Liên quan vụ bé mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong ở Thái Bình, nhà chức trách đã làm rõ, chiếc xe ô tô trong vụ việc là chiếc xe 29 chỗ, màu mận tím, mang biển kiểm soát của tỉnh Thái Bình (17F – 000.91).
Lái xe là ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình, được cấp giấy phép lái xe hạng D tháng 3/2022), hiện đã bị bắt trong vụ án. Chủ chiếc xe là P.V.Đ (TP.Thái Bình); xe đăng kiểm ngày 20/5/2024.
Chiếc xe trên thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà, được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý, cấp phù hiệu “xe hợp đồng”.
Ở diễn biến mới nhất, theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chiếc xe ô tô đưa đón trong vụ bé mầm non bị bỏ quên mang biển kiểm soát 17F – 000.91 được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu vào cuối năm 2020.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành hậu kiểm đối với Hợp tác xã vận tải Hồng Hà, yêu cầu đơn vị này báo cáo, tiến hành rà soát thiết bị giám sát hành trình với phương tiện để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Ảnh: TBTV
Thời điểm đó, Nghị định 10/2020/NĐCP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có hiệu lực và quy trình cấp phù hiệu được thực hiện theo nghị định này.
Theo vị lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐCP, bất cứ đơn vị kinh doanh nào có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp nộp hồ sơ đúng quy định; phương tiện đảm bảo đúng điều kiện theo quy định đều được sở cấp phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải, không phân biệt phương tiện mang biển kiểm soát của tỉnh nào.
Về chiếc xe ô tô này, chiếc xe là của một xã viên thuộc Hợp tác xã vận tải Hồng Hà. Hợp tác xã Hồng Hà đóng trên địa bàn TP.Hà Nội nên đơn vị này được cấp giấy phép kinh doanh vận tải trên địa bàn.
Tuy vậy, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, quy định thể hiện xe ô tô muốn cấp phù hiệu ở tỉnh nào thì phương tiện phải có trên 70% thời gian hoạt động ở địa phương đó.
Nếu xe ô tô 17F – 000.91 mà hoạt động trên 70% thời gian trên địa bàn Thái Bình thì phải đăng ký cấp phù hiệu với đơn vị có trụ sở ở Thái Bình.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành hậu kiểm đối với Hợp tác xã vận tải Hồng Hà, yêu cầu đơn vị này báo cáo, tiến hành rà soát thiết bị giám sát hành trình với phương tiện để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Về diễn biến vụ việc, khoảng 18 giờ ngày 29/5, Công an TP.Thái Bình tiếp nhận tin báo của anh T.Đ.A (2004), trú tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư về việc cháu T.G.H (sinh ngày 20/9/2019), là học sinh lớp 4 tuổi Trường Mầm non Hồng Nhung, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND thành phố, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an thành phố phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định.
Bước đầu xác định, khoảng 6 giờ 20 phút ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Lâm điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 1 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung 2 đón cháu H và 9 học sinh khác đi học.
Khi đến trường, ông Lâm mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp, sau đó điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, anh T.Đ.A – cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Ngay trong ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự để điều tra làm rõ vụ án.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày
Nguồn: Sưu tầm