Trong khoảng 5 năm trở lại đây, truyền thống của các nền bóng đá đã dần thay đổi.
Tuyển Đức thay đổi quá đà
Nhà báo Vũ Công Lập, người am hiểu sâu sắc về văn hóa bóng đá Đức, chia sẻ: “Những năm thập niên 2000, người Đức xác định họ phải thay đổi cách đào tạo cầu thủ.
Suốt một thời gian dài, các CĐV Đức khao khát những ngôi sao tấn công giàu kỹ thuật. Và họ truyền miệng rằng các HLV ở Đức cần phải đi đến biên giới với Hà Lan, tiếp đó chỉ cần nhìn qua bên kia thôi sẽ học hỏi những đứa trẻ Hà Lan chơi bóng kỹ thuật như thế nào”.
Cuộc cách mạng đào tạo bóng đá ở Đức bắt đầu từ thập niên 2000. Người Đức sớm thu thành quả vào thập niên 2010 với thế hệ ngôi sao Mesut Ozil, Mario Gotze, Toni Kroos, Marco Reus… Những cái tên này xuất hiện và nhanh chóng làm nức lòng người hâm mộ Đức. Nhưng sau khoảng 10 năm, người Đức lại mắc phải vấn đề mới, khi quá lậm vào việc đào tạo những tiền vệ tấn công.
Cụ thể, bóng đá Đức lúc này có hàng loạt “số 7”, “số 8”, “số 10” tài năng. Điển hình là việc họ có cùng lúc 2 cầu thủ trạc tuổi xuất sắc trong vai trò nhạc trưởng là Jamal Musiala và Florian Wirtz. Cả hai có phong cách thi đấu gần tương tự nhau và chỉ chênh nhau 3 tháng tuổi. Trên thị trường chuyển nhượng, họ nằm trong nhóm những cầu thủ đắt giá nhất thế giới.
Tuyển Đức sở hữu nhiều ngôi sao tấn công đến mức dàn cầu thủ không được HLV Nagelsmann triệu tập có thể tạo thành hàng công đáng mơ ước với nhiều đội bóng khác. Đó là Timo Werner, Serge Gnabry, Julian Brandt, Kevin Schade…
Và cái giá phải trả cho việc quá chú trọng vào kỹ thuật là giờ đây bóng đá Đức thiếu hẳn chất thép. Đức mang đến Euro 2024 đến 10 tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, chỉ 2 trong số đó là mẫu tiền vệ phòng ngự mạnh mẽ là Andrich cùng Pavlovic và đều không được đánh giá cao.
Các cầu thủ tấn công của Đức cũng giàu kỹ thuật, tốc độ hơn là sự lạnh lùng cần thiết cho việc săn bàn. Kết quả là tuy rất nhiều “số 7”, “số 8”, “số 10”, tuyển Đức lại thiếu một “số 9” thực thụ. Trong quá khứ, Đức luôn sở hữu những trung phong xuất sắc qua từng thập niên như Gerd Muller, Rummenigge, Voller hay Klose. Nhưng rồi đến thập niên 2020, họ chẳng còn nổi một chân sút nào có thể so sánh với những huyền thoại kể trên.
Những lý do khách quan
Trớ trêu thay, nền bóng đá khiến người Đức phải học hỏi trong việc đào tạo ngôi sao tấn công giờ đây lại gặp phải bi kịch trái ngược. Ngay trước thềm Euro 2024, Hà Lan nhận hung tin khi Frenkie De Jong dính chấn thương phải nói lời chia tay giải đấu. Kết quả là HLV Ronald Koeman phải mang đến đất Đức một đội bóng hầu như không có tiền vệ sáng tạo nào trong đội hình.
Bóng đá trẻ Hà Lan những năm gần đây đang quật khởi. Thế hệ cầu thủ sinh năm 2000 trở đi của họ xuất hiện nhiều ngôi sao ở vị trí tiền vệ trung tâm, trung vệ và hậu vệ cánh. Dù vậy, Hà Lan lại cực kỳ khan hiếm các tiền vệ giàu kỹ thuật. Xavi Simons là ngoại lệ hiếm hoi, nhưng cầu thủ của CLB Leipzig này thiên về phong cách đột phá mạnh mẽ hơn là dẫn dắt lối chơi.
Trung vệ có lẽ là vị trí Hà Lan thừa thãi nhất. Họ thừa đến mức HLV Koeman không triệu tập cả Botman lẫn Timber – hai ngôi sao đang chơi bóng ở Premier League. Sau nhiều thập niên, Hà Lan và Đức giờ đây đổi vai cho nhau: một đội quá giàu kỹ thuật, một đội lại thừa chất thép.
Trong khi đó, Ý sẽ mang đến Euro 2024 dàn hậu vệ vô danh nhất từ trước đến nay. Sau khi Chiellini và Bonucci chia tay đội tuyển, Ý chỉ còn Bastoni là người thực sự nổi bật ở vị trí trung vệ. Và trong sơ đồ phòng ngự 3 người của HLV Spalletti, 2 người đá cạnh anh có thể là Boungiorno cùng Calafiori.
Cả hai đều là những cầu thủ ít tên tuổi chơi cho các đội bóng trung bình ở Serie A. Vấn đề của Ý một phần đến từ lý do khách quan, khi Acerbi cùng Scalvini bất ngờ dính chấn thương phải chia tay Euro 2024.
Mời bạn đọc theo dõi những thông tin nóng nhất: lịch thi đấu, kết quả, bảng xếp hạng Euro 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.