ sự hộ niệm của chư Phật, nhờ sự hợp tác của Bồ tát. Cho nên, hoàn cảnh bên ngoài có động loạn thì trường chúng ta vẫn yên ổn.
Có nhiều biến loạn ở bên ngoài, nhắm vào trong Giáo hội của chúng ta nên ít nhiều chúng ta bị ảnh hưởng. Nhưng đứng trước những biến động đó, chúng ta làm sao thực hành được lời dạy của đức Phật, biến cái nguy thành cái cơ, đây là cơ hội thử thách để chúng ta tu hành.
Khi chúng ta nghe bên ngoài họ nói gì không tốt về đạo Phật, về những người tu hành thì chúng ta phải tự kiểm chứng lại mình. Kiểm chứng lại xem mình có mắc phải những thứ đó không. Nếu mắc phải thì mình phải tự sám hối, sửa đổi.
Ở trong đạo, đức Phật dạy mình, không ai nói lỗi của mình thì mình tìm đến mỗi người để hỏi xem ai biết lỗi của mình, nhờ họ chỉ ra cho mình sám hối, có sám hối mới thanh tịnh được
Nếu mình chưa kêu gì mà người ta đã chỉ cho mình rồi thì họ là thiện tri thức của mình, họ đang giúp đỡ cho mình, không nên vì thế mà buồn phiền. Nếu Tăng, Ni mà còn buồn phiền thì là những người đó chưa tu. Cho nên cố gắng vượt phàm mà lên Thánh. Vượt phàm lên thánh có nghĩa là vượt qua được những khó khăn ở trên cuộc đời này, không có cái khó nào không vượt được.
Thánh Tăng cũng là con người phàm nhờ tu nên vượt lên thành Thánh. Quan trọng nhất trên bước đường tu là người ta nói mình phải lắng nghe, nghe rồi thấy sửa được điều gì thì nên sửa. Đây là việc quan trọng.
Có những thầy cô nghe người ta nói mà bực tức, khó chịu. Bực tức là sân hận, sân hận sinh ra phiền não. Phàm là người tu mà còn phiền não là ma tăng, nghiệp chướng Tăng. Quý vị thấy khổ không? Nếu có thì mình sửa hết để không còn phiền não.
Đức Phật dạy, đi tu mà còn ham muốn vật chất, còn bực tức là đang ở trong nhà lửa. Cho nên phải nương theo giáo pháp tam thừa của đức Phật mà chạy ra khỏi nhà lửa này đi.
Tôi đọc kinh sách từ Nguyên thủy, sang Đại thừa, sang Kim cang thừa… không có nơi nào nói đức Phật dạy mình nổi nóng. Nếu mình tu mà nghe người ta nói gì đó trái tai, lại nổi sân lên thì là hỏng việc rồi. Người tu phải khác hơn người đời, đó là khi mình quy y, xuất gia, thụ giới rồi thì phải biết kiềm chế.
Nếu muốn trở thành Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni thì người ta đánh mình, mình không được đánh lại; người ta nói mình, mình không được nói lại, đấy là điều quan trọng. Nếu mình nổi nóng lên và nói lại thì mình mất giới. Bản thân tôi rất sợ điều này. Nếu mất giới thì không còn là Tỳ kheo đúng nghĩa nữa”.
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng: Đi tu mà còn ham muốn vật chất là ma tăng
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khuyến tấn thêm rằng, phàm đã là người tu mà ham muốn nhiều thì sẽ rất khổ. Ở hoàn cảnh nào, sống với hoàn cảnh đó mới là tu. Thậm chí, còn phải biết nhịn đói nếu mùa màng thất bát. Ở Việt Nam, người nhịn đói được nhiều nhất là Hòa thượng Trí Quang, nhịn đói được 100 ngày. Tức là 3 tháng hạ, không ai cúng dường gì thì Ngài vẫn sống được. Đó cũng là tấm gương tốt để các Tăng, Ni tu theo.
“Vui, buồn, vinh, nhục là 4 trạng thái thường xảy ra với một con người. Nếu bây giờ mình muốn vượt lên trên con người để làm Hiền, làm Thánh thì phải vượt qua trạng thái đó. Người tu là phải tập không vui, không buồn. Người ta khen mình cũng vậy, chê mình cũng vậy.
Đức Phật dạy, ma nói sai hãy để cho nó được nói lại, không cần phải đính chính. Người tu mà còn phải đính chính là chưa phải người tu thực. Nếu người này nói oan cho mình thì để người ta nói lại, nhiều khi mình bị nói oan lại được thương nhiều hơn, mất gì đâu.
Trên đường tu, nếu người tu mà không gặp khó khăn thì sẽ không chứng tỏ được là đang tu thực. “Không ma khảo” thì không thành đại đạo được, có tu thì phải có ma”, Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh.