January 22, 2025

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: “Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Diva Hồng Nhung hát cùng Thanh Lam, Hà Trần trong chương trình phát đêm Giao thừa Ất Tỵ
  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm

  • Sáng ngày (29/7), liên quan tới việc trùng tu, hạ giải Chùa Cầu, với diện mạo mới có màu sơn đang được dư luận phản ứng là “trẻ” so với màu sơn nguyên bản của Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Dân Việt về vấn đề này.

     Là một lãnh đạo lâu năm ở Hội An, và là một công dân am hiểu Hội An từ rất lâu tới nay, ông đánh giá như thế nào về cuộc trùng tu Chùa Cầu lần này?

    Ông Nguyễn Sự: Để mà nói tới Hội An nói chung hay di tích Chùa Cầu nói riêng, không chỉ ngày một ngày hai mà nói cho xong được. Trước hết cần phải khẳng định, với di tích 400 năm tuổi này, nó đã xuống cấp từ rất lâu. Từ 30 năm trước, việc trùng tu, hạ giải Chùa Cầu là một vấn đề vô cùng bức thiết. Tôi nhớ khi đó, với nhiều cuộc hội thảo với nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã đặt ra vấn đề này.

    Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: "Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!"- Ảnh 1.

    Chùa Cầu sau khi hạ giải trùng tu nhìn từ trên cao (Ảnh: Viết Niệm)

    Tuy nhiên, khi đó, điều kiện chưa thể nào hạ giải được toàn bộ Chùa Cầu nên phải trùng tu từng phần. Cho đến nay, với điều kiện công nghệ và kỹ thuật hiện đại, cho phép chúng ta tự tin hạ giải để trùng tu toàn bộ. Tôi cho rằng đây là công việc cần thiết nhằm cứu lấy di tích hàng trăm năm tuổi. Vì sao lại thế? Tôi từng là người đứng đầu TP Hội An, hiểu rõ tình trạng, hiện trạng di tích qua từng năm. Tôi hiểu rõ nơi này đến từng viên gạch, từng đoạn gỗ, trụ móng. Qua bao năm, với thời tiết khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, gồng gánh bao cơn bão, lụt. Chùa Cầu thực sự đã xuống cấp rất trầm trọng. Vì thế, trùng tu, hạ giải toàn bộ là điều không thể tránh khỏi.

    Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: "Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!"- Ảnh 2.

    Những trận lũ lớn đã làm di tích Chùa Cầu hư hỏng bao năm qua (ảnh: Trần Tuấn)

    Trong thời gian làm lãnh đạo TP Hội An, công việc trùng tu di tích Chùa Cầu được đặt ra như thế nào?

    Phải nói rằng, khi đặt ra vấn đề này tại các Hội thảo, tất cả đều đồng thuận. Đó là một điều thuận lợi đối với TP Hội An trong việc bảo vệ di tích Chùa Cầu cũng như toàn bộ di sản Hội An.

    Tuy nhiên, như tôi đã nói, Chùa Cầu đã xuống cấp từ lâu nên cần một cuộc đại trùng tu. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào? Tôi nhớ thời đó mời rất nhiều chuyên gia có tiếng trong và ngoài nước như Phan Huy Lê, Hoàng Đạo Kính hay cả Giáo sư Trần Quốc Vượng. Thậm chí tôi còn mời cả thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy vào xem có cách gì cứu Chùa Cầu mà không phải hạ giải. Anh Lũy đã nói thế này: “Tôi chịu đó anh Sự ơi, tôi không thể đụng vào di tích này được”.

    Vì thế, việc bảo tồn và trùng tu di tích Chùa Cầu phải làm từng phần, hư đâu sửa đấy và tất nhiên là không thể nào giải quyết được căn nguyên của vấn đề cốt lõi là cứu lấy chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng.

    Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: "Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!"- Ảnh 3.

    Du khách tham quan Chùa Cầu sau khi được trùng tu (ảnh: Viết Niệm)

     Việc tháo dỡ, trùng tu lần này đã giải quyết được vấn đề này?

    Ông Nguyễn Sự: Việc trùng tu, hạ giải đã được tính toán rất kỹ, bắt đầu từ năm 2022. Tôi khẳng định lại là rất cần thiết.

    Có tháo ra mới thấy nhiều hạng mục đã mục nát ra rồi, chỉ cần một vài cơn bão hoặc lụt lớn thì di tích Chùa Cầu sụp xuống là điều khó tránh khỏi. Trong thời gian trùng tu, chính quyền cũng như toàn bộ các bộ phận liên quan đặt ra nguyên tắc: Đảm bảo tính nguyên trạng. Công việc này không hề đơn giản. Tôi lấy ví dụ, một cây cột chỉ hư một nửa, không bỏ toàn bộ cây cột mà chỉ bỏ một nửa, xong dùng keo, kỹ thuật dán vào và tất nhiên là có ghi chú cẩn thận ngày tháng thay cột. Kể cả từng viên gạch, mái ngói đều phải đảm bảo nguyên gốc. Cái gì hư hỏng hoàn toàn thì thay thế, cái gì còn dùng được bắt buộc phải giữ nguyên.

    Sau khi diện mạo mới của Chùa Cầu hình thành, đã có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng quá “trẻ” so với di tích nguyên trạng?

    Ông Nguyễn Sự: Lâu nay di tích phủ bóng rêu phong, phải hơn 10 năm nay không sơn quét lại. Nay quét lại sơn thì tất nhiên là phải có màu mới. Người ta nhìn vào, thấy không giống màu cũ thì phản ứng cũng là chuyện bình thường. Cái này rất đơn giản, chỉ cần quét lại cái màu nhạt hơn một chút so với màu hơi đỏ như hiện nay là ổn.

    Còn về phần mái ngói, đó là ngói Thanh Hà (ở Hội An), và tất nhiên đó là màu ngói mới.

    Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: "Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!"- Ảnh 4.

    Màu sơn và ngói mới về Chùa Cầu sau khi được trùng tu (ảnh: Viết Niệm)

    Chúng ta phải hiểu rằng, người ta có yêu Hội An, yêu di tích Chùa Cầu thì họ mới phản ứng. Điều này có nghĩa là Chùa Cầu, Hội An đã nằm sâu trong tâm trí nhiều người. Nay thấy khác đi thì họ phản ứng. Đó là điều đáng mừng! Tôi chỉ sợ lúc Hội An làm cái gì khác đi mà chẳng ai thèm quan tâm. Vì thế, về phía chính quyền đừng xem sự phản ứng này là này nọ. Phải cảm ơn họ. Và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Nên nhớ rằng 80% di tích ở Hội An là di tích tư nhân, đây là hồn cốt của Hội An, bao giờ dân còn ý kiến thì lúc đó ý thức giữ gìn di sản của họ vẫn còn nguyên vẹn.

    Xin cảm ơn ông!

    Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu, ông Nguyễn Sự: "Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu!"- Ảnh 5.

    Ông Nguyễn Sự thời còn làm Bí thư Thành ủy Hội An trong một lần thăm, kiểm tra Chùa Cầu (ảnh: Trần Tuấn)

    Như Dân Việt đã thông tin, xung quanh việc trùng tu Chùa Cầu gây dư luận là “trẻ hóa”, phía Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có thông tin cụ thể quá trình trùng tu Chùa Cầu.

    Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, Chùa Cầu là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng nên công tác chuẩn bị dự án được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An triển khai từng bước hết sức cẩn trọng.

    Ngay từ đầu trung tâm đã lập một bản kế hoạch tiến độ tổng thể hết sức chi tiết theo từng giai đoạn, thành lập các tổ dự án, tổ nghiên cứu và truyền thông thực hiện thường xuyên nhiều công việc như, khảo sát, sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan, lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư; thực hiện các chuyên đề nghiên cứu về các nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật,… của di tích.

    Bên cạnh đó, hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng di tích bằng các hình thức, quay phim, chụp ảnh, rập giấy dó (văn bia, liễn đối, đồ án trang trí kiến trúc), vẽ ghi (hiện trạng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng…), số hóa di tích bằng công nghệ 3D,… được thực hiện kỹ càng tạo cơ sở dữ liệu khoa học để đưa ra các giải pháp, hình thức tu bổ phù hợp đảm bảo theo nguyên tắc tu bổ đối với từng hạng mục, kết cấu của công trình di tích Chùa Cầu.