Ở lần dự Olympic đầu tiên, ROT gồm 11 cái tên. Đến Tokyo 2020, nhân số tăng lên tận 29 người. Và tại Paris 2024 là 37 người.
Nhiều ý nghĩa lẫn tranh cãi
Năm đó, những cái tên như Yusra Mardini, Rose Lokonyen hay Anjelina Lohalith đã che mờ cả dàn sao Usain Bolt, Katie Ledecky… Mardini, Lokonyen và Lohalith đều không phải những ngôi sao thể thao.
Nhưng để đến Olympic, họ phải vượt qua một hành trình còn gian nan hơn cả những giải đấu vòng loại. Cô gái người Nam Sudan Lohalith đã phải vượt hàng trăm km để chạy trốn khỏi những cuộc chiến tranh liên miên ở quê nhà.
Nhưng ROT cũng tồn tại một số tranh cãi. Dominic Lobalu, chân chạy đường dài có tiếng người Sudan đã rút khỏi đoàn trước thềm Olympic Tokyo vì mâu thuẫn chuyện giải thưởng. Lobalu từng thắng giải Geneva Marathon nhưng lại không thể nhận giải thưởng vì các quy định ràng buộc của IOC.
Bực tức, Lobalu rút khỏi trại tị nạn ở Kenya để đến trại tị nạn khác ở Thụy Sĩ. Vụ tranh cãi xoay quanh Lobalu, cộng thêm thành tích nghèo nàn của ROT khiến chính sách nhân văn của IOC bắt đầu bị hoài nghi.
Nhưng từ sau Tokyo 2020, thông qua sự hỗ trợ của các liên đoàn, các nhà tài trợ lẫn các VĐV, điều kiện tập luyện ở các trại tị nạn ngày càng được cải thiện.
Năm 2023, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) ra quyết định đặc biệt: thành lập đội tuyển U20 người tị nạn ở môn điền kinh. Và phụ trách huấn luyện chính là nhà vô địch marathon Eliud Kipchoge.
Đủ sức cạnh tranh huy chương
Trợ giúp cho Kipchoge còn có nhiều tên tuổi lớn khác của làng điền kinh như Jepkosgei (từng vô địch thế giới nội dung 800m nữ) hay Chebet (cô gái cũng trong tuổi U20 từng đoạt HCB giải trẻ thế giới)… Họ đã giúp ROT cải thiện đáng kể về chuyên môn.
Musa Suliman, chàng trai 20 tuổi quê Sudan, đến Olympic với thông số 1 phút 48,77 giây ở nội dung 800m. Đó là thông số đủ tốt để Suliman mơ đến vé vào chung kết nội dung này. Sau khi tranh cãi qua đi, Lobalu cũng đến Olympic với tư cách một ngôi sao. Lobalu gây ngỡ ngàng khi đoạt HCV nội dung 10.000m ở Giải vô địch châu Âu hồi tháng 6 và HCĐ nội dung 5.000m.
ROT dự Olympic Paris với nhiều ngôi sao từng thành danh trước khi trở thành người tị nạn. Đó là Fernando Jorge – HCV chèo thuyền ở Tokyo 2020. Là Ahmadisafa – võ sĩ người Iran từng đoạt HCV thế giới môn muay Thái, nay sẽ thi đấu ở môn boxing. Rashnonezhad – một võ sĩ Iran khác từng đoạt HCB judo châu Á, nay thắp lại giấc mơ Olympic trong màu áo ROT…
Người chạy trốn khỏi chiến tranh, kẻ tị nạn chính trị… Họ có thể đã là ngôi sao hoặc chỉ đang chập chững từng bước trên con đường chuyên nghiệp. Nhưng tại Paris mùa hè này, họ vẫn sẽ là những cái tên thu hút sự chú ý hàng đầu vì nghị lực theo đuổi giấc mơ của mình.
Điền kinh có số VĐV đông nhất trong danh sách ROT dự Paris 2024 với 8 người. Đây là kết quả từ những nỗ lực của IAAF trong việc hỗ trợ cộng đồng người tị nạn. Kế tiếp là đội judo (6 người), taekwondo (5 người), chèo thuyền (4 người)… Có đến 14 VĐV trong ROT là người Iran, chiếm số lượng lớn nhất. Kế đến là Afghanistan (5 người), Syria (5 người)…