January 24, 2025

Tranh cãi về Chùa Cầu sau trùng tu: “Để di tích giống như xưa là điều quá khó”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Công an giải cứu thành công cô gái bị bắt cóc ở Vĩnh Long
  • NSND Minh Hằng đóng vợ Quang Tèo trong hài Tết lấy cảm hứng từ nhân vật “thằng Bờm”
  • Cảnh sát 113 tại Lâm Đồng bắt đối tượng trộm xe máy trên đường sau 30 phút

  • Mới đây, Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam)  đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái, hệ thống điện, chống mối công trình… Diện mạo mới của địa danh quen thuộc gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, không ít người cho rằng “không còn nhận ra di tích chùa Cầu”, “trùng tu bất chấp”…

    Tranh cãi về Chùa Cầu sau trùng tu: "Để di tích giống như xưa là điều quá khó"- Ảnh 1.

    Hình ảnh Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) sau khi trùng tu. (Ảnh: Viết Niệm)

    KTS Trương Ngọc Lân: “Cần minh bạch quá trình trùng tu”

    Trao đổi với PV Dân Việt, KTS Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng những ý kiến trái chiều xung quanh hình ảnh mới của Chùa Cầu là điều thường thấy ở những công trình kiến trúc nổi tiếng, gắn liền với lịch sử. Sau khi trùng tu, công trình đương nhiên sẽ trở nên mới hơn, tuy mức độ mới của mỗi nơi khác nhau nhưng đều tạo nên hiệu ứng về thị giác. Là đất nước có khí hậu nóng ẩm, màu rêu phong tại đất nước ta tương đối phổ biến. Cũng bởi vậy diện mạo này gây ra sự bất ngờ cho khách tham quan cũng như dư luận.

    Tranh cãi về Chùa Cầu sau trùng tu: "Để di tích giống như xưa là điều quá khó"- Ảnh 2.

    Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân. (Ảnh: NVCC)

    Nhận định về sự thay đổi của di tích Chùa Cầu, KTS Trương Ngọc Lân cho rằng: “Việc lựa chọn màu sắc của lớp sơn phủ dường như chưa hợp lý, mang lại cảm giác hơi đậm. Bên cạnh đó, hệ thống mái ngói của công trình đã được thay mới, điều đó cộng hưởng với màu sơn và càng khiến người xem cảm thấy khác lạ. Trong khi đó, phần kết cấu gỗ được tu bổ, thay thế rất tốt, tỉ mỉ, chứng tỏ các bên đã có sự nghiên cứu, bóc tách, đánh giá kỹ lưỡng về hiện trạng”.

    Trước câu hỏi về việc có nên sơn thêm màu sơn để trả lại vẻ xưa cũ cho Chùa Cầu, KTS Trương Ngọc Lân khẳng định ông không thích cách làm này: “Trước đây, công trình Nhà thờ Lớn Hà Nội từng phải sơn lại để mang nét cổ kính sau khi gặp quá nhiều tranh cãi. Với cổng trại lính ở phố Hàng Bài, họ dùng luôn sơn theo kiểu giả cổ để tránh những ấn tượng không hay. Tuy chiều được lòng dư luận, nhưng tôi cho đó cũng như một hình thức nói dối. Với khí hậu Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn, rêu phong sẽ lên lại tại công trình, bởi vậy không nên quá lo lắng về việc công trình quá mới”.

    Cũng theo ông Trương Ngọc Lân, hiện nay trên thế giới đang có hai xu hướng trong việc bảo tồn, trùng tu di tích. Cách làm thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng, coi sự mất mát, rêu phong là một phần của lịch sử, tạo nên vẻ đẹp của di tích, chỉ khôi phục những phần ảnh hưởng tới sự bền vững, kết cấu, điển hình là đấu trường La Mã (Italia). Cách làm thứ hai là khôi phục về hình dáng ban đầu của công trình, với việc nghiên cứu các tư liệu lịch sử.

    “Theo tôi, cách tốt nhất để tránh những luồng dư luận trái nhiều là minh bạch thông tin trong quá trình trùng tu tại các bảng biển khi du khách đi qua, thí dụ như tôn tạo các phần nào, khi hoàn thiện sẽ ra sao, màu sắc sẽ thay đổi như thế nào, đâu là các mẫu vật được làm mới… Tại một số nơi như Nhà thờ Đức Bà (Pháp), hoàng cung tại Okinawa (Nhật Bản), họ đã làm điều này. Đây cũng là cách nâng tầm kiến thức, giáo dục về lịch sử, bảo tồn cho công chúng, khiến họ hiểu hơn về quá trình hình thành của di tích” – KTS Trương Ngọc Lân nêu ý kiến.

    “Tất cả chỉ là tương đối”

    Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tu sửa, tu bổ, tu tạo là việc tất yếu của nhiều di tích đã hỏng, hoặc mai một, xuống cấp.

    Theo ông Đức, nhiều người có hoài niệm cho rằng việc tu bổ, tu tạo làm sao cho giống như xưa. Điều này đòi hỏi đơn vị tu bổ, trùng tu phải nghiên cứu các ý kiến, tổ chức hội thảo cụ thể với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và nước ngoài. Qua đó, quan điểm chung được đưa ra là chùa Cầu cấp thiết phải có dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.

    Tranh cãi về Chùa Cầu sau trùng tu: "Để di tích giống như xưa là điều quá khó"- Ảnh 3.

    PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

    “Khi trùng tu, sửa chữa, di tích càng giống ban đầu càng tốt, tuy vậy việc thưởng thức, hoài niệm chỉ mang tính tương đối chứ không thể tuyệt đối giống xưa được. Ai cũng có hoài niệm quá khứ, đó là nhu cầu tất yếu văn hoá của Việt Nam. Tuy vậy, bắt tay vào phục dựng là điều không dễ dàng bởi thời đại, kỹ thuật, công nghệ, trình độ, vật liệu đều có sự thay đổi. Người làm phải có hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật và thậm chí chính tâm lý của những người đến thưởng thức văn hoá tại di tích để tạo ra một công trình chất lượng”, ông Đức nói.

    Theo ông Đức, di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi những hư hại. Qua nhiều tư liệu cho thấy từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.

    “Khách du lịch, người dân cũng nên hiểu rằng công trình trùng tu cũng chỉ tương đối chứ không phải tuyệt đối được. Thứ 2, chúng ta mong muốn giống nhưng xưa là gì, bởi vài trăm năm qua đã trải qua 7 lần tu sửa, liệu có giống hình ảnh chùa Cầu ban đầu không? Chính vì vậy theo tôi, tất cả chỉ là tương đối”, ông Đức nói thêm.

    Ngày 28-3, UBND TP Hội An – tỉnh Quảng Nam đã ban hành thông cáo báo chí về việc khánh thành công trình tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), trong đó có giải thích về quá trình trùng tu di tích sau khi dư luận có ý kiến trái chiều. Theo đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.