Vui lên nào anh em ơi là một bộ phim về đề tài nông thôn, đạo diễn có yêu cầu đặc biệt nào với các diễn viên không?
– Đạo diễn Vũ Minh Trí lưu ý diễn viên chúng tôi về đầu tóc, trang phục, đặc biệt là cách biểu đạt, cách diễn sao cho dân dã, dễ hiểu, gần gũi nhất. Mục đích cuối cùng là khiến người xem cảm thấy dễ chịu.
Dù là phim nông thôn nhưng chắc hẳn các nhân vật vẫn có các câu thoại hot-trend?
– Đúng vậy! Các câu này sẽ do nhân vật Tiến (diễn viên Anh Đức đóng) là người nhanh mồm miệng nhất chịu trách nhiệm. Trong nhóm, Tiến thường là người up-date những cái mới mẻ nhất cho các anh em. Nhân vật Thắng của tôi thì kiệm lời, khù khờ nên không được giao “trọng trách” này.
Phim nông thôn thường gặp khó khăn về bối cảnh. Với Vui lên nào anh em ơi, các bạn có gặp khó khăn gì không?
– Phim này chúng tôi không được quay ở Hà Nội mà chủ yếu là ở nông thôn, các tỉnh. Bối cảnh phim ở Quốc Oai, Thạch Thất là nhiều nhất. Ở đây chúng tôi có các cảnh trong nhà, ở ngoài hiên. ngồi chõng là một trong số các bối cảnh chính. Ở đây nhà rộng, nhiều gian, diễn viên có thể nghỉ ngơi và không bị nắng.
Có những bối cảnh chúng tôi phải quay mệt hơn bình thường vì rộng, nắng hơn ví dụ như cảnh vườn dược liệu phải quay ở Ninh Bình. Vì là làm vườn nên phải quay ngoài trời. Có lúc chúng tôi cũng quay cả ở Hòa Bình. Có nhiều bối cảnh lắt nhắt, họa sĩ và D.O.P (đạo diễn hình ảnh – PV) tìm cảnh ở đâu đẹp thì đưa đoàn đến quay. Nhưng được làm nghề là sướng rồi nên tôi không thấy có gì là khó khăn.
Người dân ở nông thôn có yêu mến diễn viên không, họ bày tỏ cảm xúc với bạn như thế nào?
– Chúng tôi được bà con rất yêu quý, ủng hộ. Đoàn phim đến điểm quay là bà con đến xem. Hạnh phúc nhất là với tôi là được mọi người nhận ra. Trong đời tôi chỉ có một mong muốn duy nhất khi làm nghề là ra đường được mọi người nói: “Chào Tô Dũng!”. Tôi sẽ cảm thấy rất biết ơn vì mọi người gọi tên mình.
Đến thời điểm này tôi thấy phần nào đã mình làm được điều đó. Chẳng hạn như đi quay ở khu du lịch Tràng An, có rất nhiều người ở đó nhận ra và chào tôi. Còn các diễn viên đàn anh với tôi như NSƯT Thái Sơn và Anh Đức thì khỏi nói rồi vì các anh là diễn viên hài nổi tiếng.
Cách bộc lộ tình cảm của bà con nông thôn rất khác người dân ở Hà Nội. Mọi người ở Hà Nội nếu nhận ra thì chào rồi nói: “Bạn có thể cho xin kiểu ảnh được không!”. Còn ở nông thôn là mọi người lại gần vỗ vai, ôm rồi nói kiểu như: “Thằng cu này hay thế!”. Cảm giác rất sướng!
Theo bạn, thông điệp của Vui lên nào anh em ơi là gì?
– Thông điệp của phim là: Dù 20 tuổi hay 40 tuổi, nếu chúng ta có quyết tâm làm thì cứ làm đi đừng nản chí. Hiện nay có nhiều phim khởi nghiệp nhưng chủ yếu là của người mới ra trường, mới vào đời. Còn đây là chuyện của các “ông” 30 tuổi, thất bại nhiều rồi mà lúc nào cũng nung nấu là phải làm được gì đấy có dấu ấn. Đây là chuyện khởi nghiệp của thế hệ 30, U40.
Theo bạn thông điệp này có sát với thực tế ở nông thôn hiện nay?
– Tôi thấy là sát vì đi đến các vùng nông thôn tôi cũng tiếp xúc với nhiều người. Tôi cũng có bạn bè ở các tỉnh đang loay hoay lập nghiệp để cho cuộc sống của mình chứ chưa nói là lo được cho vợ con. Ví dụ ai muốn kinh doanh gì đó nhưng cứ sợ thất bại. Tất nhiên khi bắt đầu có biết được là sẽ thành công hay không. Nhưng chưa làm đã sợ thất bại thành ra mình bị kéo xuống. Thông điệp của phim là nếu chúng ta đã nghĩ đến cái gì đó thì hay cứ làm đi, đừng sợ!
Bộ phim mang khắc họa cuộc sống khó khăn của thanh niên, người lao động ở nông thôn. Ảnh: VTV
Là người Hà Nội đóng thanh niên nông thôn Tô Dũng có thấy khó khăn gì không?
– Dù là người Hà Nội nhưng là thế hệ đầu 9x, tôi cũng trải qua hết những việc các bạn nông thôn làm vì thời đó chưa có internet. Những trò bắn bi, bắn chun, trốn tìm… tôi đều chơi. Nếu nói để tìm hiểu cuộc sống của nhân vật thì vai Điền trong Cuộc đời vẫn đẹp sao tôi phải tìm hiểu nhiều hơn vì Điền thuần người lao động. Tuy nhiên cơ quan tôi gần Nhà hát Lớn, tôi thường xuyên gặp người dân lao động ở chợ Long Biên nên cũng không có gì xa lạ.
Cảm ơn Tô Dũng đã chia sẻ thông tin!