3 người nước ngoài trên xe gây tai nạn liên hoàn ở Quảng Bình thừa nhận hành vi sát hại tài xế taxi Mai Linh
Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan tới vụ việc xe taxi gây tai nạn ở thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) liên quan tới vụ án mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, Công an thị xã Ba Đồn vừa cho biết, đã bàn giao các đối tượng Huang Jie Cheng, Luo Shi Jun và Gan Ying cho Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo công an, sau nhiều giờ làm việc, đấu trí căng thẳng, các đối tượng đã phải khai nhận với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình.
Các đối tượng là hung thủ vừa gây án đánh đấm, thắt cổ, giết chết và phi tang thi thể tài xế taxi Mai Linh mang biển kiểm soát 14A – 325… vào lúc khoảng 19h ngày 27/7 tại địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, các đối tượng cướp taxi chạy ra đến thị xã Ba Đồn thì bị Công an Quảng Bình bắt giữ.
Được biết, tài xế ô tô Mai Linh là anh N.V.H (SN 1977, trú phường Hà Phong, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Anh H là nhân viên lái xe taxi Mai Linh tại tỉnh Quảng Ninh.
Nạn nhân được các đối tượng Huang Jie Cheng, Luo Shi Jun, Gan Ying thuê vào lúc khoảng 2 giờ ngày 27/7 đi dọc các tỉnh ở Việt Nam, đến chiều 27/7 khi đến Quảng Ngãi thì anh Hải bị sát hại.
Trước đó, vào sáng 28/7, chiếc taxi này lưu thông trên Quốc lộ 12A, đến địa phận phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) đã đâm vào 1 xe máy làm 2 người trên xe máy bị thương. Sau đó, taxi này tiếp tục bỏ chạy theo hướng Quốc lộ 12A rồi va vào xe máy khác.
Xe này tiếp tục chạy đến kênh cầu Phoóc, phường Ba Đồn (thị xã Ba Đồn) và đâm vào phần đuôi 1 xe ô tô rồi dừng lại. Tại hiện trường, xe taxi này văng lên lề đường, hư hỏng phần đầu.
Số lượng bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết giảm từ hơn 30.000 xuống 25.000 trường hợp
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 29/7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án lừa đảo, thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Trong những ngày làm việc trước, các bị cáo, luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa trước bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát; đa số đều nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt nhưng một số ý kiến cho rằng cần xác định lại số lượng bị hại, thiệt hại trong vụ án.
Phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã bước sang tuần làm việc thứ 2.
Đối đáp lại, kiểm sát viên nêu quan điểm, phần lớn các bị cáo trong vụ đều có trình độ, am hiểu, hiểu biết về chứng khoán và thị trường chứng khoán; một số còn làm trong cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán.
“Với lòng tự trọng, các bị cáo đã nhận lỗi, nhận tội”, kiểm sát viên nói, thêm rằng nhiều bị cáo tích cực tìm cách khắc phục hậu quả vụ án (4.300 tỷ đồng). Do vậy, bản luận tội không nêu nhiều về diễn biến, căn cứ xác định phạm tội nhưng đến nay, kiểm sát viên thấy cần phân tích thêm để các bị cáo nhận thức hành vi của mình.
Đầu tiên, kiểm sát viên nhắc lại ý kiến nhóm luật sư của Trịnh Văn Quyết nêu vụ án chỉ có 133 người đến trình báo, có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại; nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS còn lại chưa thể xác định được, một số bị trùng tên.
Phản biện nội dung này, phía công tố xác định Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trong việc lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi vi phạm, kéo dài trong nhiều năm, bắt đầu bằng việc mua lại Công ty Faros, nâng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng nhưng trong đó chỉ có gần 1.200 tỷ đồng là vốn thật.
Tiếp đến, các bị cáo đưa cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, lợi dụng HOSE để thực hiện hành vi phạm tội. Hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật nên bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS và qua đây, Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỷ đồng; trừ vốn đi được hưởng lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
“Bị hại phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong”, kiểm sát viên nói. Tuy nhiên, sau khi các luật sư của Trịnh Văn Quyết trình bày, phía công tố rà soát, thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (giảm so với trước đó là hơn 30.400 bị hại).
Việc xác định lại số lượng bị hại nói trên, theo kiểm sát viên vẫn không làm thay đổi kết quả điều tra; trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền dùng cho mục đích cá nhân.
Cũng trong phần đối đáp, các kiểm sát viên khác tham gia giữ quyền công tố tại tòa cho hay, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Nguyễn Thanh Bình, cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đều thành khẩn khai báo nên đề nghị giảm án cho họ từ 8 – 9 năm tù xuống từ 7 – 8 năm tù.
Con trai bị bệnh tâm thần chém mẹ đẻ, dì ruột trọng thương
Như Dân Việt đã thông tin: Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tối 28/7, tại thôn An Đoài, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương xảy ra vụ việc con trai chém mẹ và dì ruột bị thương. Đối tượng gây ra vụ việc được xác định là Đỗ Thế Hướng (sinh năm 1991).
Theo đó, vào lúc 19 giờ 50 phút, bà N.T.L. sang nhà chị gái ở cùng thôn An Đoài (2 nhà cách nhau khoảng 150 m) chơi. Tại đây bà N.T.L đã bị Đỗ Thế Hướng (con của chị gái) chém vào đầu, tay.
Không dừng lại ở đó, Hướng còn quay ra dùng dao chém cả mẹ đẻ của mình khiến cả 2 người đều bị trọng thương.
Cả 2 nạn nhân sau đó đã được người dân, hàng xóm đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Theo người dân sinh sống tại địa phương, Đỗ Văn Hướng mắc bệnh tâm thần, sống với mẹ ở thôn An Đoài.
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Xét xử đại án đăng kiểm: Giám đốc làm ngơ để anh em “kiếm thêm”
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 29/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác tiếp tục phần xét hỏi.
Trả lời phần xét hỏi, các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V và trước đó là TTĐK 50-03V thừa nhận việc nhận tiền. Tuy nhiên, nhiều bị cáo đề nghị xem xét lại đối với số tiền nhận hối lộ buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự chung.
Theo cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm 50-05V có hai chi nhánh (Cơ sở An Phú Đông, quận 12 và Chi nhánh Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM). Bỏ qua lỗi trong quá trình đăng kiểm, bị cáo Nguyễn Đình Quân (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V từ năm 2014 đến tháng 5/2022) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” đối với toàn bộ số tiền nhận hối lộ gần 38 tỷ đồng và được hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng.
Trả lời tại tòa, bị cáo Quân khai bản thân biết hành vi nhận hối lộ của các đăng kiểm viên, nhưng đã làm ngơ, một phần để anh em kiếm thêm thu nhập, một phần để trung tâm có tiền trang trải hoạt động. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Quân phủ nhận việc chỉ đạo cho nhân viên nhận tiền của chủ phương tiện cũng như việc ăn chia số tiền nhận hối lộ.
Bị cáo Quân cho rằng, các đăng kiểm viên tự nhận tiền của chủ phương tiện rồi tự đưa lại cho mình. Quân thừa nhận, biết số tiền này là do các chủ phương tiện bồi dưỡng cho các đăng kiểm viên. Bị cáo thừa nhận số tiền hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng và xin chịu trách nhiệm là người đứng đầu.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Anh Tú (Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V từ tháng 7/2022 cho đến khi bị bắt, tháng 10/2022), chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V với tổng số tiền nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận việc nhận tiền từ cấp dưới nhưng đối với cáo buộc đưa ra chủ trương nhận hối lộ đối với cấp dưới thì bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại. Hiện, bị cáo đã nộp khắc phục 285 triệu đồng.
Trong phần trả lời thẩm vấn, các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V thừa nhận hành vi và số tiền hưởng lợi. Tuy nhiên, các bị cáo này khai việc nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện là thực hiện theo chỉ đạo của giám đốc trung tâm. Đồng thời, họ xin HĐXX xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, đã nộp tiền khắc phục hậu quả…
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đình Quân và Trần Anh Tú là lãnh đạo và đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đã cùng thống nhất thực hiện chủ trương nhận tiền để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm xe cơ giới. Đặc biệt là giai đoạn bị cáo Đặng Việt Hà làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phải chung tiền cố định hàng tháng cho Hà.
Kết quả điều tra xác định giai đoạn bị cáo Nguyễn Đình Quân làm Giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đã nhận hối lộ tổng số tiền hơn 38,3 tỷ đồng và giai đoạn bị cáo Trần Anh Tú làm phó Giám đốc đã nhận tổng số tiền 1,8 tỷ đồng.
Trong số tiền nhận được, bị cáo Quân đã đưa cho bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) số tiền 1,4 tỷ đồng, đưa cho bị cáo Đặng Việt Hà 185 triệu đồng.
Còn bị cáo Tú đã đưa bị cáo Hà 180 triệu đồng. Số tiền còn lại chia cho ban giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên văn phòng mà lãnh đạo và các đăng kiểm viên đã thống nhất.
Ngoài ra, tại trung tâm còn phát hiện hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức để hợp thức hóa hồ sơ kiểm định.
Tại phiên tòa, các bị cáo đề nghị HĐXX tính toán lại số tiền được hưởng lợi và số tiền nhận hối lộ của trung tâm, bởi nó liên quan tới trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Nhiều bị cáo cho rằng không biết cách tính số tiền nhận hối lộ của Trung tâm 50-05V là như thế nào.
Đại diện VKS lý giải, việc nhận hối lộ diễn ra hàng ngày, hàng tuần, cộng lại dẫn đến số tiền lớn và cơ quan điều tra, VKS không thể tự nghĩ ra được số liệu này.
Theo đại diện VKS, số liệu mà cáo trạng quy kết đối với các bị cáo là dựa vào những số liệu thu thập được ở các trung tâm đăng kiểm. Trường hợp nào có sai sót, có điều chỉnh, VKS đã có đính chính.
Vị đại diện VKS khẳng định, nếu như tại phiên tòa, các bị cáo không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh mà chỉ suy đoán, đề nghị xem xét chung chung thì VKS chưa có căn cứ xem xét.
Về lý do vì sao quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ, theo đại diện VKS, sau khi nhận tiền của các chủ xe, các đăng kiêm viên đã góp chung vào rồi chia nhau. Vì vậy, tất cả các bị cáo khi đã bị quy kết trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền mà các bị cáo khác nhận. Còn trách nhiệm cụ thể đối với số tiền hưởng lợi đối với từng bị cáo, cáo trạng cũng đã nêu rõ với từng người.
Tàu hỏa va chạm ô tô bán tải, 2 người tử vong
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 29/7, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tàu hỏa va chạm ô tô khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương.
Liên quan đến vụ việc trên, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết đang tập trung cứu chữa cho 2 nạn nhân trong vụ tai nạn.
Bà N.T.U., nhập viện lúc 21h55 trong tình trạng lơ mơ, bị các vết thương nham nhở vùng hàm, mặt. Bệnh nhân được sơ cứu, đặt nội khí quản, khâu vết thương, làm các xét nghiệm cấp cứu ban đầu.
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân bị dập não, tụ máu dưới màng cứng. Đến sáng nay, bệnh nhân còn thở nội khí quản, được chuyển lên Khoa Ngoại thần kinh điều trị tiếp.
Ông V.V.K. (tài xế xe bán tải) nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết thương phần mềm nông vùng mặt, chấn thương vai trái, đau cổ chân phải.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cấp cứu ban đầu, chụp CT sọ não, X-quang cẳng chân, khâu vết thương hàm mặt.
Kết quả xét nghiệm ethanol máu của tài xế bằng 0, test các chất gây nghiện cho kết quả âm tính.
Trước đó, khoảng 20h40 ngày 28/7, tàu hỏa do ông Đ.H.H. (33 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc – Nam. Khi đến vị trí đường ngang giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) thì va chạm với xe bán tải do ông K. điều khiển.
Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Nguồn: Sưu tầm