Viện KSND TP.Hà Nội đã đề nghị tòa án cùng cấp phạt Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, án từ 24 – 26 năm tù về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Về dân sự, các kiểm sát viên cho rằng ông Quyết phải có vai trò chính trong việc bồi thường 684 tỷ đồng từ hành vi thao túng chứng khoán và 3.600 tỷ đồng do lừa đảo bán cổ phiếu ROS (Công ty Faros).
Trịnh Văn Quyết xin bán tài sản đang phong tỏa để trả tiền nhà đầu tư nhưng chưa được phép.
Được quyền tranh luận, Trịnh Văn Quyết không nói gì, nhờ các luật sư của mình. Những người bào chữa cho ông ta nêu quan điểm cần xem xét lại cách tính thiệt hại trong vụ án bởi “cổ phiếu mua đi bán lại liên tục” và nhiều người mua ban đầu, được coi là bị hại nhưng thực tế đã bán cổ phiếu đi.
Ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, luật sư Trần Nam Long nhắc lại nội dung bị cáo Quyết từng trình bày. Cụ thể, ngay khi bị khởi tố năm 2022, ông Quyết bán đi “tài sản tâm huyết nhất” là hãng Bamboo Airways, thu về 200 tỷ đồng, nộp luôn vào tài khoản của cảnh sát. Người mua cũng “cam kết hỗ trợ thêm 500 tỷ đồng” nên luật sư Long cho rằng, thiệt hại ở hành vi này đã được khắc phục.
Với thiệt hại 3.600 tỷ đồng từ hành vi lừa đảo bán cổ phiếu ROS (của Công ty Faros), luật sư Vũ Đặng Hải Yến nêu quan điểm đây không phải tiền chiếm đoạt được mà: “Cần xem xét là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án”.
Lý do, ngay tại thời điểm nhà đầu tư bán cổ phiếu ra thị trường, nhà đầu tư đã thu hồi lại một phần hoặc toàn bộ, thậm chí nhiều hơn số tiền đã bỏ ra ban đầu. Với những trường hợp như vậy, dù được coi là bị hại nhưng họ không có thiệt hại và thậm chí còn “có lãi”.
Luật sư Yến lấy ví dụ trong hồ sơ vụ án thể hiện nhiều “bị hại” lãi từ vài chục đến hơn 500 triệu đồng khi “lướt sóng” cổ phiếu ROS. Điều tra còn cho thấy, trong số 30.403 nhà đầu được xác định là bị hại (người mua ban đầu), chỉ có 133 nhà đầu tư còn giữ cổ phiếu ROS (hơn 60.000 người liên quan đang giữ cổ phiếu này).
“Chúng tôi băn khoăn về cách thức mà các nhà đầu tư trong số hơn 30.000 trường hợp được xác định là bị hại sẽ làm thế nào để chứng minh thiệt hại của mình và nhận về một số tiền nào đó trong từ 3.600 tỷ đồng”, luật sư Yến nói.
Con số 3.600 tỷ theo kết luận tại cáo trạng, trừ thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, không thể xác định số tiền thiệt hại đối với các nhà đầu tư còn lại nên luật sư Yến cho rằng khi bị cáo Quyết nộp đủ, toàn bộ được chuyển vào ngân sách.
“Như vậy trong vụ án này, ngân sách có thêm một nguồn thu được đảm bảo bằng rất nhiều tài sản thuộc sở hữu cá nhân của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Do đó, việc xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo là có cơ sở “, luật sư nêu quan điểm.
Trong quá trình bào chữa, các luật sư nhiều lần so sánh Trịnh Văn Quyết với vụ án Tân Hoàng Minh, khi chủ tịch tập đoàn này, ông Đỗ Anh Dũng đã khắc phục toàn bộ hơn 8.600 tỷ đồng và được tuyên 8 năm tù, dưới khung hình phạt.
Nguồn: Sưu tầm