January 22, 2025

Trung Quốc: “Phố Wall cõi âm” điêu đứng vì lệnh chống mê tín

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Tạm giữ 3 nghi phạm trong vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh tử vong
  • Bắt Chủ tịch Tổng công ty Anh Phát Trịnh Xuân Nghiệm
  • AP, Reuters và loạt trang tin quốc tế bày tỏ sự mong đợi trước chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long”

  • Ngành công nghiệp tang lễ tại ngôi làng Mibeizhuang, nổi tiếng với các mặt hàng tang lễ và tưởng niệm, đang phải đối mặt với nhiều áp lực khi các nỗ lực cấm các sản phẩm “mê tín” và sự thay đổi trong truyền thống đã ảnh hưởng mạnh đến kinh doanh. Ngôi làng nằm ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, chiếm đến 90% thị trường hàng tang lễ của Trung Quốc với sản lượng hàng năm khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (137,94 triệu đô la). Con phố chính ở đây, kéo dài khoảng 1km, được ví như “Phố Wall của cõi âm”, với hàng ngàn loại hàng mã như hoa giấy, hình nộm và câu đối tưởng niệm cho các lễ tang và tưởng niệm truyền thống.

    Trung Quốc: “Phố Wall cõi âm” điêu đứng vì lệnh chống mê tín

    Hàng năm, trước lễ Tảo Mộ vào đầu tháng Tư, khách hàng đổ về Mibeizhuang để mua sắm quà tặng tri ân tổ tiên. Nhưng năm nay, con phố chính lại im lìm với chỉ vài quầy hàng bên đường và hầu hết các người bán hàng phải lướt điện thoại cả ngày. “Doanh thu ngày càng tệ hơn”, Wang Guoqiang, một người kinh doanh hàng tưởng niệm, than thở. Từ sáng sớm đến 11 giờ 30 phút, ông chỉ bán được một món hàng là bộ bài mạt chược giấy giá 16 nhân dân tệ (khoảng 60 nghìn đồng).

    Trung Quốc: "Phố Wall cõi âm" điêu đứng vì lệnh chống mê tín- Ảnh 1.

    Mibeizhuang, thuộc thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, chiếm đến 90% thị trường hàng tang lễ của Trung Quốc với sản lượng hàng năm khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (137,94 triệu đô la). Ảnh: Sixth Tone.

    Nguyên nhân của sự suy giảm này bắt nguồn từ hai yếu tố chính: chính sách mới và sự tiến bộ. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã giới thiệu các quy định “tưởng niệm văn minh” nhằm vào việc sản xuất hoặc bán các mặt hàng “phong kiến và mê tín” như tiền giấy và các đồ cúng giấy, hàng mã khác. Ngoài ra, sự xuất hiện của công nghệ mới đang cung cấp cho người dân những lựa chọn tổ chức tang lễ và tưởng niệm rẻ và bền vững hơn.

    Ngành công nghiệp cung cấp đồ tưởng niệm ở Mibeizhuang bắt đầu với hoa giấy từ thời nhà Thanh (1644–1911). Đến năm 1976, sau cái chết của Mao Trạch Đông, hoa giấy trở thành một phần của truyền thống tang lễ. Khi hoa giấy trở nên phổ biến rộng rãi, một thị trường bán buôn đặc biệt đã được thành lập tại thị trấn quản lý Mibeizhuang vào năm 1983. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cung cấp đồ tưởng niệm mà chúng ta thấy hôm nay không bắt đầu hình thành cho đến 20 năm sau đó. Các cư dân lớn tuổi ghi nhận sự chuyển đổi này cho Yang Wenyuan, người lúc đó là bí thư đảng ủy huyện Xiong. Ông đã giám sát phát triển con phố chính, thu hút các nhà cung cấp và người mua và giúp tổ chức lực lượng lao động địa phương, phân chia lao động giữa sản xuất và bán hàng.

    Trung Quốc: "Phố Wall cõi âm" điêu đứng vì lệnh chống mê tín- Ảnh 2.

    Kinh doanh ảm đạm tại “Phố Wall cõi âm” vì chính sách mới chống mê tín. Ảnh: Sixthtone.

    Vào cuối tháng 3/2024, các thương nhân địa phương nhận được tin nhắn thông báo về Sáng kiến Tưởng niệm Văn minh của thành phố Bảo Định trên điện thoại di động của họ. Sáng kiến này nhằm cấm sản xuất và bán các mặt hàng tưởng niệm “phong kiến và mê tín”. Hình phạt cho việc vi phạm bao gồm phạt tiền nặng và tịch thu hàng hóa. Tác động lên kinh doanh là rõ ràng. Wu Tian – người sắp phá sản nói rằng, trong hai năm qua, việc thực thi các chính sách tưởng niệm văn minh đã trở nên nghiêm ngặt hơn, nhưng có quá nhiều thương nhân, nên khó có thể xử lý tất cả. Thêm vào đó, ông nói, mọi người nhanh chóng tìm cách lách luật.

    Ví dụ, vào năm 2019, chính phủ cập nhật các quy định về việc sử dụng thiết kế của đồng nhân dân tệ để làm tiền giấy cúng. Kiểm tra được tăng cường và doanh số bán tiền giấy cõi âm giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ nước ngoài như euro, đô la, bảng Anh.

    Các yếu tố khác góp phần vào khó khăn của hộ kinh doanh ở Mibeizhuang là sự xuất hiện của các kênh thương mại điện tử và sự quan tâm ngày càng tăng đến các sản phẩm tang lễ và tưởng niệm bền vững hơn. Li Wei, người điều hành một cửa hàng ở giữa “Phố Wall của cõi âm”, cho biết, các mặt hàng tang lễ và tưởng niệm của Mibeizhuang thực tế là một thương hiệu quốc gia, thậm chí thu hút các doanh nghiệp và cá nhân chuyển đến đây để theo đuổi thị trường. Nhờ thành công này, các ngôi làng lân cận cũng bắt đầu phát triển các sản phẩm liên quan như thỏi vàng giấy, vòng hoa và đồ cúng đạo giáo.

    Trung Quốc: "Phố Wall cõi âm" điêu đứng vì lệnh chống mê tín- Ảnh 3.

    Một cửa hàng bán áo quan tại Mibeizhuang. Ảnh: Sixth Tone.

    Li đã cố gắng tìm kiếm các sản phẩm hiện đại và “văn minh” hơn để bán trong cửa hàng của mình. Một ví dụ là vòng hoa điện tử tái sử dụng, bao gồm khung kim loại với hoa giả và màn hình LED. “Tương lai của tang lễ và tưởng niệm chắc chắn là công nghệ”, ông nói.

    Những thay đổi trong chính sách và xu hướng tiêu dùng đang đặt ra nhiều thách thức cho các thương nhân ở Mibeizhuang. Khi mà công nghệ và các biện pháp bền vững trở thành xu hướng, việc kinh doanh các sản phẩm truyền thống ngày càng trở nên khó khăn. Liệu ngôi làng nổi tiếng với ngành công nghiệp tang lễ này có thể thích nghi và tồn tại trong tương lai hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn.


    Văn hóa – Giải trí | danviet.vn