Theo kết luận điều tra mới ban hành, giai đoạn 2018 – 2020, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, cùng đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân.
Các pháp nhân này trong nhóm Vạn Thịnh Phát, gồm Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP.HCM (Setra).
Tiền thu được từ trái phiếu không được dùng đúng mục đích để sản xuất, kinh doanh, lấy tiền trả cho trái chủ mà được Trương Mỹ Lan chi cho hoạt động của ngân hàng SCB (bà Lan nắm trên 90% cổ phần) hoặc mục đích khác. Đến nay, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thể trả tiền nên cảnh sát xác định, có hơn 35.000 nhà đầu tư bị lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng.
Cũng theo điều tra, việc phát hành trái phiếu được thực hiện qua Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và chính nhân viên của ngân hàng SCB trực tiếp tìm kiếm nhà đầu tư, mời họ mua trái phiếu.
Cụ thể, năm 2018, Hội đồng quản trị SCB thông qua nghị quyết hợp tác với TVSI triển khai giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp. Sau đó, SCB và TVSI ký hợp đồng hợp tác về việc giới thiệu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng hoặc chuyển nhược trái phiếu.
Theo hợp đồng, SCB phụ trách tiếp nhận thông tin của nhà đầu tư (gồm cá nhân hoặc pháp nhân) rồi giới thiệu cho TVSI, giúp đơn vị này chuyển nhượng trái phiếu. Đổi lại, phía SCB được hưởng phí giới thiệu, như với trường hợp trái phiếu của Công ty An Đông là 0,083%.
Từ năm 2020, phí giới thiệu được các bên thống nhất là 60% nhân với tổng số: chênh lệch ròng giữa các giao dịch, cộng tiền lãi Coupon, cộng phí chượng, cộng phí nhận chuyển nhượng cùng các khoản thu khác liên quan nếu có.
Để nhân viên của mình có thể bán được trái phiếu, Khối bán lẻ SCB chỉ đạo việc triển khai xây dựng tài liệu về sản phẩm trên cơ sở các thông tin do phía TVSI cung cấp.
Từ các tài liệu trên, SCB yêu cầu các nhân sự, từ giám đốc chi nhánh trở xuống nhân viên, chuyên viên tư vấn, giao dịch viên của chi nhánh, phòng giao dịch phải đào tạo. Tổng số có 75 lớp đào tạo từ xa với hơn 2.300 lượt nhân sự của SCB tham gia và 12 khóa đào tạo trực tiếp với 195 lượt tham gia; tổng số hơn 2.500 lượt người.
Để đảm bảo cán bộ, nhân viên luôn nắm vững kiến thức trong quá trình cung cấp sản phẩm, SCB hằng năm đều tổ chức các kỳ thi kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Trong đề thi, kiến thức về mảng trái phiếu doanh nghiệp chiếm từ 10 – 15% tổng số câu hỏi.
Song song việc đào tạo, SCB tổ chức truyền thông cho cán bộ, nhân viên các thông tin, tài liệu, hướng dẫn quy trình vận hành (nhận từ TVSI). Việc này được tổ chức chặt chẽ, từ khâu tổng hợp danh sách nhân viên tham gia chương trình; truyền thông thông tin triển khai, quy trình, hướng dẫn về lãi suất trái phiếu; xây dựng và triển khai các chính sách hoa hồng…
Ở tầng cao, Hội sở SCB tổ chức quản lý, giám sát việc giới thiệu trái phiếu của các chi nhánh, phòng giao dịch. Kết quả giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp được theo dõi và gửi đến các đơn vị kinh doanh hằng tháng, cùng với kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh khác của đơn vị.
Ngoài ra, SCB và TVIS hằng tháng cũng tổ chức đối soát số liệu khách hàng mà ngân hàng giới thiệu nhằm có cơ sở tính và thanh toán phí giới thiệu theo hợp đồng đã ký.
Cũng theo kết luận điều tra, tính đến ngày khởi tố vụ án vào 7/10/2022, Hội sở ngân hàng SCB không nhận bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng và các đơn vị kinh doanh về việc: “Cán bộ, nhân viên làm sai quy trình để đẩy nhanh việc giới thiệu trái phiếu, “chạy” doanh số, lấy hoa hồng…”.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu tầm