January 23, 2025

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “trung tâm du lịch văn hóa tâm linh” của Quảng Ninh

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Vụ shipper bị đánh tử vong: Chủ căn nhà mà người phụ nữ thuê để buôn bán bị ném chất bẩn
  • Tạm hoãn xét xử vụ tranh chấp đất đai khiến hai cha con trong một gia đình phải hầu tòa ở Long An
  • Bắt Đậu Thị Tâm ở Hà Nội vì lợi dụng quyền tự do dân chủ

  • Hội thảo do UBND TP Uông Bí phối hợp Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chỉ đạo theo Nghị quyết số 17-KH/TU ngày 30/10/2023 và chủ đề công tác năm 2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các lễ hội văn hóa truyền thống tại Uông Bí. 

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 1.

    Quang cảnh hội thảo khoa học “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí”. Ảnh: Bùi My

    Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho hay, Uông Bí được biết đến như trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa riêng có. Những năm qua, Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch.

    Nhận diện giá trị di sản văn hóa Uông Bí

    Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim – Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Uông Bí có tầng văn hóa sâu, phong phú với không gian văn hóa Yên Tử nổi tiếng. Cùng với Yên Tử, Uông Bí hiện có 29 di tích, danh thắng, trong đó có 6 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, phân loại.

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 2.

    PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Bùi My

    Văn hóa Uông Bí từng đã và hiện đang sở hữu ba nguồn tài nguyên tiêu biểu: Vùng cảnh quan kỳ vĩ, với các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và thẩm mỹ; vùng “phúc địa” – nơi có mật độ cao di sản văn hóa qua các triều đại, đặc biệt là nơi kiến tạo, tỏa sáng của trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần với vai trò của Trúc Lâm tam tổ; vùng địa đầu, giữ vị trí yết hầu, có thế địa – quân sự hiểm yếu.

    Hướng đến mục tiêu “tổ chức lại các không gian phát triển” và “kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái”, Uông Bí nên sớm xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Quy hoạch này cần được thực hiện sớm để kịp thời thể hiện trong Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các thành phố, tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và Quy hoạch tổng thể quốc gia.

    Còn PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho hay, hiện nay các nghiên cứu khảo cổ học ở Uông Bí đã phát hiện được các di tích thuộc 3 thời kỳ. Cụ thể, đó là mộ thuyền Phương Đông và Phương Nam thời văn hóa Đông Sơn; mộ gạch Bí Thượng thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc; di tích Phật giáo Trúc Lâm (Yên Tử) gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Hoa Yên, vườn tháp Tổ, chùa Đồng…

    3 loại hình di tích khảo cổ học ở Uông Bí đã nghiên cứu ở đây đều có các giá trị lớn trong bối cảnh lịch sử – văn hóa Quảng Ninh nói riêng, khu vực Đông Bắc và Bắc Bộ nói chung.

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 3.

    Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí”. Ảnh: Bùi My

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí gắn với phát triển du lịch bền vững

    Nói về phát triển du lịch tâm linh ở Uông Bí dựa trên nền tảng văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, PGS.TS Đặng Văn Bài chia sẻ, để phát triển du lịch tâm linh tại Uông Bí, tất yếu phải xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành tích hợp yêu cầu của các ngành hữu quan ở địa phương. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn, có giá trị thương phẩm cao, bán được nhiều lần, cho nhiều người với giá trị cao.

    Theo ông Đặng Văn Bài, ngoài tính chất liên ngành, nhất thiết phải có các dự án lớn hơn mang tính liên vùng (nội vùng tỉnh Quảng Ninh) gắn kết với các tỉnh bạn liền kề. Nên nhớ, hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh của Uông Bí là Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, khu di tích này cũng chỉ là một hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh để phát huy hết tiềm năng/tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 4.

    Huệ Quang kim tháp – nơi đặt xá lị Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử. Ảnh: Bùi My

    Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho hay, Rừng Quốc gia Yên Tử có 45 loài thực vật quý hiếm. Trong đó, nhóm rất nguy cấp (CR) có 1 loài là Vù hương; nhóm nguy cấp (EN) có 17 loài; nhóm sẽ nguy cấp (VU) có 27 loài. Bên cạnh đó, tại Rừng Quốc gia Yên Tử hiện đã có một số cây được công nhận là cây di sản Việt Nam: Xích tùng, Đại cổ thụ, quần thể Mai vàng Yên Tử…

    Phát triển du lịch luôn có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, nếu phát triển du lịch đúng với các nguyên tắc phát triển bền vững sẽ góp phần tích cực tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn, nâng cao nhận thức của du khách đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hoạt động phát triển du lịch cũng sẽ có tác động tiêu cực đến bảo tồn đa dạng sinh học nảy sinh từ sự tập trung lượng khách vượt quá giới hạn về “sức chứa”…

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 5.

    Rừng quốc gia Yên Tử nổi bật bởi hệ thống các cây Di sản như cây đa tía, xích tùng, thông nhựa, đại cổ thụ… Ảnh: Bùi My

    Do đó, ông Trần Ngọc Hải đề nghị cần tiếp tục rà soát, làm hồ sơ công nhận Cây di sản mới của Rừng Quốc gia Yên Tử để bảo tồn và khai thác bền vững nhóm tài nguyên có giá trị đặc biệt này. Nên áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để phục hồi bộ rễ và thân, cành, tán lá của loài Xích tùng.

    Bên cạnh đó, cần có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ kịp thời các tác nhân gây hại của từng loài; nhân giống hữu tính và vô tính để tạo cây con các loài cổ thụ, loài quý hiếm. Đồng thời, cần tuyên truyền, hướng dẫn du lịch thân thiện và luôn có ý thức bảo vệ cây di sản nói riêng, toàn bộ hệ thực vật rừng của khu di tích đặc biệt nói chung, hướng tới du lịch xanh, du lịch bền vững.

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Uông Bí- Ảnh 6.

    Chủ tịch UBND TP.Uông Bí Phạm Tuấn Đạt kết luận và bế mạc hội thảo khoa học. Ảnh: Bùi My

    Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí Phạm Tuấn Đạt cho biết, các tham luận tại hội thảo đã góp phần làm rõ các nội dung quan trọng: Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh từ các di sản văn hóa trên địa bàn Uông Bí; thực trạng, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; định hướng việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản phù hợp với xu thế xây dựng và phát triển thành phố du lịch – văn hóa tâm linh…

    Từ những kiến nghị của các nhà khoa học, thành phố sẽ có các giải pháp để đầu tư, bảo tồn, giữ gìn di sản, truyền thống văn hóa lịch sử, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế du lịch; phát huy giá trị di sản để TP Uông Bí mang những giá trị rất riêng biệt.