Dù đứng đầu bảng nhưng đội tuyển Anh đã phải nhận nhiều lời chỉ trích vì những màn trình diễn mờ nhạt tại Euro 2024. Nhưng tại sao tuyển Anh lại không đạt được kỳ vọng? Họ phải làm gì để nâng cao hiệu suất của mình?
Sợ thua hơn niềm vui chiến thắng
Các nhà tâm lý học có thể cung cấp một góc nhìn hữu ích để hiểu rõ hơn điều gì đang diễn ra ở đội tuyển Anh: nó được gọi là ác cảm mất mát. Ác cảm mất mát là xu hướng mọi người đặc biệt thích, nó là suy nghĩ tránh thua lỗ hơn là đạt được lợi nhuận. Nói cách khác, mọi người có xu hướng bảo tồn những gì họ đang có, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải từ bỏ những phần thưởng tiềm năng.
Đây là khái niệm ra đời từ công trình của các nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky và chủ yếu được sử dụng để giải thích các hành vi kinh tế. Phát hiện của họ cho thấy rằng: mất 100 USD khiến những người sợ mất mát cảm thấy đau khổ gấp 2,5 lần so với niềm vui kiếm được 100 USD.
Trong thể thao, “ác cảm mất mát” có thể đề cập đến những tình huống mà nỗi đau thua cuộc mãnh liệt hơn sự hài lòng khi chiến thắng. Khi điều này xảy ra, tư duy sợ mất mát sẽ chiếm ưu thế. Ví dụ một huấn luyện viên có thể tập trung vào việc ngăn chặn bàn thua hơn là ghi bàn để tìm chiến thắng.
Bản thân HLV Gareth Southgate đã nhận phải nhiều lời chỉ trích vì phong cách bóng đá bảo thủ cố hữu của mình, thể hiện qua các quyết định chiến thuật và cách quản lý trận đấu thận trọng.
Khi còn là cầu thủ, Southgate đã đá hỏng quả phạt đền trong loạt sút luân lưu ở bán kết Euro 1996. Liệu có thể chính lịch sử của ông đã góp phần tạo nên tâm lý sợ thua để tránh nỗi đau thua cuộc hay không?
Những cảm xúc tiêu cực liên quan đến mất mát như: hối tiếc, thất vọng, lo lắng, thường mạnh mẽ và kéo dài hơn những cảm xúc tích cực liên quan đến lợi ích hoặc chiến thắng.
Chờ tuyển Anh “lột xác” ở vòng loại trực tiếp
Rốt cuộc nỗi sợ mất đi các nguồn tài nguyên, chẳng hạn như thức ăn, nơi trú ẩn hoặc bạn bè, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự sống còn của loài người. Phản ứng theo bản năng này để bảo vệ những gì mình đã được truyền qua nhiều thế hệ. Theo thuật ngữ bóng đá, điều này có nghĩa là bảo vệ tỉ số. Như cái cách mà tuyển Anh đã cố gắng trong các trận đấu với Serbia và Đan Mạch.
HLV tuyển Anh thường ca ngợi các cầu thủ của mình về sự can đảm và kiên cường. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì những vận động viên muốn tránh thua cuộc đều phải quyết tâm vượt qua thử thách. Tuy nhiên mong muốn tránh khỏi nỗi đau thua cuộc có thể khiến cầu thủ nghẹt thở trước áp lực. Nghẹt thở xảy ra khi các cầu thủ không thể hiện được phong độ như thường lệ do lo lắng, cạnh tranh gay gắt cùng nỗi sợ thất bại.
Áp lực để tuyển Anh thành công và nỗi sợ không đáp ứng được kỳ vọng tại một giải đấu quốc tế là gánh nặng tâm lý đáng kể. Bất chấp tài năng cá nhân của họ, khi rủi ro thua cuộc lớn hơn chiến thắng, sức nặng của chiếc áo đấu Anh có thể là gánh nặng trên vai các cầu thủ.
The Lionesses (đội tuyển nữ của Anh) biết cảm giác này như thế nào, nhưng đã chiến thắng bằng thành công tại Euro 2022, nó vô tình làm nâng cao sự kỳ vọng cho đội tuyển nam.
Harry Kane gần đây đã nhắc nhở các chuyên gia bình luận (từng là cầu thủ) khi họ chỉ trích màn trình diễn của đội tuyển Anh rằng “hãy nhớ cảm giác khi mặc áo tuyển Anh”. Đồng đội Declan Rice cũng đưa ra những bình luận tương tự.
Trong thời đại mà các chuyên gia được tạo điều kiện thoải mái bình luận từ nhiều nền tảng truyền thông xã hội, nỗi sợ thua cuộc và nguy cơ bị bóp nghẹt đối với đội tuyển Anh chưa bao giờ lớn hơn thế.
Sir Alex Ferguson thường sử dụng những lời chỉ trích của giới truyền thông để khích lệ Manchester United, tạo ra tâm lý “chúng ta và họ” giúp đội bóng giành được nhiều chiến thắng. Liệu Southgate và đội trưởng của ông có thể làm điều tương tự để giúp các cầu thủ Anh cùng nhau giải quyết những kỳ vọng khi được chơi bóng ở các giải đấu?
Tuyển Anh đang bước vào vòng loại trực tiếp của Euro 2024 và đây là lúc mà họ không còn đủ khả năng chơi để “không thua nữa”. Họ phải dũng cảm và chơi để thắng. Từ bỏ xu hướng sợ thua không phải là điều dễ dàng. Liệu những chú sư tử có thể tìm thấy cách để thoát khỏi xiềng xích tâm lý từ những kỳ vọng cao không? Mọi người đang chờ đợi phản ứng của họ ở trận đấu với Slovakia vào ngày mai (30-6).
Mời bạn đọc theo dõi những thông tin nóng nhất: lịch thi đấu, kết quả, bảng xếp hạng Euro 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.